Cảm giác sợ hãi. của khán giả là thước đo hiệu quả của công việc hóa trang trong phim kinh dị. Những người đảm nhận khâu hóa trang ít xuất hiện hay được nhớ mặt, gọi tên nhưng họ chính là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của dòng phim này. Chang Belivia (Nguyễn Hoàng Thùy Trang) là một người trong số đó.
Lăn lộn không khác diễn viên, ê kíp quay
Chị Chang Belivia (Nguyễn Hoàng Thùy Trang) vừa trở về TPHCM từ phim trường ở Bảo Lộc và chỉ có vài tiếng ngắn ngủi để chuẩn bị một số thứ, sau đó phải tức tốc trở lại nơi làm việc. Bận rộn như vậy nên dù phim điện ảnh Cám ra mắt được 2 ngày, đạt doanh thu hơn 50 tỉ đồng, xác lập kỷ lục mới cho dòng phim kinh dị Việt nhưng chị vẫn chưa có cơ hội xem lại thành quả của mình.
Hóa trang là một trong những điểm sáng của tác phẩm này, từ gương mặt kỳ dị của Cám cho đến những cảnh rùng rợn khiến người xem nổi gai ốc. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, 90% phần hóa trang này được thực hiện thủ công. Vì thế, chuyên gia hóa trang chịu áp lực rất lớn.
Chị Thùy Trang cho biết, để có được gần 2 tiếng cho nhân vật Cám trên màn ảnh rộng, chị đã mất 8 tháng để chuẩn bị, thuyết phục nhà sản xuất. So với những dự án từng hợp tác với đạo diễn Trần Hữu Tấn (Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn) thì đây là bài toán có độ khó cao hơn rất nhiều. Nếu trước đây chị thường hóa trang các vết thương trực tiếp trên da thịt diễn viên và một số cảnh rùng rợn thì giờ phải chế tạo rất nhiều mặt nạ, đảm bảo sự sinh động, độc đáo, chân thực.
Cám là nhân vật mang đến cảm giác ghê sợ, nhưng đạo diễn, nhà sản xuất cũng mong khơi gợi được sự thương cảm từ khán giả. “Ban đầu, tôi chưa thể tưởng tượng được nhân vật này, yêu cầu lại là phải mang đến cho người xem 2 cảm xúc đối lập, nên thấy rất áp lực” – chị nói. Theo chị, việc này đòi hỏi phải hiểu nhân vật không thua kém diễn viên, thậm chí phải hòa mình vào đời sống của nhân vật để có cảm hứng.
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và kiên nhẫn. Sau khi có ý tưởng, chị bắt đầu lấy dấu trên gương mặt thật của diễn viên, tạo khuôn đất sét, đổ silicon, rồi lại lấy dấu, hoàn thiện chi tiết… Việc làm sao để mặt nạ “ăn” khớp với da của diễn viên cũng rất khó do dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng ẩm.
Diễn viên, ê kíp lăn lộn bao nhiêu giờ ngoài phim trường thì chị và cộng sự cũng phải dành chừng ấy thời gian; bởi chỉ cần ánh sáng, góc quay thay đổi thì màu sắc hóa trang cũng phải được chăm chút lại, đảm bảo sự đồng nhất.
Không ngừng cố gắng
Chị Thùy Trang bắt đầu đi theo các đoàn phim truyền hình từ năm 2009, từ công việc phụ trang điểm. Vài năm sau, chị từng có ý định bỏ công việc này vì vất vả, thời gian làm việc không cố định, đi sớm về khuya, ăn uống thất thường… “Tuy nhiên, nghề đã chọn tôi, bởi sau một giai đoạn tôi dừng lại thì tiếp tục được mời đi trang điểm cho phim, rồi trở thành hóa trang chính cho đoàn” – chị kể.
Từ năm 2019, chị chuyển sang hóa trang cho các đoàn phim điện ảnh, nhưng chủ yếu vẫn là trang điểm đẹp hoặc chỉ làm diễn viên già đi, chưa có nhiều thử thách. Phim Móng vuốt đưa chị sang ngã rẽ mới, khi có nhiều cảnh rùng rợn, kinh dị. Dù yêu thích dòng phim này nhưng chị cho biết thời gian đầu, khi bắt tay hóa trang cũng thấy sợ, sau đó dần quen, tìm được sự thích thú khi nhận nhiều dự án hơn với đạo diễn Trần Hữu Tấn.
Theo chị, thị trường hóa trang vẫn đang rộng mở cho những người trẻ, đặc biệt khi điện ảnh và nhất là dòng phim kinh dị đang lên ngôi. Tuy nhiên, để có được chỗ đứng trên thị trường cần nhiều yếu tố. Chẳng hạn việc hóa trang thường mất nhiều thời gian nên chuyên gia hóa trang và cộng sự phải tìm giải pháp rút ngắn thời gian trên phim trường nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Điện ảnh phát triển, khán giả ngày một khó tính hơn, yêu cầu khắt khe hơn. Vì vậy, người làm nghề cần trau dồi kỹ năng liên tục. Ngoài thời gian trên phim trường, chị Thùy Trang còn theo đuổi các khóa học trực tuyến với chuyên gia nước ngoài, tự đặt hàng dụng cụ, vật liệu cần thiết để thực hành…
Chị Thùy Trang nói, công việc này phụ thuộc nhiều vào cảm xúc nên có khi làm rất nhanh, đôi khi lại không làm được gì vì không có hướng đi, ý tưởng. Vì thế, cũng cần giữ được sự cân bằng để sáng tạo hiệu quả hơn. Làm phim vốn vất vả, nhiều áp lực, chuyên gia hóa trang cũng không thể nằm ngoài. “Tôi luôn làm việc trong tâm thế đừng để bản thân hối hận vì đã không làm tốt trong thời điểm đó” – chị nói.
Đóng góp không ít cho sự thành công của tác phẩm nhưng đội ngũ hóa trang thường ít được nhắc đến hay được khán giả lưu tâm. Dù vậy, chị Thùy Trang cho rằng, chỉ cần ý thức được công việc của mình, cố gắng tạo được sản phẩm tốt thì tự khắc sẽ có chỗ đứng.