Hành trình lấp dần khoảng cách của các nhà sử học và những con người của hành động trong “Hộ linh tráng sĩ – bí ẩn mộ vua Đinh”

20:16 | 14/04/2025

BHD vừa công bố dự án phim điện ảnh huyền sử “Hộ Linh Tráng Sĩ – Bí ẩn mộ Vua Đinh”. Đây không chỉ là một bộ phim hành động, võ thuật, tâm lý mà còn là một bản anh hùng ca bi tráng, thấm đẫm tinh thần dân tộc, lấy cảm hứng từ một trong vô vàn những  truyền thuyết dân gian huyền bí về lăng mộ Vua Đinh – Vị Hoàng đế đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. 

Hội thảo tại Ninh Bình: Cầu nối giữa tri thức và sáng tạo

Nhận thấy khoảng cách giữa các nhà sử học – những người nắm giữ tư liệu quý giá – và các bạn trẻ yêu cổ phục – những người khát khao tái hiện lịch sử qua từng đường kim mũi chỉ, BHD đã phối hợp với Sở Văn hóa Tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo Khoa học về Trang phục, Cổ phục Thời Đinh tại mảnh đất cố đô Hoa Lư. Đây là lần đầu tiên một dự án phim điện ảnh tổ chức một hội thảo chuyên sâu về cổ phục, mở ra không gian đối thoại đầy ý nghĩa giữa hai thế hệ. Hội thảo không chỉ là nơi trình bày các nghiên cứu mà còn là một hành trình giao thoa đầy cảm xúc. Và còn là cơ hội để đoàn phim có thể lắng nghe những chia sẻ từ các khách mời là các sử gia, học giả hàng đầu, cũng như các chuyên gia về điện ảnh và cả rất nhiều các bạn trẻ nghiên cứu, yêu thích lịch sử và cổ phục góp ý cho tham luận của các nhóm nghiên cứu trẻ đầy nhiệt huyết. Rất nhiều những khách mời tham dự trong Hội Thảo Khoa Học này là những con người đang ngày đêm khơi dậy tình yêu văn hóa Việt, đặc biệt là phong trào Việt Phục Cổ đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Đây không chỉ là một hội thảo về một bộ phim điện ảnh mà còn  là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa hai thế hệ,  những người gìn giữ quá khứ và những người mơ ước mang quá khứ ấy đến gần hơn với thế hệ hôm nay. Nhưng để kể lại câu chuyện hào hùng này một cách sống động, đoàn phim cần sự đồng hành của cả những bộ óc uyên thâm và những trái tim nhiệt huyết – một sự kết hợp tưởng chừng khó khăn nhưng sẽ tạo nên những kỳ tích đầy cảm hứng.

Phần 1 của Hội thảo Khoa Học sau phần giới thiệu mở đầu của ông Nguyễn Mạnh Cường- Giám đốc Sở Văn Hoá Ninh Bình và phần tham luận đề dẫn của Bà Ngô Bích Hạnh, Phó chủ tịch BHD, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến & Phát triển Điện Ảnh VFDA,  là  phần trình bày tham luận chính trong Hội Thảo Khoa Học của 5 nhóm nghiên cứu để các nhà sử học và các nhà nghiên cứu khác cùng nhau lắng nghe, góp ý kiến và để cuối cùng đoàn phim có thể có những phục trang tốt nhất để có thể dùng cho công tác quay phim trong thời gian sắp tới.

Các bạn trẻ từ 5 nhóm nghiên cứu đã mang đến những phỏng dựng trang phục thời Đinh đầy tâm huyết: Đầu tiên là Nguyễn Ngọc Phương Đông, đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên về lịch sử, văn hóa cổ như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre, Vương Sư Kiên Duệ… tác giả và đồng tác giả nhiều sách như  Dệt Nên Triều Đại về lịch sử trang phục nửa đầu thời kỳ Lê Sơ, Lôi Động – Tinh Phi về lịch sử súng đạn của người Việt, Kỳ Công Diệu Nghệ về các công nghệ và phát minh của người Việt. Tại đây anh Nguyễn Ngọc Phương Đông trình bày, trưng bày một số bộ giáp trụ, trang phục của binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh- Tiền Lê.

