Tôi không có ý so sánh ở bất kì góc độ nào hai bài hát hay hai chủ thể của hai sản phẩm văn hoá này vì đơn giản là “không thể so sánh được”. Tôi đề cập đến vì hai việc thuộc ngành văn hoá quản lý diễn ra cùng một thời điểm khiến liên tưởng thế thôi: Hai bài hát “Chuyện hoa sim” và “Những đồi hoa sim” phổ thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan vừa chính thức được cấp phép hát trong nước khi Đàm Vĩnh Hưng ra mắt MV mới với bản mash-up 2 sau một thời gian xin phép được anh mô tả là “rất khó khăn”.
Còn ca sĩ “Kiếp đỏ đen” thì lâu nay được một bộ phận khá đông công chúng tung hô, nay lột hết cái phông văn hoá thật của mình trên trang facebook cá nhân với những lời lẽ không thể tục tĩu hơn về chủ quyền biển đảo quốc gia khiến dư luận phẫn nộ. Đọc hai tin này, những người sống qua mấy thời đất nước nổi chìm, biết là mỗi thời có lý do tồn tại của nó nhưng vẫn thấy sao sao ấy.
Cái sự lận đận của Hữu Loan cùng những vần thơ của ông được tới ba nhạc sĩ phổ nhạc hoá ra long đong đến tận bây giờ. Ông đã không chờ được (là tôi nói thế chứ chắc gì ông có ý chờ) tới khi những xúc cảm thơ của mình được người đời hát lên từ hơn nửa thế kỉ nay được cơ quan quản lý văn hoá cho phép được hát công khai. Thi sĩ vừa giã cõi tạm ngày 18/3 tại quê nhà Thanh Hoá, thọ 95 tuổi.
Mà nếu Đàm Vĩnh Hưng không làm MV, không cố nài nỉ xin phép thì biết đến bao giờ những bài hát mà mỗi khi cất lên ít nhất hai thế hệ đang còn sống lại dâng trào kí ức về dân tộc một thời kháng chiến, một thời chia ly đau thương, một thời oanh liệt, được cơ quan quản lý văn hoá cho “phổ biến” nhỉ ? Cứ ngỡ thời của chúng tôi đã qua lâu rồi, cái thời cho đến lúc là sinh viên khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi vẫn không được trực tiếp tiếp cận bài thơ “Màu tím hoa sim”, chỉ được nghe thầy Hoàng Như Mai nói qua cho biết cùng bài Núi Đôi. Cuộc chiến tranh chia rẽ dân tộc đã qua cả hơn nửa đời người rồi còn gì.
Cũng vào lúc “nghệ sĩ nổi tiếng” Duy Mạnh vứt bỏ áo diễn cởi trần trùng trục với những ngôn từ của con người thật thì Công an Hà Nội bắt giữ đôi vợ chồng “nghệ sĩ” khác: Phú Lê và Lã Thúy Kiều vì đã cử đàn em đến hành hung gia đình “hot girl” Đào Chile (tức Trần Thị Đào, 30 tuổi, quê tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, khiến mẹ và dì của Đào phải nhập viện cấp cứu. Theo các nguồn tin, Phú Lê tham gia đóng vai chính phim “Chạm mặt giang hồ” cùng sự góp mặt của một số nghệ sĩ nổi tiếng. Chỉ trong thời gian ngắn phim có tới 26 triệu lượt xem. Sau đó, “nghệ sĩ” này tung phim ca nhạc “Đời là thế thôi” và cũng chỉ sau một thời gian ngắn, MV này đã thu hút tới 68 triệu lượt xem. Đôi vợ chồng này còn đi biểu diễn ở một số tỉnh thành như ca sĩ chuyên nghiệp.
Thời vàng thau lẫn lộn này, ai tự mưu sinh, tự đánh bóng được tên tuổi, tự làm giàu được, ấy là quyền của họ. Duy Mạnh kiếm được vạn fan cuồng, Phú Lê có 400.000 người theo dõi fb, ấy là họ còn đang đứng ở giới hạn “nghệ sĩ” mạng Youtube. Thế giới ấy nói là thật cũng được mà nói là ảo cũng xong. Nhưng khi họ đã bước ra sân khấu, đi các tỉnh thành biểu diễn như những ca sĩ chuyên nghiệp thì phải được phép của ngành văn hoá. Họ đã là người của công chúng thật.
Vậy những nguyên tắc rất khắt khe mà ngành văn hoá kiên trì đem ra quản lý các bậc tiền bối sao không được đem ra soi xét để đừng bao giờ trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật lọt vào những kẻ ăn nói chợ búa như Duy Mạnh hay xử sự côn đồ như Phú Lê? Để lọt những thứ người ấy vào sân khấu chung nghệ thuật nước nhà, lỗi của ai?
Nói vậy không có nghĩa đem tư duy quản lý thời bao cấp áp vào thời công nghệ số thế giới phẳng nhưng cũng không có nghĩa là cứ dễ dãi, thả lỏng quản lý để các giá trị trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này bị đảo lộn hết cả. Giá trị thật cần được phổ biến lại bị săm soi quá; những thứ ảo, rẻ tiền lại để toang ra, cho lên ngôi. Từ lâu đã có những cảnh báo về khủng hoảng văn hoá, thực tế cho thấy căn bệnh văn hoá sống mất phương hướng của một bộ phận ngày càng nặng. Khái niệm “ảo” trong các hệ giá trị sống như một quả bóng bị bơm căng, thả nổi, ám ảnh nhiều người trẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi trả lời Vietnamnet mới đây có nói: “Có một số nghệ sĩ đang sống trong vô định và quanh họ là một bộ phận những người trẻ cũng sống trong vô định. Họ không tìm thấy ý nghĩa đích thực trong cuộc sống. Họ không có khả năng rung động, chia sẻ, cảm thông với bất kỳ ai kể cả các thành viên trong chính gia đình. Họ chỉ biết sống để phục vụ thân xác. Bởi thế một trào lưu sống suy đồi sẽ trở thành ”bả độc”’ cho họ lao vào để thỏa mãn. Hiện tượng này không có gì xa lạ. Dư luận từng lên tiếng phê phán và cảnh báo về vấn đề này”.
Duy Mạnh đã bị cơ quan quản lý văn hoá, Phú Lê sẽ bị công an xử lý. Họ phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Nhưng ngành văn hoá cần phải đặt sự việc do hai “nghệ sĩ” này gây ra trong tổng thể hiện trạng quản lý nền văn hoá nước nhà, coi đó là một phần của hệ quả tư duy quản lý từ lâu không theo kịp các biến đổi của cuộc sống đất nước, của thời đại. Văn hoá nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế cần đội ngũ làm công tác quản lý có tư duy hơn người.
Người làm công tác quản lý văn hoá phải là người giúp xã hội phân biệt đâu là vàng đâu là thau trong một thế giới dễ bị huyễn hoặc; góp phần định dạng, vun đắp nền văn hoá dân tộc theo những chuẩn mực sống bền với thời gian. “Màu tím hoa sim” ba chìm bảy nổi cùng tác giả từ ngày ra đời-năm 1949, nhưng nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn thích đọc và thuộc.
Đức Nguyện/ Theo TTV24