Cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, “lễ hội” giật cô hồn lại diễn ra ở khắp mọi nhà, đặc biệt là ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
Tại sao lại giật cô hồn…?
Theo quan niệm của người xưa, vào tháng 7, âm phủ sẽ mở cửa ngục để các linh hồn trở về dương gian. Những vong linh không có nhà để về sẽ lang thang, vất vưởng ở ngoài và được gọi bằng một cái tên khác là cô hồn.
Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ, cầu siêu cho những linh hồn tội nghiệp kia, để họ được trở về nhà, thoát khỏi kiếp oan trái, không nơi nương tựa, người ta đã nghĩ ra tục cúng cô hồn. Trong suốt tháng 7, người ta sẽ bày mâm cỗ trước cửa nhà mình và tiến hành khấn vái cô hồn. Ai nấy đều tin rằng những mâm cỗ đó nếu được giật sạch đi thì sẽ mang lại cho gia chủ bình an và hạnh phúc.
Cũng theo quan niệm từ xưa, mâm cô chỉ là những món bánh trái, hoa quả đơn giản, và người giật cô hồn thường là trẻ con.
Từ nét đẹp văn hóa đến phong tục nửa mùa?
Trong nhiều năm trở lại đây, và cũng trong nhiều trường hợp, người giật cô hồn không còn là những đứa trẻ nữa, và phong tục giật cô hồn cũng không còn là một phong tục nhân văn nữa. Thay vào đó, người giật cô hồn bây giờ chủ yếu là người lớn, và một ngành nghề ngắn hạn mới xuất hiện: nghề giật cô hồn.
Những ngày tháng 7 âm lịch, trên khắp các tuyến phố Sài Gòn, không khó để chúng ta bắt gặp những cảnh tượng giật cô hồn hãi hùng. Người ta chen chúc, giành giật nhau, thậm chí có những người còn sử dụng bất kỳ đồ vật gì có trên người để xô đẩy, hòng giành được nhiều đồ cúng nhất. Những chiếc xe lướt đi chớp nhoáng, những đám đông hỗn loạn, những tiếng cãi cọ… tất cả khiến người ta chẳng còn nhìn thấy nét đẹp trong phong tục này.
Những đứa trẻ đã chẳng thể “thắng” trong những lần giật cô hồn được nữa. Người lớn – bao gồm cả những thanh niên trai tráng, ông già, bà cả – còn đầu tư, chuẩn bị những dụng cụ chuyên dụng để “vợt” cô hồn. Nhiều người còn coi đó là một nghề ngắn hạn.
Trong suy nghĩ bảo thủ của nhiều người, họ cho rằng càng nhiều “cô hồn” giật đồ cúng thì gia đình đó càng trở nên thịnh vượng, giàu có. Thế nên thay vì ngăn cản, họ càng cổ vũ, khuyến khích những hành vi tranh giành, hành hung, chửi bới của đám đông hỗn loạn. Ngoài ra, họ còn “đầu tư” nhiều hơn cho mâm cúng của mình để “thu hút” cô hồn, như bày lên đó các tờ tiền thật mệnh giá cao hay những con gà, con lợn thật to…
Trước đây, tục cúng cô hồn vốn là một nét đẹp nhân văn, nhưng ngày nay nó đã biến tướng trở thành trò mê tín trục lợi. Không ít vụ cướp giật đã xảy ra trong những đám giật cô hồn. Không ít đám giật cô hồn nhốn nháo và hỗn loạn đã khiến người khác phải hoảng sợ, hãi hùng. Không ít người vì không lấy được thứ mình cần đã thẳng tay hất đổ để người khác cũng không lấy được. Đó là những hình ảnh vô cùng xấu xí của một phong tục đã không còn ở trạng thái nguyên bản.
Mặc dù chính quyền địa phương nhiều nơi ra lệnh cấm tổ chức cúng cô hồn để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực nhưng cảnh tượng bát nháo, hỗn độn của những đám cúng cô hồn vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục qua các năm. Dù biết đó là phong tục, là nét văn hoá nhưng điều gì bị làm quá lên hoặc bị lạm dụng cũng sẽ trở nên thô kệch và xấu xí.
Lai La/Theo TTV24