Tiếp theo là nhóm Kinh Bắc Legacy – với Phạm Thu Hằng người phụ trách phục trang cho rất nhiều phim lịch sử như Phượng Khấu, Vua Bụt (Trần Nhân Tông), Bạch Đằng giang, tư vấn cổ phục cho lễ hội Festival Ninh Bình 2024 và họa sĩ Cao Việt Nguyễn, tác giả sách “Việt sử nhân vật” và đồng tác giả của sách “Lôi động tinh phi”. Nhóm trình bày các bộ mà nhóm nghiên cứu: Thái hậu họ Dương, Vua Đinh Tiên Hoàng…

Tham dự trình bày còn có phần của nhóm Chiêu Minh Các, do Dương Phạm Trí – nhà sáng lập, nhà thiết kế và thực hành trang phục truyền thống thực hiện. Anh là người đã giành giải nhất cuộc thi hóa thân thành nhân vật lịch sử của Festival Ninh Bình 2024.   Dương Phạm Trí đã mang đến hội thảo 2 Bộ Trang phục Nam Chính (Kinh) và Nữ Chính (Kinh) thời Đinh.

Ngoài ra có nhóm Great Vietnam là nhóm đã tham gia nhiều dự án như thực cảnh “Tinh Hoa Việt Nam”, Dự án “Điểm Ánh Đan Thành, Dự án sách “Dệt nên Triều đại”, Chương trình Festival Huế và Lễ Ban sóc triều Nguyễn, Bộ sưu tập “Lịch sử Quốc phục Đàng Trong – Đại Nam. Nhóm Great Việt Nam trình bày về phần Phỏng dựng trang phục Áo viên lĩnh đại khâm (giai đoạn Đinh – Tiền Lê). Đối tượng mặc: Quý tộc – quan lại.

Nhóm thứ 5 là Họa sĩ Phan Thanh Nam, được biết đến bút danh Ấm Chè bắt đầu từ nhóm Đại Việt Cổ Phong, đồng sáng lập ngày hội Việt phục thường niên “Tóc Xanh Vạt Áo”.  Nam là người truyền cảm hứng lịch sử qua những bức tranh đầy sức lôi cuốn và sáng tạo và ngoài việc tham gia tham luận về cổ phục thời Đinh với những bộ trang phục của ông thầy Mo (gốc người Mường) anh còn nghiên cứu và cùng đoàn phim Hộ Linh Tráng Sĩ – Bí Ẩn Mộ Vua Đinh phỏng dựng lại một trong những bối cảnh chính của phim, lễ hội rằm tháng tám trung thu năm kỷ mão năm 979 ngay trước khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà trong một bức tranh dài 0.7x8m trưng bày tại triển lãm của hội thảo.

Phần 2 của Hội Thảo là phiên Thảo luận. Phiên 2 của hội thảo nóng hơn bao giờ hết với sự tham gia của các sử gia, học giả hàng đầu như nhà nghiên cứu lịch sử: Nhà sử học Dương Trung Quốc,  PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia,  PGS.TS Nguyễn Phương Chi – Nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu lịch sử, PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ – Chủ tịch hội đồng khoa học Viện sử học, Nhà nghiên Cứu Mỹ Thuật Trịnh Quang Vũ, Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình…

Từ tranh luận đến đồng cảm: Hành trình lấp đầy khoảng cách.

Phần đầu của phiên thảo luận đầy nóng bỏng khi các sử gia lần đầu thấy những sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu trẻ. Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho biết các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu và phục dựng các bộ trang phục là rất tốt, tuy nhiên lại đang thiếu đi tính sâu sắc, vẫn còn nhiều điểm chưa đúng với các hiện vật và tư liệu lịch sử. PGS.TS Nguyễn Phương Chi cũng khẳng định, bên cạnh tính thẩm mỹ, các trang phục được phục dựng cần đảm bảo đúng tính chân xác của thời đó, từ chất liệu, giày dép hay đến cả những hoa văn trên vải. Sau những góp ý thẳng thắn và nghiêm túc, hiểu rõ những khó khăn của các bạn trẻ khi tiếp cận với các nguồn tư liệu, ghi chép lịch sử, các sử gia cũng cởi mở khẳng định sẽ sẵn lòng chia sẻ một số các tư liệu mình có nếu các bạn trẻ cần nghiên cứu thêm.

