Chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ (thuộc VinCommerce của CTCP Tập đoàn Masan) đang gặp nhiều khó trong khâu cung ứng hàng hoá. Theo Doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc Vận hành VinMart miền Nam chia sẻ rằng luồng hàng hoá khi qua các chốt kiểm dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phía đại diện VinMart khẳng định không có chuyện tăng giá các mặt hàng vào lúc này: “Giá cả bình ổn. Các nhà bán lẻ hiện đại có quản lý và theo chỉ đạo bình ổn giá của Sở Công Thương”.
Saigon Co.op cũng chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng doanh nghiệp này quyết tâm không tăng giá hàng hóa.
“Thực tế giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần”, đơn vị này khẳng định.
Được biết, trước đó Bách Hóa Xanh bị nhiều người tiêu dùng phản ánh vì tăng giá bán trong mùa dịch. CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động – đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh giải thích phía doanh nghiệp không có chủ trương tăng giá bán lẻ vì mục đích kiếm lời trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Việc không thể giữ giá bán cũ cho một số mặt hàng tươi sống là bất khả kháng.
Doanh nghiệp cho biết: “Chính sách giá bán này được áp dụng đối với một số mặt hàng thiết yếu ở TP HCM, được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định”
Bên cạnh đó, việc các nhà cung cấp tăng giá do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông cũng là nguyên nhân khiến giá bán một số mặt hàng tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng lên, khiến nhiều người dân bức xúc.
Tại chuỗi cửa hàng, nhân viên khẳng định giá bán không cao so với quy định. Còn ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh thừa nhận giá bán rau thời điểm này có cao hơn trước dịch.
“Gần đây có một số phản ánh về giá bán Bách Hóa Xanh cao, hiện nay Bách Hóa Xanh đang thu nhập đầy đủ thông tin sẽ trả lời sớm bằng văn bản chính thức cho cơ quan chức năng rõ về việc trên. Giá bán rau tại Bách Hóa Xanh thời điểm này có cao hơn so với trước dịch hay không, chúng tôi thừa nhận là có. Tuy nhiên chúng tôi cam kết nếu bó rau giá 20.000 đồng thì khách hàng sẽ có bó rau đúng giá trị 20.000 đồng đã bỏ ra để mua. Nếu bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng cũng có cà chua chất lượng tương đương mức giá 30.000 đồng để mua. Chúng tôi không nói rằng không tăng giá đâu, nhưng mà khách hàng đi ra thì không có cái gì để mua hết”, ông Doanh nói.
Bên cạnh đó, theo báo Người lao động, ông Doanh còn trả lời Cục QLTT rằng nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống Bách hóa xanh bán giá hàng hóa cao trong mùa dịch. Theo ông Doanh, thời điểm này bằng mọi cách Bách Hóa Xanh phải mang hàng về phục vụ cho người dân và niêm yết giá rõ lên các sản phẩm nếu khách hàng thấy điều gì chưa được, bất hợp lý thì xin phản ánh và Bách Hóa Xanh xin tiếp nhận.
Trước tình hình thiếu lương thực tại tâm dịch TP.HCM như hiện nay, nhiều thương hiệu như Con Cưng (150 điểm bán), Guardian (65 điểm bán) và hệ thống Vinshop sẽ đưa mặt hàng rau củ và hàng đông lạnh vào bán tại các cửa hàng ở TP.HCM. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM còn huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất 1.000 tấn để hạ nhiệt giá thực phẩm của chợ truyền thống. Sở cũng đã làm việc với Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau, củ quả trên sàn thương mại điện tử và sử dụng chính kho hàng của các đơn vị này.
Theo Túc Mạch (TTV) – tổng hợp