Lịch sử triều đại nhà Thanh không thể không bỏ qua sự việc ấu chúa Khang Hy trừng phạt Ngao Bái. Năm Khang Hy 15 tuổi, chàng thiếu niên tài danh đã lên kế hoạch vây bắt gian thần Ngao Bái đồng thời công khai 30 tội trạng của y trước triều thần. Phạm trọng tội, đáng lẽ Ngao Bái phải tru di cửu tộc, chém đầu thị uy dân chúng, thế nhưng Khang Hy chỉ bắt giam tống ngục và tống gia tộc Ngao Bái lưu đày.
Sau này, chính Khang Hy vẫn thường nhắc tới công lao của “cựu công thần” Ngao Bái trước các hoàng tử. Cho tới ngày nay, cách xử lý của Khang Hy vẫn là một trong những câu chuyện nổi tiếng Thanh triều. Và chỉ tới khi bức mật thư do chính tay Ngao Bái viết ra lúc chân tướng mới dần hé lộ.
Trước khi vạch tội Ngao Bái, phải thừa nhận rằng y là một nhân tài hiếm có, một trung thần đáng kính. Ngao Bái là tam nguyên triều lão có công trạng lớn trong triều đại nhà Thanh, y có võ công phi phàm, vào sinh ra tử để bảo vệ bờ cõi Thanh Triều từ thời vua Hoàng Thái Cực.
Khi Hoàng Thái Cực lâm bệnh qua đời, em trai ông là Đa Nhĩ Cổn đã tham gia vào việc tranh đoạt ngôi vua, Ngao Bái trong tay nắm trọng binh cùng Sách Ni và những người khác thề chết ủng hộ con trưởng của Hoàng Thái Cực lên ngôi, uy hiếp Đa Nhĩ Cổn bắt y chịu thua.
Để có thể áp chế thế lực của Đa Nhĩ Cổn, Ngao Bái đã đánh cược toàn bộ tài sản cũng như danh tiếng và tính mệnh của mình để viết ra một bức mật thư nhằm lôi kéo các nguyên lão Bát Kỳ.
Nội dung bức mật thư đến tận 350 năm mới được tiết lộ, trong đó có đoạn: “Ta đời này ăn cơm của Tiên đế cho, mặc y phục của Tiên đế cấp, xin lấy tính mạng để thề bảo vệ con trai của Ngài, nếu không lập con trai Tiên đế kế vị, ta nguyện lấy cái chết để tạ tội”.
Mặc dù cuối cùng con trưởng của Hoàng Thái Cực là Hạo Cách không thể ngồi vào ngôi hoàng đế, cha của Khang Hy là Thuận Trị nhờ đó mới có thể thuận lợi kế vị. Nếu không có Ngao Bái thì dòng dõi của Thuận Trị – Khang Hi hẳn sẽ không có cơ hội ngự trên đế vị (Thuận Trị vốn là con thứ 9 không có đủ tiềm năng đăng cơ).
Thuận Trị đăng cơ thuận lợi nhờ có sự bảo vệ của Ngao Bái, thế nhưng hầu hết mọi việc trong triều đều do Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn quản lý. Mặc dù bất mãn nhưng Ngao Bái vẫn một lòng trung thành phò tá tân đế mặc dù bản thân ông rơi vào thế bất lợi.
Một ngày nọ, Đa Nhĩ Cổn đột ngột qua đời, Ngao Bái chiếm thời cơ liên kết với các đại thần để giúp Thuận Trị thanh trừng phe cánh của Nhiếp chính vương khét tiếng một thời ấy. Với Thuận Trị, Ngao Bái là trung thần có công lớn, cho đến trước lúc qua đời, Thuận Trị lại chọn Ngao Bái là một trong những đại thần ủy thác giao phó giang sơn, phò trợ Khang Hy kế nghiệp.
Thế nhưng, khát vọng quyền lực cùng sự tự mãn đã vẽ ra cuộc đời khác của Ngao Bái, sau khi Khang Hy lên ngôi, Ngao Bái thẳng tay trừng trị những quần thần trái ý mình, coi thường ấu chúa, mưu đồ lật đổ đế vương để lên ngôi vua.
Sau khi tống giam Ngao Bái, bản thân Ngao Bái biết rõ tính mạng của mình khó giữ liền thỉnh cầu được gặp Khang Hy nhìn những viết thương trên cơ thể lưu lại sau nửa đời lăn lộn trên chiến trường. Đó chính là những vết tích chứng minh công trạng của Ngao Bái với Hoàng Thái Cực, bởi thống nhất thiên hạ mà chịu nhiều đau đớn.
Cuối cùng, Ngao Bái nói một câu: “Vào những thời khắc quan trọng nhất, ta đã nhiều lần cứu Hoàng Thái Cực khỏi nguy nan”.
Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến Khang Hy vẫn tôn trọng và tránh cho Ngao Bái khỏi nạn diệt môn. Cuối cùng cuộc đời Ngao Bái chấm dứt trong ngục tù bởi tuổi già và trọng bệnh.
Trần Hiệp (TH)