Hàng chục ô tô bị rạch lốp trong đêm tại khu đô thị Linh Đàm là câu chuyện đáng để suy nghĩ nghiêm túc về tình trạng mất an ninh trật tự liên quan trông giữ xe ô tô.
Khi thông tin xấp xỉ 30 chiếc xe ô tô bị rạch lốp trong một đêm ở khu đô thị Linh Đàm lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều cảm xúc trái ngược xâm chiếm tâm trạng của công chúng.
Đó là cảm xúc lo ngại vì tình trạng mất an ninh trật tự nghiêm trọng khi xuất hiện những kẻ phá hoại tài sản một cách có chủ đích, và mang tính manh động, nhắm tới nhiều nạn nhân một lúc. Đó cũng là sự hả hê của một số người khi cho rằng việc đỗ xe bừa bãi, chiếm dụng vỉa hè cuối cùng cũng đã bị trả giá.
Nhưng, sau tất cả, câu chuyện này cho thấy một thực tế là vấn đề chỗ đỗ xe ở các khu dân cư của Hà Nội đang ngày một căng thẳng, và dịch vụ trông giữ xe đang ngày một lộn xộn, xuất hiện sự kiểm soát của các thành phần xã hội đen.
Xấp xỉ 30 chiếc xe ô tô bị rạch lốp trong một đêm, tại một địa điểm, rõ ràng là một câu chuyện đặc biệt nghiêm trọng. Nó cho thấy tính chất manh động, và bất chấp của đối tượng gây án.
Tình trạng lộn xộn, bát nháo xung quanh dịch vụ trông giữ xe ở khu dân cư từng một thời là đô thị kiểu mẫu của Hà Nội không phải bây giờ mới nảy sinh.
Từ năm 2019, VOV Giao thông từng có những bài điều tra về tình trạng xã hội đen lộng hành ở các bãi xe tự phát tại Linh Đàm, nhưng chưa bao giờ các đối tượng lại ra tay phá hoại tài sản của người dân một cách manh động như vụ việc này.
Gần 30 chiếc xe bị rạch lốp, đó là một chuỗi hành động có chủ đích, có tính chất đe dọa, dằn mặt hướng tới cả một cộng đồng chứ không chỉ là một cá nhân đơn lẻ.
Để xem xét tính chất của vụ việc này, chúng ta không nên coi đây chỉ là một hành vi đơn lẻ, bột phát, và có tính chất bất thường. Bởi, nhu cầu trông giữ xe ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, trên thực tế đã là một nhu cầu thiết yếu của cư dân.
Người dân ở Linh Đàm không phải lần đầu bị chọc lốp xe, dù số lượng nạn nhân đồng thời không nhiều như lần này, nhưng đã có những vụ đập phá, tháo bánh xe. Nhưng họ vẫn chọn cách đỗ trên vỉa hè, không có người trông giữ vì không phải lúc nào cũng có những lựa chọn an toàn.
Tình trạng căng thẳng do thiếu chỗ đỗ xe không chỉ là vấn đề cá biệt ở khu đô thị Linh Đàm, hầu hết các khu dân cư, từ truyền thống đến hiện đại ở nội thành Hà Nội đều thiếu chỗ đỗ xe. Thành phố có hàng triệu chiếc xe, nhưng ngoài các chỗ đỗ được cung cấp từ chủ đầu tư các tòa nhà thì hầu như không có các bãi gửi xe đúng tiêu chuẩn, được cung cấp bởi chính quyền thành phố.
Phần lớn dịch vụ trông giữ xe ở Hà Nội được cung cấp bởi các bãi xe tự phát, không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào, về hạ tầng, cũng như giá cả.
Một dịch vụ, trên thực tế là thiết yếu, nhưng hầu hết được cung cấp một cách tự phát, không tiêu chuẩn chắc chắn sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xã hội, có khả năng hình thành các tổ chức xã hội đen khi xúc tiến các hoạt động như bảo kê, tranh giành địa bàn, khách hàng…
Hôm nay là một vụ rạch lốp xe, ngày mai có thể là những vụ đốt xe, hoặc mất trộm. Hôm nay kẻ rạch lốp xe có thể bị bắt, nhưng câu chuyện rồi cũng sẽ trôi qua, và lại có những kẻ manh động khác xuất hiện, được thuê để phá hoại.
Gửi xe là một nhu cầu thiết yếu của dân cư đô thị, và với những dịch vụ thiết yếu, nếu như Nhà nước không đầu tư để cung cấp một cách chuẩn mực, chắc chắn xã hội đen sẽ xuất hiện và cung cấp.
Khi hoạt động trông giữ xe tự phát trở thành một nguồn tài chính ổn định của xã hội đen, lúc đó sự chấn chỉnh sẽ không có tác dụng, mà sẽ là những cuộc chiến thực sự của các thành phố.