Giới thiệu phim tài liệu về danh họa Việt vẽ hình Bác bằng máu

11:42 | 23/10/2024
Bộ phim tài liệu Danh họa Diệp Minh Châu của đạo diễn Nguyễn Thu kể cho người xem câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Diệp Minh Châu, tác giả bức huyết họa về Bác Hồ.

Phim do Công ty cổ phần Phim Giải phóng đầu tư sản xuất, vừa đoạt giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn TPHCM, đợt 1, giai đoạn 2021 – 2025.

Phim kể về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Diệp Minh Châu, người từng cắt tay lấy máu để vẽ bức họa Bác Hồ và 3 em thiếu nhi Trung – Nam – Bắc.

Diệp Minh Châu (1919 – 2002) sinh tại làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1940, khi vừa tròn 21 tuổi, ông ra Hà Nội, thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trong 2 trường mỹ thuật nổi tiếng nhất châu Á thời bấy giờ, và đỗ đầu kỳ thi tuyển. Ông vừa học vừa vẽ và tích cực tham gia phong trào sinh viên yêu nước, tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ của thanh niên.

Bức họa vẽ Bác bằng máu của danh họa Diệp Minh Châu

Cuối năm 1946, ông về công tác ở khu Tám với chức danh phóng viên mặt trận. Các tác phẩm nổi tiếng của ông ra đời trong thời kỳ này gồm Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong.

Năm 1950, ông được ra Việt Bắc để tiếp tục học tập và công tác. Ở Việt Bắc, ông được sống cùng Bác Hồ để vẽ về Người. Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại và giản dị, anh minh và nhân hậu, cao khiết nhưng vô cùng gần gũi đã đi vào những bức tranh của ông thật mộc mạc, chân tình, gần gũi và cũng rất tinh tế, lắng đọng. Những bức tranh đẹp và quý về Bác Hồ ra đời như tranh lụa Bố cục nhà Bác trên đồi (1951), tranh sơn dầu Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (1951), Bác câu cá bên bờ suối (1951)…

Tượng Võ Thị Sáu trước quân thù là một trong những tác phẩm nổi tiếng của danh họa Diệp Minh Châu

Được gặp và làm việc cùng Bác Hồ, chất lượng sáng tác của ông càng được nâng cao. Ông nhớ mãi lời dặn của Bác: “Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được”. Vâng lời Bác, dù khi đang học tập ở nước ngoài hay sáng tác ở trong nước, dù ở miền Bắc hay miền Nam, ông luôn hướng sáng tác của mình vào sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc mà cụ thể là phản ánh, ca ngợi và khẳng định sự tất thắng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân miền Nam.

Những tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng của ông đã đi vào lòng người như tượng Võ Thị Sáu trước quân thù, Lòng người miền Nam, Căm thù Phú Lợi, Hương sen (tượng). Sau này, ông sáng tác điêu khắc về đề tài Bác Hồ nhiều hơn, các tác phẩm để đời của ông gồm tượng đồng Bác Hồ ở Việt Bắc, Bác Hồ với thiếu nhi, tượng tròn thạch cao Bác Hồ bên suối Lênin đã trở thành tài sản văn hóa chung của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại.

Bức tượng Bác Hồ với thiếu nhi của danh họa Diệp Minh Châu hiện đặt tại Nhà Thiếu nhi thành phố

Nhà điêu khắc – họa sĩ Diệp Minh Châu ngay từ khi còn trẻ đã thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của mình trong bức thư độc đáo, đặc biệt gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1947. Nội dung lá thư phần nào cho thấy bối cảnh ra đời cũng thật đặc biệt. Ông đã cắt lấy dòng máu trong cánh tay mình để vẽ hình Bác và hình 3 em Trung Nam Bắc đương xúm đầu lại dưới chòm râu của Bác. Bức họa có tên Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung – Nam – Bắc đã trở thành tài sản vô giá của nền nghệ thuật Việt Nam cũng như của cả cuộc cách mạng Việt Nam.

Hơn 60 năm sáng tạo nghệ thuật, Diệp Minh Châu là tác giả của hàng ngàn bức tranh, tượng, là nghệ sĩ có nhiều triển lãm, nghệ sĩ sáng tác nhiều về Bác Hồ với hơn 200 tác phẩm. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các bảo tàng lớn trong nước và nước ngoài. Tên tuổi, sự nghiệp của ông được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư châu Âu. Danh họa Diệp Minh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I năm 1996).

Năm 2002, họa sĩ Diệp Minh Châu qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ông đã để lại tài sản tinh thần vô giá và tấm gương “Sống, chiến đấu, lao động và học tập” tiêu biểu, trong sáng vô ngần, để cho đồng nghiệp trẻ noi theo cũng như người người tiếc thương vô hạn.

Theo Báo Phụ Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *