Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Bộ Tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian qua rà soát, thống kê và đánh giá. Từ hệ thống tài nguyên du lịch này, Sở Du lịch đã cập nhật các điểm đến du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm góp phần chuẩn hóa các thông tin về đánh giá, phân loại và xếp hạng tiềm năng tài nguyên du lịch, định hướng khai thác và mức độ tiếp cận giữa các tài nguyên du lịch sẽ là nền tảng dữ liệu cần thiết và hữu ích hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố trong xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch theo xu hướng thời đại mới góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Thành phố bền vững, tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phục hồi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 tổ chức vào ngày 16/10/2021 vừa qua, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Bộ Tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian qua rà soát, thống kê và đánh giá. Từ hệ thống tài nguyên du lịch này, Sở Du lịch đã cập nhật các điểm đến du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.
Việc thống kê, phân loại tài nguyên du lịch của Thành phố mang ý nghĩa quan trọng trong công tác đánh giá tiềm năng du lịch đặc trưng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, kết nối phát triển các tuyến điểm, dịch vụ du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú, đa dạng cho các chương trình du lịch hình thành các điểm tham quan phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; Đồng thời tạo thêm nguồn dữ liệu về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để các doanh nghiệp lữ hành khai thác và kết nối và xây dựng các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh và thuận lợi trong kết nối với các tỉnh, thành khác để tạo nên những chương trình du lịch liên tuyến, tạo ra những sản phẩm đa dạng và phong phú cho khách du lịch lựa chọn. Ngoài ra, khách du lịch và những người đam mê du lịch có thể tự xây dựng cho mình những lịch trình du lịch tại Thành phố mang màu sắc trải nghiệm riêng biệt.
Về nguồn dữ liệu tài nguyên và các điểm đến du lịch đã được cập nhật trên công cụ tìm kiếm Google và được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang thông tin chính thức của Sở Du lịch:
- Cổng thông tin điện tử Sở Du lịch:
http://sodulich.hochiminhcity.gov.vn/
- Webisite quảng bá du lịch Thành phố:
- Fanpage Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh:
https://www.facebook.com/hellohochiminhcity/
- Zalo Official Account Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh:
https://zalo.me/1670779870083194628
Kết quả thống kê dữ liệu tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là 366 điểm đến có sức hấp dẫn, được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: Tài nguyên du lịch tự nhiên; Tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; Tài nguyên du lịch văn hóa phí vật thể; Tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trong đó có:
– 13 điểm đến được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tập trung ở các tài nguyên chính như: sông Sài Gòn, rừng ngập mặn và biển đảo.
– 225 điểm đến hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, đó là các di tích văn hóa – lịch sử, nhà trưng bày văn hóa, bảo tàng, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ, làng nghề…
– 8 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống, những chương trình nghệ thuật.
– 120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch, các công trình nhân tạo có tính hấp dẫn với khách du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh định hướng 7 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực trong thời gian tới sẽ là các nhóm sản phẩm về Văn hóa – lịch sử, Ẩm thực, Mua sắm, Giải trí và hoạt động về đêm, Khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và về Y tế – Sức khỏe; Theo đó, định hình 5 tuyến du lịch chính gồm có tuyến City tour; thứ hai là tuyến trung tâm Thành phố – hướng Đông Nam Thành phố (Thành phố Thủ Đức), thứ ba là tuyến Trung tâm Thành phố – hướng Nam Thành phố (Bình Chánh), thứ tư là tuyến Trung tâm Thành phố – hướng Tây Bắc Thành phố (Hóc Môn, Củ Chi) và thứ năm là tuyến Trung tâm Thành phố – hướng Đông Nam Thành phố (Nhà Bè, Cần Giờ). Ngoài ra, các doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu cũng đang thiết kế dự kiến 42 chương trình du lịch (tour) được xây dựng gắn với 3 chủ đề: “Sài Gòn xưa và nay”, “Cảm xúc Sài Gòn”, “Nhịp sống Sài Gòn”.
Dựa trên những định hướng chiến lược sản phẩm, trong những năm tới đây, Thành phố có thể tập trung các giải pháp nhanh chóng cải thiện sản phẩm điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 tạo tiền đề cho các doanh nghiệp hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Gia Anh (Theo TTV)