Sau phần phát biểu đầy căng thẳng của các giáo sư, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Buổi hội thảo đã cho thấy một khoảng cách – một khoảng cách đương nhiên sẽ có – giữa những con người sách vở và những người hành động. Và cái khoảng cách ấy chúng ta phải lấp đầy nó. Việc các bạn trẻ chưa tiếp cận được nhiều các nguồn tư liệu, đó là có thật. Nhưng mà chúng ta cũng không thể ngăn cản sự sáng tạo của các bạn trẻ. Mà hãy tạo ra một môi trường sinh thái để cho sự sáng tạo phát triển. Cái sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh là cái sáng tạo cho tương lai mà quá khứ rất cần thiết. Vì thế hôm nay có Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh ở đây, có lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ở đây, tôi nghĩ rằng chúng ta nên bắt đầu có 1 bước đi quy củ hơn, kế thừa nhau hơn, chứ không phải mỗi bộ phim là một sáng tạo riêng, một tài sản riêng mà không có kế thừa. Vì thế tôi rất cám ơn những phát biểu thẳng thắn của các nhà  sử học, các nghiên cứu, các bạn trẻ để chúng ta cải thiện được cái môi trường, cái hệ sinh thái phát triển cho phim cổ trang của Việt Nam.”

Ngồi trên bàn chủ tọa, bà Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam VFDA phát biểu: “Ở thời đại này, Tôi nghĩ rằng các nhà làm phim nên tận dụng tất cả mọi thứ: kho tư liệu của các nhà lịch sử, cái sáng tạo của các bạn trẻ và cũng nên tận dụng cả trí tuệ nhân tạo, làm sao để tìm ra một tiếng nói chung và  tiếng nói đó phải có sức thuyết phục và đến được với khán giả không những là khán giả Việt Nam mà còn là khán giả quốc tế. Bản thân dự án này, cũng không phải một dự án phim lịch sử mà là dự án phim cổ trang, dã sử. Và phim điện ảnh cũng không phải là tài liệu ghi chép lịch sử, vì vậy nên sự sáng tạo của phim cũng sẽ được tự do hơn rất nhiều. Nếu bộ phim phản ánh được đúng tinh thần lịch sử, hồn cốt lịch sử, phản ánh được tinh thần của dân tộc, của thời đại đó thì cũng rất là hoan nghênh rồi.” Bên cạnh những công ty tư nhân như BHD đã dũng cảm tiếp cận, Bà Ngô Phương Lan cũng bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ có 1 chiến lược mạnh mẽ để khai phá đề tài phim về lịch sử vì đề tài này là một kho vàng, mà ở Việt Nam thì  kho vàng này chưa hề được khai thác.

 

 

 

Ngoài ra về phía các chuyên gia phim ảnh,  Bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – Thành viên hội đồng duyệt phim Quốc Gia, cũng chia sẻ “Có thể nói là chưa có bộ phim nào tổ chức được một buổi hội thảo chuyên về trang phục phim, và đó là một điều chúng tôi vô cùng cảm kích. Hội thảo rất khó và có 2 mặt, khi làm hội thảo ta phải chấp nhận đối diện với thách thức. Các nhà nghiên cứu, các bạn trẻ cũng đừng hoang mang khi nghe các phát biểu của các nhà sử học. Như ta biết trang phục thời đó các nhà sử học nói là không có nhiều sở cứ rồi. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao hồn cốt và tinh thần của Việt Nam được thổi vào trong trang phục đó. Và hôm nay khi đi cùng xe với các bạn trẻ được xem các bạn trình diễn thì tôi có một niềm tin rằng  bạn sẽ làm được điều đó, khi mà các bạn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu và các bạn có khả năng nghiên cứu gắn với khoa học kỹ thuật và các bạn có nhiệt huyết, thì tôi tin bộ phim Hộ Linh Tráng Sĩ có những điều kiện tốt nhất có thể thành công”

 Tham gia hội thảo lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình có ông Tống Quang Thìn, Phó chủ tịch thường trực… và rất nhiều các nhà văn hoá, các lãnh đạo của các bộ ban ngành, của Bộ VH TT DL và đại diện lãnh đạo khác của tỉnh cũng như các doanh nghiệp hàng đầu của Ninh Bình. Nhiều người góp ý kiến và chia sẻ cảm nghĩ về các bộ trang phục trình bày và cùng chia sẻ khó khăn và khuyến khích đoàn phim nỗ lực thực hiện bộ phim.

Tiếng nói của thế hệ trẻ: Khát khao gìn giữ và lan tỏa lịch sử.

