Đạo diễn Việt lấy tiền ở đâu để làm phim và ăn chia thế nào
12:01 | 23/05/2024
“Có hai loại hình đầu tư cho phim Việt hiện nay: 1 là cùng chia lãi/lỗ; 2 là chỉ chia lãi mà không chia lỗ”, một nhà sản xuất phim trao đổi với Tri thức – Znews.
Nhà đầu tư – Đạo diễn/biên kịch – Nhà sản xuất – Nhà phân phối/ phát hành là những chủ thể chính trong quy trình cho ra đời một tác phẩm điện ảnh. Trong đó, nhà đầu tư – những công ty/cá nhân đóng góp vốn để sản xuất phim, là thành tố quan trọng, quyết định lớn đến quy mô, nhân sự, từ đó ảnh hưởng tới thành bại của dự án.
Để dễ dàng hình dung, có thể ví một dự án điện ảnh như thương vụ kinh doanh ngắn hạn. Ở đó, các nhà đầu tư là những “Shark Tank” và đạo diễn chính là nhà khởi nghiệp, kêu gọi nguồn vốn.
Tùy vào từng dự án, uy tín, kinh nghiệm, khả năng thương thảo của đạo diễn mà nhà đầu tư có quyết định rót vốn hay không. Trên thực tế, có không ít nhà làm phim phải ra về tay trắng hay vật vã tìm nhà đầu tư ở các dự án đầu tay.
Do nắm tài chính, các “Shark Tank” cũng có quyền lực không nhỏ. Họ chi phối, tạo sức ép lớn đến các nhà làm phim và quyết định nhiều vấn đề trong quá trình phát triển dự án.
Chân dung các “Shark Tank” của phim Việt
Kinh phí đầu tư cho một dự án điện ảnh Việt ngày càng cao. Số lượng bộ phim có mức đầu tư 50 tỷ đồng (2 triệu USD) đổ lên không còn hiếm như trước. Bản thân nhà làm phim, nhất là ở những dự án đầu tay, không thể có đủ nguồn lực tài chính. Vì vậy, các đạo diễn buộc phải tìm đến những nhà đầu tư.
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho biết hiện tại, nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện ảnh chủ yếu đến từ 3 kênh: 1) Các hãng phim, nhà sản xuất, nhà phát hành chuyên nghiệp đang hoạt động trong thị trường điện ảnh; 2) Các quỹ đầu tư, nguồn tài trợ từ những tổ chức văn hóa, liên hoan phim, các cuộc thi; 3) Nguồn tài chính cá nhân của các nhà làm phim hoặc từ mối quan hệ thân cận như bạn bè, đồng nghiệp…
Tùy vào quy mô, đặc thù mà mỗi dự án có những nguồn vốn đầu tư khác nhau. Với những phim thương mại, nguồn đầu tư chủ yếu đến từ kênh thứ nhất. Các dự án phim độc lập, nhà làm phim thường tìm đến nguồn vốn từ kênh thứ hai và ba.
Đáng chú ý, với những dự án điện ảnh đầu tay, dù có phát hành thương mại hay không, phương án gọi vốn chủ yếu là kênh thứ hai và ba.
Theo nhà sản xuất Cao Tùng, việc gọi vốn cho phim là yếu tố sống còn, tiên quyết cho việc có thể quay được phim và có thể thành công về doanh thu. Theo quan sát của anh, ngoài chất lượng của dự án, những bộ phim có đầy đủ ngân sách, dòng tiền ổn định, phần nào đảm bảo thành công về mặt doanh thu khi ra rạp. Ngược lại, không ít dự án mà nguồn vốn không đủ, thiếu trước hụt sau, khó thành công ngoài phòng vé.
Sau quá trình chốt “thương vụ”, giữa nhà đầu tư và nhà làm phim sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Trong đó quy định rõ về số vốn góp, tỷ lệ sở hữu cổ phẩn trong phim dựa trên căn cứ vào số vốn, tổng giá trị dự án đã thống nhất. Ngoài ra, trong hợp đồng cũng có các quy định về tiến độ góp vốn, thời gian hoàn vốn, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận (nếu phim lãi) và chia sẻ khoản lỗ (nếu phim thua) cũng như trách nhiệm công việc của các bên liên quan đến việc thực hiện dự án. Các nội dung nói trên được diễn đạt rõ ràng trong hợp đồng và tuân theo quy định của pháp luật.
“Có hai loại hình đầu tư: 1 là cùng chia lãi/lỗ; 2 là chỉ chia lãi mà không chia lỗ. Nghĩa là trong trường hợp phim lỗ, nhà sản xuất/đạo diễn phải trả lại nguyên vốn cho nhà đầu tư. Còn trường hợp có lãi thì chia lãi. Hiện nay với các dự án lớn, đã thành công như phim của Lý Hải, Trấn Thành thì họ không cần nhà đầu tư nữa. Tuy nhiên cũng có trường hợp hai đạo diễn nói trên giành một ít suất cho nhà đầu tư chiến lược hay cổ đông là thành viên chủ chốt, quen thuộc”, nhà sản xuất Cao Tùng nói.
