Đạo diễn Lương Đình Dũng: Quảng bá vẻ đẹp Việt Nam bằng ngôn ngữ điện ảnh

15:48 | 19/05/2025
Đạo diễn Lương Đình Dũng không đơn thuần kể một câu chuyện thông qua điện ảnh, mà khéo léo lồng ghép văn hoá, bản sắc và cảnh sắc Việt Nam.

Là người từng đưa bộ phim “Cha cõng con” đến hàng loạt Liên hoan phim quốc tế, Lương Đình Dũng luôn cho thấy sự kiên định trong việc xây dựng phong cách làm phim riêng, đậm chất Việt.

Đạo diễn Lương Đình Dũng là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh Việt Nam với tư duy làm phim độc đáo trong cả sự nhận xét của các nhà làm phim quốc tế.

Sắp tới, anh trở lại với hai dự án đầy tham vọng: “Đồi hành xác: Tà thuyết đen trở lại” và phim lịch sử “Anh hùng”. Không chỉ là sự trở lại của một nhà làm phim bản lĩnh, đây còn là hành trình quảng bá hình ảnh Việt Nam đến khán giả toàn cầu bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Lao Động có cuộc trò chuyện cùng Lương Đình Dũng khi đạo diễn này đang miệt mài thực hiện hai dự án phim mới.

Đạo diễn Lương Đình Dũng để lại dấu ấn riêng qua loạt tác phẩm điện ảnh từng góp mặt tại các Liên hoan phim quốc tế danh giá như Tallinn Black Nights, Moscow International Film Festival (MIFF), International Film Festival of India (IFFI Goa)… Ảnh: NVCC

Vài năm qua, khán giả cảm giác anh trải qua thời gian dài im lặng, không xuất hiện trên truyền thông hay ra mắt dự án mới. Điều gì đã xảy ra trong giai đoạn đó?

Ở tuổi tôi, mọi sự ồn ào dường như đã được gác lại. Không phải vì tôi muốn giấu điều gì, mà đơn giản là tôi thấy tự nhiên khi sống trong sự im lặng. Có lúc, nhiều người gặp tôi thấy khó hiểu vì dù mệt mỏi thế nào, trạng thái bên ngoài của tôi vẫn vậy. Thậm chí có anh em từng hỏi: “Anh suy sụp, không thể làm gì nữa à?”.

Với tôi, có khi cười là đang buồn, còn khóc lại là khi tôi vui. Tôi không muốn mang cảm xúc mệt mỏi của mình đến với người khác. Nhưng thực lòng, trong những lúc khó khăn nhất, tôi đã mất bố và em trai. Nỗi đau đó đưa tôi xuống tận đáy. Có lúc tôi tưởng như muốn buông bỏ tất cả, như đang ở trong một bóng đêm kéo dài. Lúc đó, tôi chỉ biết im lặng.

Đi qua những mất mát và nỗi đau như vậy, điều gì giúp anh vực dậy và tiếp tục?

Tôi luôn trăn trở, khát khao làm phim về người Việt, về văn hoá bản sắc của Việt Nam. Điện ảnh thế giới từng có những thước phim được quay tại bối cảnh ở Việt Nam, mang những cảnh đẹp của Việt Nam đến với quốc tế nhưng đối với tôi là chưa đủ, tôi muốn đưa đến nhiều hơn những nét hình ảnh và đời sống đặc biệt mà chưa từng được đưa đến màn ảnh thế giới.

Với tôi, Việt Nam như một bài thơ đẹp và kỳ vỹ. Vì vậy, là một người con Việt Nam, khát khao được tự mình đưa những nét riêng, chất riêng của Việt Nam thấm đấm trong điện ảnh đó cũng là động lực của tôi. Bởi, điện ảnh cũng là di sản và tôi muốn được đưa điện ảnh đến với tất trẻ em.

Còn từ khía cạnh cá nhân, rất nhiều người tin tưởng và dành cả những hy vọng của họ cho tôi và cả những người tôi cần phải xin lỗi họ bằng những công việc cụ thể. Với tôi xin lỗi bằng lời cũng khá dễ dàng nhưng việc bù đắp cụ thể mới thực sự là đúng. Đó là thứ khiến tôi luôn luôn và mỗi ngày để tiến lên.

Một cảnh quay ở hang Bàn Bù, Thanh Hóa trong “Đồi hành xác: Tà thuyết đen trở lại”. Ảnh: Nhà sản xuất

Dự án phim “Anh Hùng” được dự báo rất lớn, đánh dấu sự trở lại của anh. Bộ phim có phải tác phẩm khắc họa tình yêu lịch sử dành cho các anh hùng dân tộc, hay anh còn muốn truyền tải thông điệp gì?

Từ nhỏ, tôi đã thích xem hay đọc các câu chuyện về các anh hùng Việt Nam. Những câu chuyện đó luôn truyền cho tôi cảm hứng tự hào. Mỗi khi đọc xong tôi lại chạy một mạch trên đường từ bờ sông về nhà, trong lòng trào dâng sự khâm phục. Thứ cảm xúc ấy chạy dọc cơ thể tôi nó thật đẹp và khó tả.

Khi tôi mời một đạo diễn Hollywood từng rất thành công với phim chiến tranh và sử thi làm cố vấn cho “Anh Hùng”, ông ấy hỏi tôi: “Ngoài tinh thần dân tộc, điều gì khiến anh muốn làm bộ phim này?”. Tôi trả lời rằng: “Tôi luôn day dứt về câu chuyện buồn của Nguyễn Trãi. Đầu tiên, tôi muốn giải thoát nỗi buồn của chính mình ra khỏi câu chuyện đó và tôi tin rằng hàng triệu người Việt Nam cũng vậy”.

Ông ấy nhận lời sau câu trả lời của tôi. Có lẽ ông ấy cũng bắt đầu đồng cảm.

Anh thường được nhắc đến như một đạo diễn “lặng lẽ nhưng dữ dội”. Có vẻ lần trở lại này cũng theo phong cách ấy?

Nghề làm phim không có tuổi, chỉ khác nhau ở cách người ta chọn sống: ồn ào hay lặng lẽ. Tôi không cho rằng cách nào đúng hay sai. Tôi rất ngưỡng mộ Ridley Scott – đạo diễn của “Võ sĩ giác đấu”, “Napoleon”, “Diều hâu gãy cánh”… Ông ấy làm phim dữ dội nhưng cũng rất tĩnh lặng.

Tôi không rõ mình đang ồn ào hay yên tĩnh, chỉ biết hiện tại tôi tập trung cao độ cho bộ phim của mình. Dự án mới lần này, “Đồi Hành Xác: Tà Thuyết Đen Trở Lại”, có lẽ cũng sẽ là một thay đổi trong sự nghiệp của tôi.

Tôi không chỉ muốn làm một bộ phim kinh dị đơn thuần, mà là một tác phẩm chạm được vào cảm xúc và suy nghĩ của khán giả về niềm tin, sự tổn thương và bi kịch của con người.

Tôi cũng kỳ vọng qua bộ phim những hình ảnh về Hang Bàn Bù tại Thanh Hóa, cánh đồng dứa Tam Điệp ở Ninh Bình, hay rừng già Mộc Châu sẽ hiện lên rất đẹp.

Rừng già Mộc Châu hiện ra ảo diệu trong phim. Ảnh: Nhà sản xuất
Cánh đồng dứa thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Ảnh: Hoài Anh

Theo Báo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *