Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (từ 7 năm đến 12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm). Tuy nhiên, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn. Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc nhóm độc hại, nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo số 136/BC-BVHTTDL về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gửi các đại biểu Quốc hội. Trong đó có nội dung về cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.
Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (từ 7 năm đến 12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm). Tuy nhiên, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn.
Khi độ tuổi từ 35 tuổi đến 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 tuổi đến 45 tuổi (đối với nam), khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet…
“Những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm. Trên thực tế, diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Vì vậy, Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất hiện nay là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi và cao nhất là 200.000 đồng/buổi.