Sức ép của nhà đầu tư lên đạo diễn
Cũng như những ngành kinh doanh khác, các nhà đầu tư vào điện ảnh đều đặt lợi nhuận lên trước tiên. Mỗi dự án phim đối với nhà đầu tư như một thương vụ kinh doanh có thời gian từ 6 tháng – 2 năm (tùy thuộc vào từng phim).
Nắm trong tay sức mạnh về tài chính, vì thế, nhiều nhà đầu tư có sự can thiệp lên đạo diễn trong quá trình chọn diễn viên, chỉnh sửa kịch bản, thay đổi lịch phát hành, thay đổi chiến lược marketing, hay thay đổi bản dựng phim…
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay làm phim cũng như xây nhà, luôn cảm thấy thiếu tiền.
Từ thực tiễn làm phim, nhà sản xuất Cao Tùng chia sẻ đã có nhiều dự án phim thất bại vì sự thay đổi do thiếu kinh nghiệm và kiến thức, lẫn sự chủ quan từ phía nhà đầu tư.
“Khi đạo diễn chịu sự can thiệp lớn về tài chính (trên 30%) từ nhà đầu tư thì phải theo ý kiến của họ. Trừ khi nhà làm phim phải thay đổi cơ cấu vốn sao cho nhà đầu tư cùng phe với đạo diễn/nhà sản xuất để có thể kiểm soát quá trình phát triển dự án. Vì vậy, nếu kêu gọi đầu tư thì nên chia ra thành các phần vốn dưới 10% để các nhà đầu tư thuộc loại silent investor (nhà đầu tư im lặng, ko có quyền can thiệp)”, anh Cao Tùng chia sẻ.
Chung quan điểm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay không chỉ anh, bất cứ nhà làm phim nào khác khi cầm tiền của nhà đầu tư để làm phim đều không phải là câu chuyện dễ dàng.
“Từ lúc làm phim đến bây giờ, tôi thấy chưa dự án nào mà mình không thiếu kinh phí cả. Khi làm phim Đất rừng phương Nam, kinh phí 40-50 tỷ đồng, tôi nghĩ cần thêm khoảng vài chục tỷ đồng mới làm ra tác phẩm mong muốn. Làm phim giống như xây nhà, kiểu gì cũng thiếu tiền. Và mình phải chấp nhận, liệu cơm gắp mắm”, đạo diễn trao đổi.
Khơi thông dòng vốn cho điện ảnh
Nói về thách thức của điện ảnh Việt Nam hiện tại, đạo diễn Khoa Nguyễn nhận định ngoài vấn đề nhân sự, khó khăn lớn nhất đến từ dòng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, ở 3 kênh đầu tư mà đạo diễn đề cập phía trên vắng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các quỹ hỗ trợ điện ảnh từ Nhà nước.
“Tôi nghĩ đây chính là thiếu sót lớn nhất của thị trường phim Việt hiện nay, bất chấp việc chúng ta hàng năm vẫn có những dự án được thực hiện 100% bằng ngân sách nhà nước. Đối với các nhà làm phim trẻ, vốn đầu tư để thực hiện được dự án luôn là rào cản lớn nhất trên hành trình làm phim của mình. Vậy nên, ngoài việc tự thân vận đồng để tìm nguồn đầu tư từ các kênh tư nhân, kênh cá nhân, các nguồn quỹ từ nước ngoài, nếu nhà nước có một nguồn vốn sẵn sàng đồng hành với các nhà làm phim trẻ trong nước, tôi tin chắc đây sẽ là một nguồn động viên thiết thực cho sự phát triển của ngành điện ảnh nước nhà”, nam đạo diễn cho hay.
Để khơi thông dòng vốn cho điện ảnh Việt, nhà sản xuất Cao Tùng đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc cần gấp rút hình thành quỹ đầu tư văn hóa của nhà nước, phi chính phủ hay các quỹ đầu tư giải trí tư nhân, được quản lý qua một định chế tài chính như quỹ hay công ty tài chính kiểm soát, giải ngân minh bạch.
“Ngoài ra hệ thống gọi vốn crowdfunding hay microcapital (vốn nhỏ) vẫn chưa có. Nếu có một nền tảng vi-tài chính có thể triển khai sản phẩm này thì sẽ giúp rất nhiều cho nhà sản xuất/đạo diễn phim. Nếu xây dựng một cơ chế có lợi cùng các thể chế liên quan, sẽ khơi thông nguồn vốn cho phim ảnh”, nhà sản xuất nhấn mạnh.
Hotline : 0909.438.854 Giấy phép số: 48/GP-TTĐT Do Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh cấp 25/07/2019 Liên hệ quảng cáo: truyenthonghelios@gmail.com Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Hùng Địa chỉ: 61 Hoa Sữa, Phường 7, Quận Phú Nhuận , TP.HCM