Hoạ sỹ Ngô Đồng với triết lý vẽ tranh “đưa nghệ thuật trở lại đời thường”

14:21 | 23/05/2023

Ngày 20/5/2023 vừa qua, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc triển lãm tranh “Hiện thực đa chiều” trưng bày 85 bức tranh chất liệu sơn dầu của họa sĩ Ngô Đồng, được sáng tác trong 16 năm liền, giai đoạn từ năm 2007 tới năm nay 2023.

 Sau hơn 40 năm gắn bó với Sài Gòn, đây là cuộc bày tranh solo lần đầu tiên của họa sĩ.

Nhân dịp triển lãm đặc biệt lần này, họa sĩ cũng ra mắt một cuốn sách có tên “Họa sĩ Ngô Đồng HIỆN THỰC ĐA CHIỀU” in đầy đủ 85 tranh trong triển lãm, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật xuất bản ấn hành.

Hoạ sĩ Ngô Đồng đặc biệt yêu thích xu hướng vẽ hiện thực, cực kỳ thực, lấy cảm hứng từ cuộc sống thực tế, với mong muốn để mọi người dễ dàng cảm nhận điều ông muốn diễn đạt mà không cần phải suy ngẫm phức tạp.

Rất nhiều bức tranh của hoạ sĩ được tạo ra sau mỗi chuyến đi thực tế. Hoạ sĩ cho biết, ông cảm thấy chỉ có thiên nhiên mới đẹp, cuộc sống hàng ngày sống động bên ngoài mới thật sự đẹp, như cảnh một cô gái chạy xe máy tóc bay trong gió, ánh trăng bên kia, mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, tất cả đều làm cho thế giới trở nên phong phú vô hạn.

Trước khi chuyển sang vẽ hiện thực, Hoạ sĩ Ngô Đồng đã vẽ nhiều bức tranh siêu thực, nhưng từ khi chuyển sang phong cách vẽ hiện thực, thì ông cảm thấy ấm áp, yên bình hơn, thấy cuộc sống trở nên đẹp hơn.

Cần phải nói rõ thêm rằng vẽ tranh hiện thực không hề đơn giản, bởi vì mới nhìn qua thì thấy giống như là người hoạ sĩ chỉ làm công việc thay chiếc máy ảnh mà không có sự sáng tạo gì trong đó. Thông qua những bức tranh của mình, hoạ sĩ Ngô Đồng không chỉ tìm kiếm những góc nhìn sáng tạo trong nghệ thuật, mà còn muốn khám phá và đem lại cái đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày, điều mà không phải ai cũng nhìn thấy. Tranh của ông mang đến một góc nhìn mới, một góc nhìn tươi sáng và sâu sắc, về cuộc sống và giá trị của nó. Nó thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa lý luận và thực tế, nghệ thuật và cuộc sống. Mỗi bức tranh có vẻ ngoài giống y như một tấm ảnh đó, lại chứa đựng bên trong nó cả một triết lý sâu xa về cuộc sống, con người.

Tại triển lãm “Họa sĩ Ngô Đồng – Hiện thực đa chiều” lần này xuất hiện khá nhiều bức tranh chân dung có nguyên mẫu. Một phần khá lớn các nguyên mẫu này là các họa sĩ đồng nghiệp với Ngô Đồng. Và cũng không ít những gương mặt trẻ hoàn toàn không có chút liên quan nào tới họa sĩ trong đời sống thực. Đôi khi họa sĩ bắt gặp họ đang ngồi làm việc trong một quán cà phê, chạy xe trên đường phố… Và với ông, dường như có một phút giây bừng tỉnh đã khiến cho năng lực sáng tạo của người họa sĩ thức dậy. Ngô Đồng say mê vẽ để giữ lại những nét đẹp giản dị nhưng luôn thể hiện cá tính nổi bật.

Một trong số những bức chân dung gần nhất của họa sĩ vừa hoàn thành ngay trước thềm triển lãm cá nhân của ông là bức tranh “Trong phòng triển lãm” vẽ một vị khách nữ tới thăm The World ArtSpace gallery trong một buổi khai mạc triển lãm hồi cuối năm ngoái 2022.

Ngay khi bắt gặp “người mẫu” phù hợp, họa sĩ Ngô Đồng rơi vào trạng thái thăng hoa và trở về nhà ông lập tức bắt tay vào công việc sáng tạo, hoàn thành rất nhanh tác phẩm lần này, mặc dù thói quen bình thường của họa sĩ là không cho phép bản thân hài lòng với bất cứ một tác phẩm nào vẽ nhanh.

Bức tranh “Trong phòng triển lãm” của họa sĩ Ngô Đồng

Mới thoạt nhìn, bức tranh thể hiện vẻ đẹp một cô gái đang bận rộn làm việc trong khi xem tranh ở phòng triển lãm. Nhưng thật khó mà thấy hết vẻ đẹp của bức tranh nếu ta không được đọc những dòng giới thiệu (trong cuốn sách có tên “Họa sĩ Ngô Đồng HIỆN THỰC ĐA CHIỀU”, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật xuất bản ấn hành) về cô gái trong tranh, có tên Nguyễn Thị Minh Đăng, là chủ tịch HĐQT công ty CP Koro.

