Nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của tác giả Lê Duy Hạnh, 2 tuyển tập kịch bản của ông đã được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM và gia đình tác giả ra mắt.
Chỉ cần lướt qua mục lục, những ai quan tâm đến sân khấu sẽ thấy rõ ràng hơn tầm vóc Lê Duy Hạnh trong đời sống sân khấu nước nhà sau ngày đất nước thống nhất.
Bút pháp và dấu ấn riêng
Trong 2 quyển Tuyển tập kịch bản cải lương và Lê Duy Hạnh – Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm giới thiệu 18 kịch bản chọn lọc từ khoảng 60 kịch bản trong sự nghiệp sáng tác của ông, có thể nhận ra những tựa hết sức quen thuộc: Tâm sự Ngọc Hân, Miền nhớ, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Mặt trời đêm thế kỷ, Trời Nam, Người cáo, Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Vua thánh triều Lê… Đặc biệt là gần như có đủ các bản dựng kịch nói, cải lương lẫn hát bội, dân ca kịch. Kịch bản của ông thường xuyên được biểu diễn và chưa bao giờ vắng bóng ở các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp. Mới đây nhất, đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ đã tham gia Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2024 với vở Chiếc áo thiên nga.
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu cho rằng, tác giả Lê Duy Hạnh có bút pháp sáng tác và dấu ấn riêng mà “các bạn trẻ có thể nghiên cứu như một đề tài thạc sĩ, tiến sĩ”. Theo ông, tác giả Lê Duy Hạnh đã mở ra khuynh hướng đa không gian, đa thời gian trên sân khấu Việt Nam. Trong kịch bản của Lê Duy Hạnh có sự kế thừa từ sân khấu truyền thống và ảnh hưởng qua lại giữa các loại hình. Như trong cải lương có hơi hướng của kịch nói đương đại và trong kịch nói lại chứa thời gian, không gian của hát bội, cải lương.
“Trong điều kiện sân khấu không có phương tiện hiện đại, thiếu thốn công nghệ thì cái đa không gian, đa thời gian đó là một khuynh hướng sáng tác rất độc đáo. Tôi hy vọng sẽ có những bạn trẻ nghiên cứu khuynh hướng sáng tác này của tác giả Lê Duy Hạnh để có thể đúc kết thành lý thuyết gợi mở phương pháp sáng tác khi chúng ta đang gặp khó khăn về đội ngũ biên kịch như hiện nay” – NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, về sau, tác giả Lê Duy Hạnh không trực tiếp viết cải lương nữa mà để soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể là có chủ đích nhằm “làm hiện đại sân khấu cải lương”. “Nếu tự viết, có thể anh Hạnh sẽ không nhìn ra được hạn chế. Anh cần một cộng sự hiểu mình để chuyển tải đầy đủ và hiệu quả ý tứ gửi gắm qua ngôn ngữ cải lương” – NSND Trần Ngọc Giàu phân tích. Minh chứng là cặp bài trùng Lê Duy Hạnh – Hoàng Song Việt đã gắn bó với nhau qua 16 tác phẩm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu qua những: Chiếc áo thiên nga, Rồng phượng, Cội nguồn, Miền nhớ, Dời đô…
“Anh Hạnh viết cực kỳ súc tích nhưng gửi gắm rất nhiều ý tứ. Đôi khi chỉ 1 câu thoại, 1 lời văn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa mà người chuyển thể có thể khai thác để tạo ra một lớp diễn hay. Kịch bản của anh cũng luôn tạo “khoảng trống” để các đạo diễn tung hứng. Từng người chuyển thể, từng đạo diễn lại có góc nhìn khác nhau để khai thác” – soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.
Cảm hứng để lại
Không chỉ để lại dấu ấn ở những tác phẩm mang tầm thời đại, tác giả Lê Duy Hạnh còn để lại ảnh hưởng ở lực lượng sáng tạo kế thừa. Ông đã giữ lại cho nghệ thuật hát bội một nghệ sĩ giỏi nghề, cũng như bồi dưỡng nên một cây bút hiếm hoi cho hát bội miền Nam là NSND Hữu Danh.
NSND Hữu Danh cho biết, trong quá trình công tác ở Hội Sân khấu TPHCM (1990-2000), tác giả Lê Duy Hạnh đang là Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM đã luôn định hướng, động viên anh trở về với hát bội, cũng là người dẫn dắt và khơi dậy trong anh tiềm năng một tác giả sân khấu. “Tôi nhớ mãi bài học trên bãi biển. Chỉ ra biển, thầy hỏi tôi nhìn thấy gì, tôi thấy sóng biển, gió thổi, cát bay. Thầy cười: “Cái đó con nít cũng thấy thì viết làm gì?”. Tôi ngẫm nghĩ rồi nói, thấy “hơi gió mặn bay vào môi”. “Đó mới là tác giả” – thầy nói. Từ đó, như lời thầy nhắc, tôi luôn tìm tòi, nhìn sâu hơn, xa hơn những gì hiển hiện trước mắt” – NSND Hữu Danh chia sẻ.
Đạo diễn Ái Như cũng nhớ bài học từ tác giả Lê Duy Hạnh cách đây hơn 30 năm. Khi xem kịch bản do Ái Như và Thành Hội viết, chuẩn bị dàn dựng trên sân khấu 5B, ông Lê Duy Hạnh yêu cầu chị lý giải lý do 2 nhân vật chính yêu nhau. Lúc đó, Ái Như rất ngạc nhiên vì “tình yêu thì cần gì lý do, yêu là yêu thôi” nhưng ông Hạnh chỉ ra: không thể áp đặt mà cần lý giải để khán giả hiểu và tin vào mối quan hệ đó. Trong quá trình làm nghề, chị càng thấy có lý và vẫn luôn mang theo kinh nghiệm này suốt hành trình nghệ thuật.
Tác giả Vương Huyền Cơ luôn cảm kích tấm lòng của tác giả Lê Duy Hạnh dành cho những người trẻ. “Anh Ba Lê Duy Hạnh nhìn việc chứ không nhìn người, vừa tin tưởng giao việc lẫn động viên, khuyến khích tác giả trẻ phát huy. Tài năng của một tác giả lớn và phong cách làm việc minh bạch, ngay thẳng đó đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều” – tác giả Vương Huyền Cơ chia sẻ.