Không cần ai nhắc nhở, suốt 14 năm cụ bà Trần Tú Nga vẫn tự nhặt rác, cầm chổi quét sạch khu phố.
Hơn 14 năm qua, người dân con hẻm 351, đường An Dương Vương, Phường 3, Quận 5, TP.HCM bày tỏ sự biết ơn với hành động đẹp của bà Trần Tú Nga (72 tuổi). Hằng ngày, bà Nga lặng lẽ quét dọn, trồng cây xanh… đem lại không gian sống mát mẻ cho toàn khu phố.
Ba Nga từng là giáo viên dạy học nhưng về hưu sớm. Từ ngày rời xa bục giảng, bà về bán hàng ở chợ và làm công tác xã hội để tìm niềm vui riêng. Hiện, bà đang làm Tổ trưởng tổ dân phố 16, khu phố 2, phường 3.
Năm 2006, trường tiểu học gần căn nhà bà Nga quyết định mở cổng thứ hai, hướng ra hẻm 351 để giảm tình trạng tắc đường mỗi giờ đưa đón học sinh. Cũng từ đó, con hẻm trở thành nơi buôn bán, ngập tràn rác thải do học sinh, phụ huynh, các chủ hàng… bỏ rác không đúng nơi quy định.
Thấy hình ảnh mất vệ sinh, vào mỗi buổi chiều Tổ trưởng dân phố lại cầm chổi, đồ hốt rác đi quét dọn, nhặt rác bỏ vào thùng. “Vỏ chai nhựa, bịch ni lông, hộp nhựa, thức ăn thừa… bị vứt vương vãi, mưa xuống, ruồi, muỗi, mùi hôi rất khó chịu” – Bà Nga nói về lý do làm công việc của mình.
Thời gian đầu, cụ bà 72 tuổi chỉ làm sạch khu vực trường học. Đến thời điểm hiện tại, khắp con hẻm 351 đều quen thuộc với hình ảnh cụ bà tóc bạc, bước chân chậm rãi, cần mẫn với “thú vui” riêng của mình. Làm công việc không hề có thù lao, nhiều người từng cho rằng bà quá dở hơi, lo chuyện bao đồng.
Có lần, bà Nga bị chủ nhà bày tỏ khó chịu khi đến dọn số rác bị vứt vương vãi trước cổng. Trước câu nói “Bà dằn mặt nhà tôi phải không?”, bà Nga chỉ im lặng rồi làm tiếp công việc của mình.
Sau lần đó, mối quan hệ của tôi và chủ nhà trở nên tốt đẹp hơn, cả hai thường xuyên chào hỏi, tự ý cho rác vào thùng, dọn dẹp không gian chung. “Tôi làm công việc này là tự nguyện, không có ý gì với họ cả”, bà Nga nói.
Bên cạnh công việc dọn vệ sinh, hai hàng cây xanh bên đường đều do một tay bà trồng, chăm bón, ngày ngày được tỉa lá, bắt sâu cẩn thận. Sợ làm hỏng tường hàng xóm vì bóc giấy quảng cáo, bà Nga khéo léo dùng lao lam rạch lớp giấy, đục lỗ cho nước vào trong để chúng tự bóc ra. Ở những nơi quá cao, do không thể với đến thì bà phải nhờ các họa sĩ vẽ đè lên, vừa sạch lại đem đến khung cảnh vui nhộn cho trẻ con.
Được mọi người kính trọng bởi kinh nghiệm sống và nhiều việc làm ý nghĩa, bà Nga còn được ví là “thẩm phán” chuyên đứng ra hòa giải những mâu thuẫn trong tổ dân cư. Nhờ vậy, mọi người dân trở nên đoàn kết, sống chan hòa với nhau.
Thương cảm với những hoàn cảnh khó khăn, khi biết được câu chuyện của anh Lương Tô Nam tật nguyền đi bán vé số nuôi con ăn học. Bà Nga đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền, giúp anh Nam có thêm tiền chữa bệnh, cấp học bổng…
Trước những việc làm nhân văn của bà Nga, UBND Quận 5 đã tuyên dương bà là tấm gương tiêu biểu, chọn khu phố 2 là “khu phố không rác” và bầu bà Nga làm quản lý. Người dân sinh sống trong hẻm 351 từ đây cũng chung tay dọn vệ sinh, xây dựng nếp sống “xanh – sạch – văn minh”.
Phương Nam/ Theo TTV24
Ảnh: Vietnamnet