Từ đầu năm 2020, điện ảnh Hàn Quốc ra mắt 3 bộ phim mà ở đó, người già là nhân vật trung tâm, đóng vai trò thiết yếu trong mạch truyện: An old lady, Oh! My Gran và The story of an old couple. Các bộ phim này khi ra rạp đều thu hút nhiều khán giả trẻ tới xem. Điều này dần tạo nên một xu hướng mới của điện ảnh xứ sở kim chi.
Trong khi đó, điện ảnh Việt lại “bỏ quên” cuộc sống người già trong những góc khuất ít người biết tới.
Phim Việt không mặn mà với tuyến nhân vật người già
Bà Mai (do NSND Lan Hương vào vai) trong phim Lửa ấm (VTV1), bà Hai (do NSND Kim Xuân vào vai) trong phim Yêu trong đau thương (VTV3) hay nhân vật bà nội (do NSƯT Hữu Châu đóng) trong Trói buộc yêu thương (VTV3)… đều là những nhân vật mang tính chất “dàn bao” trong phim. Họ được xây dựng không mấy ấn tượng và việc xuất hiện hay mất đi trong phim là điều tương đối dễ dàng.
NSND Như Quỳnh chia sẻ, bấy lâu nay, xem trên tivi lẫn trên rạp chiếu, bà không thấy có nhiều phim nói về những nhân vật người bà, người mẹ, người ông… mà chủ yếu phim về tình yêu “tay đôi, tay ba, tay tư”. Những bộ phim “ăn ngay” đó có thể hấp dẫn khán giả trẻ nhưng xã hội không chỉ có những người trẻ.
“Với cách làm phim như hiện nay, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện thế hệ nghệ sĩ chúng tôi được đóng nhân vật chính. Bởi lẽ đó, có muốn cống hiến thật nhiều đi chăng nữa cũng không có cơ hội.
Nếu thực sự các biên kịch, các nhà sản xuất, đọc nhiều, xem nhiều, biết nhiều, thấu hiểu được nỗi niềm, tâm tư, tình cảm, ước vọng… của người được cho là “già” thì vẫn sẽ có những bộ phim hay về đề tài này”, NSND Như Quỳnh tâm sự.
NSND Minh Châu cũng cho rằng, trên thế giới đã có rất nhiều bộ phim chiếu rạp đặt nhân vật người già làm trung tâm và những phim đó đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng. Những phim đó có thể không đi theo trào lưu và không đánh thẳng vào thị hiếu của các khán giả trẻ nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn về cuộc sống.
Ví dụ như bộ phim Amour của đạo diễn Michael Haneke. Bộ phim đã giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2012, gây tiếng vang trên khắp thế giới bởi câu chuyện về một cặp vợ chồng lớn tuổi, sống hạnh phúc trong ngôi nhà ấm cúng cho tới khi biến cố xảy ra và tình yêu của họ một lần nữa bị thử thách bởi trách nhiệm, bệnh tật…
“Cái quan trọng hơn là những bộ phim đó cho thấy sự nhân văn của một nền điện ảnh. Một nền điện ảnh không bỏ quên đi những người già và quan tâm đến mọi số phận trong đời sống”, NSND Minh Châu khẳng định.
Những tên tuổi gạo cội thừa khả năng nhập vai, nhưng lại rất ít cơ hội có vai diễn “để đời” với những nhân vật người già. Tính cách nhân vật được xây dựng có thể hoàn toàn phù hợp với câu chuyện trong phim nhưng khó thoát khỏi vai trò “dàn bao”.
Những chạy đua về trào lưu để lại nhiều tiếc nuối
Biên kịch Phạm Hạ Thu chia sẻ: “Khi nhìn về sự thiếu vắng những vai diễn người già “để đời” trên màn ảnh nhỏ, tôi thấy thật buồn và tiếc. Thật ra, phim khai thác cuộc sống người già không khó ăn khách, nếu có kịch bản hay, hấp dẫn. Thế giới người già có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nỗi cô đơn của họ, sự cách biệt tuổi tác giữa các thế hệ trong gia đình, tình yêu dành cho con cháu; bên cạnh đó cũng có thể khai thác những người già lạc quan, yêu đời… Chỉ là chúng ta quên mất thế giới người già nên chưa khai thác triệt để”.
Đó là điều mà khi phải nói ra, những người làm phim đều thấy chạnh lòng. “Đối tượng chính của điện ảnh là công chúng trẻ, nếu tuyến chính là người già, phim ra rạp khó thu hút người xem. Nói thật, phim điện ảnh khai thác đề tài người già, có lẽ chỉ chờ đến những nhà làm phim nghệ thuật, có tâm”, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương bày tỏ.
Rõ ràng, mảng phim giải trí cho người từ 50 tuổi trở lên đang thiếu hụt nghiêm trọng tại Việt Nam. Trong khi đó, đối tượng này mới chính là khán giả có thể chi trả kinh phí một cách tốt nhất để xem phim chứ không phải là đối tượng khán giả trẻ.
NSND Khải Hưng trăn trở khi so sánh khả năng khai thác mảng đề tài này của điện ảnh Việt Nam với các nước khác: “Các nhà làm phim quốc tế đều nhận ra điều đó và họ luôn coi trọng mảng thị phần giải trí dành cho người già, còn ở Việt Nam thì vẫn đang ở mức nhìn ra vấn đề “miếng bánh cũng ngon” nhưng chẳng ai muốn làm”.
Nhiều lý do khiến đời sống người già ít được chú trọng trong phim Việt
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, ở Việt Nam, đối tượng khán giả từ 15 – 30 tuổi đến rạp xem phim chiếm đa số. Chính lứa khán giả này quyết định sự thành bại của các nhà sản xuất, các hãng phim. Vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất không dám mạo hiểm làm phim về người già bởi họ không dám chắc về doanh thu.
Nam đạo diễn cũng chia sẻ: “Có thể trên thế giới vẫn có nhiều bộ phim làm về người già giành thành công về mặt doanh thu và giải thưởng nhưng số phim như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các phim mà nhà sản xuất hướng tới vẫn chủ yếu dành cho đối tượng khán giả trẻ.
Bên cạnh đó, phim về người già luôn đòi hỏi kịch bản phải có nhiều yếu tố mới lạ, giàu cảm xúc, giàu giá trị nhân văn nhưng cũng phải rất kỹ càng, trau chuốt… Trong tâm lý của một nhà đầu tư, nhà sản xuất… dĩ nhiên họ sẽ chọn cái nào nhanh chóng và kiếm được thật nhiều lợi nhuận để thực hiện”.
Thêm vào đó, phần đa người già ở Việt Nam vẫn quen với lối sống ở nhà hưởng thụ hoặc phụ giúp con cháu thay vì đi ra ngoài. Vì thế, việc thay đổi thói quen cho một người đã khó, thay đổi thói quen cho cả một thế hệ thật không dễ dàng gì. Đây là lý do phim điện ảnh khó lòng lôi kéo được người già (còn phim truyền hình thì có thể làm tốt hơn).
L.H/ Theo TTV24