Dù mệt, đạo diễn bậc thầy Kore-eda sẵn sàng trò chuyện đến tận khuya với khán giả TP.HCM

17:21 | 11/04/2024

Trước tình cảm nồng hậu của khán giả TP.HCM tối 10-4, đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda nói ông sẵn sàng trò chuyện đến lúc nào cũng được.

Hàng trăm khán giả ở TP.HCM đã đến và lắng nghe đạo diễn Hirokazu Kore-eda trò chuyện, giao lưu đến tận 23h tối 10-4 – Ảnh: MI LY

Tối 10-4, buổi chiếu phim Broker và giao lưu với đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda diễn ra tại Nhà hát TP.HCM trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda được mệnh danh là bảo vật điện ảnh Nhật Bản. Và ở Việt Nam, hẳn ông bất ngờ khi nhận ra mình có rất nhiều khán giả yêu mến chân thành.

Họ đã xem nhiều phim của ông và xúc động, vỗ tay, hò reo nhiều lần khi nghe ông trò chuyện.

Ban đầu, ban tổ chức dự tính buổi trò chuyện sẽ kết thúc sớm để đạo diễn 61 tuổi được nghỉ ngơi (ông mới hạ cánh xuống TP.HCM đêm 9-4, và phải tham gia một số hoạt động chiều 10-4).

Nhưng trước sự chào đón nồng hậu của khán giả và hàng loạt cánh tay liên tục giơ lên đặt câu hỏi, đạo diễn đã tuyên bố ông sẵn sàng ngồi lại giao lưu “đến lúc nào cũng được”.

Cuối cùng, buổi trò chuyện kết thúc lúc 23h.

Hirokazu Kore-eda và buổi tối nồng ấm ở Việt Nam

Nhà báo, nhà phê bình Lê Hồng Lâm – người dẫn chương trình buổi trò chuyện – tự nhận mình cũng là một fan của Kore-eda. Anh đã viết những bài bình sâu sắc về các phim của ông.

Nhưng trong buổi tối này, anh nhường phần lớn thời lượng đặt câu hỏi cho khán giả và các nhà báo, nhà làm phim khác.

Nhà báo Lê Hồng Lâm (trái) dẫn dắt buổi trò chuyện với thần tượng Hirokazu Kore-eda của anh – Ảnh: T.T.D.

Khi đặt câu hỏi, hầu như ai cũng nhận hâm mộ Kore-eda, nói tên bộ phim của ông mà họ yêu thích nhất, hỏi thật chi tiết về việc làm phim, hỏi về từng tình tiết phim khiến họ khóc hoặc ấn tượng. Trong số những người đặt câu hỏi có cả đạo diễn Leon Lê của Song Lang.

Khi được hỏi về việc có được truyền cảm hứng từ TP.HCM hay muốn làm phim ở TP.HCM như đã làm ở Busan (Hàn Quốc) với phim Broker, Kore-eda nói:

“Việc đó rất có thể xảy ra, nếu Liên hoan phim quốc tế TP.HCM có lần hai, lần ba và lần nào cũng mời tôi, giúp tôi được giao lưu, tìm hiểu về TP.HCM và Việt Nam”.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda nhận kỷ niệm chương của HIFF 2024 và hoa từ bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM và ông Kim Dong Ho, chủ tịch danh dự HIFF 2024 – Ảnh: T.T.D.

Dù chưa làm phim về Việt Nam, nhưng điện ảnh của Kore-eda vẫn được khán giả Việt Nam đón nhận bởi phim của ông thường nói về những chủ đề, câu chuyện cuộc đời giản dị và quen thuộc, mang những thông điệp nhân sinh rất sâu sắc và dễ đồng cảm.

Đó là Nobody Knows, Still Walking, After the Storm, After Life, Like Father, Like Son, Shoplifters, Broker… và gần đây nhất là Monster.

Đặc biệt, nhiều bộ phim có chủ đề gia đình hoặc yếu tố gia đình đậm nét, mà gia đình là chủ đề toàn cầu, có thể đưa điện ảnh vượt qua mọi biên giới như Kore-eda mong muốn.

Kore-eda tự nhận ông chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhà làm phim bậc thầy Hầu Hiếu Hiền của Đài Loan, người cũng đứng sau những thước phim kinh điển về gia đình và cõi nhân sinh.

Đông đảo khán giả, nhà báo, nhà làm phim theo dõi buổi trò chuyện của đạo diễn Kore-eda từ đầu đến cuối, dù ông nói ai mệt cứ ra về – Ảnh: T.T.D.

Giới phê bình ở Cannes rất khắc nghiệt

Khi trò chuyện cùng khán giả tối 10-4 hay giới báo chí Việt Nam vào chiều 10-4, đạo diễn Kore-eda gây ấn tượng tốt đẹp bởi phong cách nghiêm cẩn. Ông thường suy nghĩ kỹ và trả lời đầy cảm hứng, có sự gợi mở riêng cho từng câu hỏi.

Trước câu hỏi tại sao trong phim Broker, nhân vật lại nói câu “Cảm ơn vì đã được sinh ra” với người khác nhiều đến vậy, có hơi nhiều lời quá không, ông trả lời:

“Trong cuộc đời, có những người chưa bao giờ nghe người khác cảm ơn mình vì đã được sinh ra.

Tôi làm bộ phim này cho họ, dù câu nói nghe có vẻ đơn giản, thô sơ nhưng là để gửi gắm cho những người chưa từng được nghe câu đó trong đời”.

Khi được hỏi tại sao thường mang tác phẩm của mình ra mắt đầu tiên ở Liên hoan phim Cannes – liên hoan phim hàng đầu thế giới – ông nói:

“Liên hoan phim Cannes là một nơi rất khắc nghiệt, không dễ dàng chút nào. Tôi gặp rất nhiều nhà phê bình bình luận khắc nghiệt mà vẫn phải lắng nghe, thế nên tôi không hẳn vui hay sung sướng khi đến Cannes. Đó là thực tế.

Nhưng khi đến đó, tôi gặp được rất nhiều người sống ở nhiều quốc gia với hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng một thời đại. Nhờ đó tôi nhận ra tôi không hề cô đơn khi làm phim. Rất nhiều người trên thế giới đang làm phim như mình.

Liên hoan phim Cannes cũng là nơi có lịch sử rất lâu đời. Đến đó tôi cảm nhận được chiều dài của lịch sử, phim của ngày xưa, của hiện tại và tương lai”.

Ông gợi ý Liên hoan phim quốc tế TP.HCM hãy quan tâm đến giá trị lịch sử của một liên hoan phim để lại cho đời sau.

Theo Tuổi Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *