Em là bà nội của anh (2015)
Được làm lại từ “bom tấn” xứ Hàn Miss Granny, ngay từ khi công bố dự án, Em là bà nội của anh đã gây chú ý, nhưng phần lớn là nghi ngại. Người từng xem Miss Granny thì cho rằng Việt Nam khó remake thành công bởi bản gốc quá hay, mà khả năng làm phim tình cảm của các đạo diễn Việt còn hạn chế. Hơn nữa, đây còn là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh.
Với kinh nghiệm, diễn xuất đa dạng của dàn diễn viên, Em là bà nội của anh được tiết chế tính “drama” đặc trưng phim Hàn và lột tả cảm xúc trong nhiều đoạn lấy nước mắt khán giả. Lời thoại của cậu con trai khi cảm ơn mẹ về sự hy sinh và nhắn nhủ bà hãy tìm hạnh phúc riêng – không dài dòng mà vẫn trọn vẹn nội dung, đầy tình cảm. Vài ý kiến khắt khe cho rằng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được đào tạo bài bản lại ra mắt bằng một tác phẩm chuyển thể thì quá nhạt nhòa. Tuy nhiên, có thể nói Em là bà nội của anh là phim chuyển thể hay và Việt nhất trong thời điểm gần đó.
Sắc đẹp ngàn cân (2017)
Bản remake của James Ngô có nội dung y hệt bản gốc của Hàn Quốc, giống từ nhân vật tới cách xây dựng triển khai tình huống. Có những khung hình khiến người xem phải “giật mình” vì độ giống nhau tới 90%. Thậm chí phim không hề có điểm nhấn nào khác biệt so với bản gốc năm 2006. Bên cạnh đó, đề tài phẫu thuật thẩm mỹ cũng không còn “hot” như xưa, bởi xã hội giờ đã bớt định kiến với những người tìm tới giải pháp này.
Điều đầu tiên phải nói về bộ phim này chính là kỹ xảo nghèo nàn, giả đến mức khó tin. Kỹ xảo điện ảnh giờ đã tiến bộ rất nhiều, thế nhưng kỹ xảo của Sắc đẹp ngàn cân lại vô cùng tệ. Minh Hằng trong Sắc đẹp ngàn cân có diễn xuất khá thụt lùi so với trước đó, những shot quay cận cảnh lại càng làm rõ cách diễn gượng gạo của Minh Hằng. Bên cạnh đó, Minh Hằng cũng không có vẻ đẹp trong sáng mong manh như Kim Ah Joong vậy nên hiệu quả thị giác không được tốt như bản gốc. Khẩu hình miệng của Minh Hằng lúc hát nhép cũng không tương ứng với phần nhạc.
Yêu đi, đừng sợ! (2017)
Việt hóa từ kịch bản Spellbound (2011) của Hàn Quốc, Yêu đi, đừng sợ! gây bất ngờ với nhiều sáng tạo về mặt nội dung và tiết tấu. Tác phẩm của cố đạo diễn Stephane Gauger tập trung vào yếu tố hài hước, lãng mạn hơn là kinh dị. Nhiều tình tiết trong bản gốc bị lược bỏ để dành thời lượng cho câu chuyện quá khứ của các nhân vật. Ngoài ra, tác phẩm còn hoán đổi vị trí các sự kiện để dẫn đến cái kết hoàn toàn khác.
Phiên bản Việt gần như trung thành với Spellbound, nhưng nó không cho người xem cảm giác đạo diễn lười biếng và kém sáng tạo, “ăn sẵn” trên những chất liệu đã có mà có những xử lý mang dấu ấn cá nhân, cho dù là những dấu ấn cá nhân này chưa tạo ra những thay đổi mang tính đột phá.
Ông ngoại tuổi 30 (2018)
Có hai điểm đáng chú ý trong kịch bản của Ông ngoại tuổi 30. Đầu tiên là sự thay đổi trong cấu trúc, diễn biến mạch phim. Yếu tố này trong phiên bản Việt có phần nhẹ nhàng, ngắn gọn hơn nhưng vẫn xen lẫn sự hài hước và cao trào, phù hợp với khán giả Việt Nam. Một số tình tiết trong phim gốc cũng được lược bỏ, đồng thời phim remake cũng thêm thắt nhiều chi tiết mới. Điển hình, cái kết của phim sẽ khiến khán giả cảm thấy thỏa mãn và giải đáp được những thắc mắc mà Scandal makers chưa thể mang lại.
Ngoài ra, biên kịch của Ông ngoại tuổi 30 đã điều chỉnh, sắp xếp lại vai trò, thời lượng của các nhân vật, khiến phiên bản Việt khắc phục được những sơ hở so với phiên bản Hàn Quốc. Phim Ông ngoại tuổi 30 còn gây chú ý bởi dàn diễn viên trẻ và có diễn xuất mới mẻ. Trong phim, Trịnh Thăng Bình không chỉ ghi điểm với những tình huống hài hước, dở khóc dở cười, mà còn gây ấn tượng ở phân đoạn quyết định của bộ phim. Ánh mắt, cảm xúc kết hợp với ngôn ngữ cơ thể hợp lý của Trịnh Thăng Bình khiến người xem phải rung động.
Tháng năm rực rỡ (2018)
Sở hữu bộ khung kịch bản vững chắc của nguyên tác, Tháng năm rực rỡ tương đối thành công trong việc truyền tải nét tinh túy của bộ phim gốc đến khán giả. Đề tài thanh xuân, tuổi trẻ không bao giờ cũ, do đó Tháng năm rực rỡ thực tế không cần điều chỉnh câu chuyện, tình tiết quá nhiều, nhưng vẫn đảm bảo tính phù hợp với tâm lý và khẩu vị của khán giả Việt. Có thể nói, điều đó với bản Việt hóa Tháng năm rực rỡ vừa giữ được những thế mạnh của bản gốc, thậm chí táo bạo để tạo được sự gần gũi, không còn cảm giác là một bộ phim “xác Việt, hồn Hàn” như một số bộ phim chuyển thể thất bại gần đây.
Diễn xuất là một “điểm sáng” đáng khen nhất của Tháng năm rực rỡ. Xét về tổng quan, phim không có ai quá xuất sắc và vượt trội về mặt diễn xuất như Miu Lê trong Em là bà nội của anh hay Kaity Nguyễn trong Em chưa 18. Tuy nhiên, dàn diễn viên của Tháng năm rực rỡ diễn xuất đồng đều và ăn ý với nhau, nổi bật nhất là Hoàng Yến Chibi với vẻ hồn nhiên trong sáng hay vẻ xinh đẹp lạnh lùng đầy khí chất của Jun Vũ.
Anh trai yêu quái (2019)
Anh trai yêu quái giống Tháng năm rực rỡ ở chỗ đều có một kịch bản Việt hoá tốt. Dù phim không có những vấn đề chính trị, thời cuộc hay thứ gì đó quá đặc thù nhưng sự xuất hiện của nhân vật dì Tám (Phi Phụng), các chi tiết như cây khế (từ câu nói “anh em cây khế”), nồi lẩu khế, lời thoại rất bình dị… đã khiến cho cái cụm “phim remake” bị xoá mờ đi trong quá trình thưởng thức. Mặc kệ bạn có xem bản gốc hay không, cảm giác khi xem Anh trai yêu quái là cảm giác xem một bộ phim đơn thuần. Và đó là một bộ phim tốt, hoặc, một phim remake tốt.
Tóm lại, Anh trai yêu quái hay vì bản thân tác phẩm vốn tròn trịa, chứ không phải vì phim remake. Hy vọng bộ phim sẽ thắng lợi để thị trường nội dung điện ảnh Việt thăng thêm sự đa dạng, góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu phim nội địa trong năm 2019 vừa qua.
Tiệc trăng máu (2020)
Nhiều khán giả đánh giá rằng Tiệc trăng máu tuy là bản phim remake nhưng vẫn thu hút bởi có nét đặc sắc mang đậm hơi thở đời thường của người Việt. Không ít khán giả xem qua bản phim Hàn Quốc rồi mới xem Tiệc trăng máu đều khẳng định rằng Tiệc trăng máu hấp dẫn hơn bản phim đến từ xứ sở Kim Chi.
Tiệc trăng máu đánh dấu sự tái ngộ của cặp đôi màn ảnh Kiều Minh Tuấn – Kaity Nguyễn từng làm mưa làm gió với Em chưa 18, không thể không kể đến dàn diễn viên gạo cội Thái Hòa, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Đức Thịnh, Thu Trang. Phim không có nhiều điểm sáng tạo vì vẫn giữ nguyên nghề nghiệp và mối quan hệ giữa các nhân vật như bản gốc, nhưng vẫn ăn điểm nhờ màn hóa thân cuốn hút của các diễn viên.
Mới đây, đoàn làm phim của Tiệc trăng máu vừa ăn mừng tác phẩm đã chạm mốc 100 tỉ đồng, giúp bộ phim nằm trong danh sách những phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2020.
Hải Linh/Theo TTV24