CĐV bóng đá ở châu Âu không chỉ nổi tiếng về sự cuồng nhiệt, mà còn bởi những hình thức cổ vũ hài hước, sáng tạo.
Cụ thể, khi các cầu thủ chiến đấu trên sân thì trên các khán đài, các CĐV đã tìm cách châm chọc nhau bằng “cuộc chiến ẩm thực”.
Món ăn truyền thống thành… trò cười
“Cuộc chiến ẩm thực” là cách mà nhiều tờ báo phương Tây như ESPN, Daily Mail, The Guardian… nói về những màn đối đầu hài hước giữa CĐV các đội tuyển. Một trong những hình ảnh đầu tiên xuất hiện tại Euro 2024 là khi một CĐV Thụy Sĩ giơ tấm biển các tông với dòng chữ “fondue ngon hơn goulash” ở trận gặp Hungary.
Fondue là món lẩu phô mai nổi tiếng của Thụy Sĩ. Còn goulash là món súp hầm với thịt và rau truyền thống của Hungary. Thông điệp này muốn chọc tức các CĐV và cầu thủ Hungary. Chỉ bằng một tấm bìa các tông, một cây bút và dòng thông điệp ngắn gọn, hình ảnh CĐV Thụy Sĩ kia vẫn tạo được sức lan tỏa lớn. Và nó gần như châm ngòi cho cuộc chiến ẩm thực tại Euro năm nay.
Chỉ ít giờ sau đó, đến lượt CĐV Albania chiếm sóng mạng xã hội khi chạm mặt những người Ý trên đường phố. Một trong số họ đã bẻ gãy món mì spaghetti truyền thống, một điều tối kỵ đối với những người Ý.
Nhưng các CĐV Ý cũng không lấy đó làm chuyện bực mình. Họ còn hùa theo bằng cách giả vờ tức giận với những người Albania. Thậm chí một trong số các CĐV Ý còn… quỳ lạy van xin đối phương dừng ngay hành động bẻ spaghetti.
Những hình ảnh này tiếp tục xuất hiện ở nhiều trận đấu khác. Trong một đoạn video khác, các CĐV Áo cũng bắt chước Albania khi bẻ ổ bánh mì baguette ra làm hai trước sự thất vọng của người hâm mộ Pháp. Chỉ bằng những việc làm đơn giản, các CĐV tại châu Âu vẫn mang đến tiếng cười và sự sảng khoái. Những hành động này càng tăng thêm tính lễ hội cho một kỳ Euro nhiều màu sắc và niềm vui.
Một cuộc chiến…hòa bình
Cuộc chiến ẩm thực dù mang vẻ bề ngoài là chê bai, khích bác món ăn truyền thống của nhau, nhưng bên trong chỉ mang ý nghĩa hài hước, vui vẻ. Do đó, chả mấy ai cảm thấy phiền hà, khó chịu. Thậm chí nó còn giúp người hâm mộ giữa các đội tuyển giao lưu, gần gũi hơn với nhau.
Nhưng những người vui nhất có lẽ là lực lượng an ninh và người dân bản xứ. Từ trước giải, nước chủ nhà Đức đã phải lên hàng loạt phương án nhằm ngăn chặn những vụ đụng độ, xô xát giữa những nhóm CĐV quá khích (hooligan).
Thậm chí cảnh sát đã phải vào cuộc để xử lý những vụ đánh nhau giữa những CĐV Anh và Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia. Nhưng chưa có vụ nào bắt nguồn từ cuộc chiến ẩm thực, và chắc cũng sẽ chẳng có vụ nào đến khi giải kết thúc.
Người dân địa phương cũng cảm thấy yên tâm hơn đời sống không bị ảnh hưởng. Roland Koch, một người kinh doanh gian hàng thực phẩm tại thành phố Hamburg, chia sẻ với Reuters bằng giọng điệu hài hước:
“Thật mừng khi không phải thấy cảnh bạo lực. Thay vào đó là cuộc chiến ẩm thực đã mang đến rất nhiều niềm vui và sự rộn ràng giữa những CĐV cuồng nhiệt. Nhưng tôi cảnh cáo các bạn đừng đụng đến món xúc xích truyền thống currywurst của Đức đấy!”.