Phần cuối cùng của hội thảo là phần Yêu cổ phục với sự trình diễn của các trang phục thời Lê của nhóm Ỷ Vân Hiên với sự giới thiệu của CEO Nguyễn Đức Lộc và cuối cùng là màn trình diễn Yêu cổ phục của rất nhiều bạn trẻ của nhóm Bách Hoa Bộ Hành.  Sau một buổi sáng tham luận và thảo luận, lúc này cả hội trường lặng đi vì có lẽ mọi người đều có thể cảm nhận được tình yêu với cổ phục, với lịch sử của các bạn trẻ đang hiện hữu ở đây, rất gần và có thể chạm được. Hy vọng các nhà sử học sẽ mở lòng hơn với tình yêu của đoàn phim, của các nhà nghiên cứu và các bạn trẻ yêu lịch sử và cổ phục để có thể cùng lấp đầy khoảng cách giữa các bên và cuối cùng nhiều những bộ phim về lịch sử có cơ hội được thực hiện và như phát biểu cuối cùng trong sự kiện của KOL Giao Cùn – cô gái trẻ đam mê lịch sử đã thổi bùng cơn sốt phim “Đào -Phở và Piano” “ thay mặt các bạn trẻ trong hội thảo chia sẻ tình cảm khi bàn chủ tọa muốn hỏi ý kiến và góc nhìn của các bạn trẻ: “Những người trẻ chúng cháu cũng thường đọc những câu chuyện lịch sử nhưng chúng cháu cũng chỉ thấy được những dòng chữ, vì bản thân chúng cháu không đủ dữ liệu để tưởng tượng ra toàn cảnh, khung cảnh  thời điểm đó. Vì vậy, thay mặt cho thế hệ trẻ, chúng cháu rất mong muốn có những tác phẩm liên quan đến lịch sử, dù ở bất kỳ thời đại nào. Ta cần tạo ra một nền tảng mới để mọi người có hình ảnh để tượng tượng và đánh sâu vào tâm tưởng của các bạn trẻ để không quên. Mong là vong linh các cụ sẽ độ chúng ta nếu chúng ta thực sự thành tâm. Mong dự án sẽ thành công để bọn cháu có tư liệu rõ ràng để  sáng tạo những video nhỏ và đi vào những sáng tạo khác như tranh vẽ… Chúng ta đang ở trong thế giới phẳng và mở cửa. Ở trong thời đại phát triển nhanh như bây giờ, nếu chúng ta không khẳng định được văn hóa, hình ảnh của cha ông mình thì các bạn trẻ sẽ dễ dàng bị thu hút bởi nhiều các thứ khác và chúng ta sẽ mất đi một khoảng thời gian oai hùng như vậy”.

Một hành trình dài, nhưng đầy hy vọng.

Cuối cùng đoàn phim chia sẻ “Chúng tôi tin tưởng rằng với sự tâm huyết của các chuyên gia, sự hỗ trợ của UBND Tỉnh Ninh Bình, Sở Văn Hoá, các doanh nghiệp ở Tỉnh, sự quan tâm của các nhà sử học, những nhà nghiên cứu và đặc biệt là  tình cảm của các bạn trẻ yêu lịch sử và cổ trang, đoàn phim Hộ Linh Tráng Sĩ – Bí Ẩn Mộ Vua Đinh  cam kết sẽ làm việc hết mình  với tinh thần học hỏi, cầu thị, làm việc nghiêm túc nhất để không làm phụ lòng sự tin tưởng, hỗ trợ và tình cảm của tất cả mọi người.  Phim dự kiến  quay trong 60 ngày vào  tháng 11 và 12/2025 và khởi chiếu cuối Quý 2 năm 2026, nên con đường phía trước còn dài và nhiều gian khó.

Hành trình này không chỉ dừng lại ở một bộ phim. Đó có thể là khởi đầu cho sự gắn kết bền chặt giữa các nhà sử học và thế hệ trẻ, để cùng nhau tạo nên những tác phẩm điện ảnh lịch sử làm sống dậy niềm tự hào dân tộc. BHD mong muốn sự đồng hành của tất cả những ai yêu lịch sử và cổ phục Việt Nam cùng chung tay,  để “Hộ Linh Tráng Sĩ – Bí ẩn mộ Vua Đinh” không chỉ là một bộ phim, mà còn là một lời tri ân gửi đến Vua Đinh Tiên Hoàng và những tráng sĩ vô danh đã hy sinh vì mảnh đất thiêng liêng này.

Hãy cùng chúng tôi viết tiếp câu chuyện hào hùng của dân tộc,  để thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ rằng: chúng ta là con cháu của những tráng sĩ, của một thời đại oanh liệt không bao giờ bị lãng quên!

 

Gia Anh (Theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *