“Tháng 11.2020, giá sắt chỉ có 15,5 ngàn đồng/kg, 14 tỉ tương đương mua được 903 tấn. Bây giờ 25.5.2021, 14 tỉ quy ra sắt thì lên hơn 24 tỉ. Số tiền chênh lệch cỡ 10,658 tỉ đồng”- Tính toán của bà Phương Hằng.
Tại sao bà Hằng không tính bằng lãi suất, không quy vàng, quy USD mà lại quy sắt thép?
Có lẽ đó chỉ là một cách tính, nói đúng hơn là một cách nói.
Nhưng việc quy sắt thép của nữ CEO Đại Nam đang phản ánh một thực tế “vỡ trận” và “không lối thoát” của các doanh nghiệp (DN) xây dựng khi giá sắt thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung đang tăng phi mã.
Chỉ vừa xong, mới nhất: Hàng chục doanh nghiệp ở Tiền Giang đồng loạt ký đơn kêu cứu.
Làm làm sao được nữa, sao mà không “vỡ trận” hay phá sản được khi mà từ cuối năm ngoái đến nay, giá vật liệu xây dựng, bao gồm tất tật từ sắt thép, tôn, cát, đá, gỗ, cửa nhựa, sơn, xăng dầu… đã tăng mạnh, với mức trung bình 25%. Riêng giá thép tăng tới 50-60%; cát xây dựng (cát xây và san lấp) tăng 100%.
50-60% hay 100%, các bạn có thể tưởng tượng được sức ép từ những con số này tới các doanh nghiệp không? Khi mà các gói thầu các hợp đồng, nhất là sử dụng vốn nhà nước đã “chốt”, thấp rất xa so với giá thị trường đang biến động từng ngày.
Lấy giá thép Hoà Phát làm ví dụ. Tháng 12.2020, thép Hoà Phát có giá 11.600 đồng/kg. Đến 12.5.2021, giá thép tại nhà máy (chưa VAT) đã là 17.250 đồng/kg, tăng tới 48,7%.
Trong khoảng thời gian chỉ vài tháng ấy, giá đã 28 lần tăng với biên độ 300-500 ngàn/tấn.
Giá cả phi mã, tăng chóng mặt, biến động từng ngày như thế thì doanh nghiệp nào chịu nổi.
Còn tình huống “không lối thoát”, là vì dù các Hiệp hội đồng loạt đề nghị kiểm tra, doanh nghiệp khắp nơi kêu cứu nhưng ngay cả việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép vẫn còn đang được Bộ Tài chính tính toán.
Để các doanh nghiệp có thể sống, có lẽ, ngay lúc này cần một sự điều chỉnh trong tính toán giá vật tư, vật liệu xây dựng cho phù hợp với thực tế. Chứ doanh nghiệp chết thì nền kinh tế cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Còn để việc “quy sắt thép” thôi là một… thước đo, một thông số tính toán thì chính sách thuế cần phải được điều chỉnh chứ không thể để kệ, không thể coi 2021 cũng như 2020 được.
CEO Phương Hằng hôm qua nói đúng đấy: “Tính về giá trị thương mại thì làm rõ ra, tiền phải làm ra tiền chứ không phải tiền để trao niềm tin”.
Theo Anh Đào/ báo người lao động