Gặp gỡ Minh Đăng – nguyên mẫu của họa sĩ Ngô Đồng ngoài đời, bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng với triết lý: “Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền, đỉnh cao của thiền chính là kinh doanh”.

Cần nói thêm về nhân vật trong tranh, vừa là chủ tịch HĐQT công ty CP Koro, (một công ty chuyên cung cấp máy lọc nước từ trường – loại nước mà nếu uống lâu ngày sẽ có thể giúp gia tăng sức khỏe đẩy lùi nhiều loại bệnh tật), Phó Chủ tịch Chi Hội Nam Y tỉnh Đồng Nai, đồng thời là tác giả của Thiền Việt Nam, một loại thiền phi tôn giáo và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đời thường, không bị phiêu linh thần thánh hóa quá đà.

Để giải thích cho câu nói: “Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền” Minh Đăng cho biết:“Chỉ khi nào người doanh nhân không còn nhầm lẫn giữa mình và CÁI TÔI của mình, thì mới không còn bị CÁI TÔI che mắt, mới có được những phẩm chất cần thiết để kiến tạo ra được một doanh nghiệp thành công một cách bền vững, trường tồn. Thiền nếu được thực hành đúng cách, sẽ giúp cho người doanh nhân thoát khỏi sự chi phối của CÁI TÔI và thực sự tập trung vào các mục tiêu của doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất để giúp người doanh nhân dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công”.

Tại thời điểm hoạ sĩ Ngô Đồng bắt gặp được Minh Đăng, là lúc chị đang làm việc khi đi xem tranh trong một phòng triển lãm. Điều khiến ông chú ý là Minh Đăng có thể vừa xem tranh, vừa làm việc. Ở cô gái này luôn toát ra sự tập trung mà thong thả, bận rộn mà thảnh thơi. Việc làm không hề cản trở cô xem tranh, và việc xem tranh cũng không cản trở cô làm việc. Đây là kết quả của việc ứng dụng thiền vào trong hoạt động kinh doanh. Với Minh Đăng, thiền và kinh doanh không hề tách rời nhau, việc thực hành thiền sẽ giúp cho việc kinh doanh hiệu quả hơn và ngược lại chính hoạt động kinh doanh sẽ giúp cho việc hành thiền mau chóng có kết quả. Chính điều này đã không chỉ mang lại cho Minh Đăng niềm vui trong công việc, mà nó còn mang lại cho cô niềm vui trong cuộc sống.

“Thiền không thể tách rời cuộc sống đời thường, thiền phải giúp cho cuộc sống đời thường” – Minh Đăng cho biết.

Quan điểm về kinh doanh và thiền của Minh Đăng đã nhận được sự đồng cảm của hoạ sĩ Ngô Đồng khi ông nói trong một cuộc trò chuyện giữa hai người rằng: dù hai người có lĩnh vực chuyên môn khác nhau – ông là hoạ sĩ và Minh Đăng là người hướng dẫn Thiền, nhưng cả hai đều có quan điểm cốt lõi giống nhau: “Đưa mọi thứ về bản chất và đưa nó trở lại đời thường phục vụ cho cuộc sống bình thường của mỗi con người”. Đây là một triết lý vô cùng nhân văn và thực tế mà hoạ sĩ Ngô Đồng muốn gửi gắm tới người xem qua bức tranh, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt mà nó còn là một lời nhắn nhủ sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày.

Hoạ sỹ Ngô Đồng cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển bền vững chỉ có thể xảy ra khi những ý tưởng và tác phẩm có thể áp dụng được vào đời thường. “Viển vông thì dễ, đời thường mới khó, chỉ những gì có thể ứng dụng thực chất trong đời thường thì mới thật sự phát triển bền vững”, ông nói.

 

Nhìn vào nhiều tác phẩm khác nhau trong suốt hành trình dài trên con đường nghệ thuật của hoạ sỹ Ngô Đồng, có thể nhận ra rằng ông luôn nhìn thấy những điều đẹp, phong phú và vĩ đại trong cuộc sống hàng ngày, điều mà không phải ai cũng nhìn thấy. Tác phẩm của ông mang đến một góc nhìn mới, một góc nhìn tươi sáng và sâu sắc, về cuộc sống và giá trị của nó.

Họa sĩ Ngô Ðồng Sinh năm 1954 tại Nam Ðịnh. Ông học Mỹ thuật tại Sài Gòn – Gia Định (Đại học Mỹ thuật TP.HCM) từ năm 1975 đến năm 1983 và gắn bó với thành phố cho tới nay.

Ánh trăng công nghệ. Ngô Đồng. Sơn dầu. 110 x 150cm. 2022

Hồi ức về tuổi thanh niên, họa sĩ Ngô Đồng kể, năm 1971, Ngô Đồng nhập học trường Kiến trúc Nam Định nhưng vẫn ước mơ đi học Mỹ thuật. Mơ ước khát khao cháy bỏng là vậy nhưng giấc mơ đỗ trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) dường như quá xa vời. Hồi đó đất nước vẫn đang còn đối mặt với chiến trận trường kỳ. Năm 1972, Ngô Đồng lên đường nhập ngũ, rồi đi B. Ở trong chiến khu, anh được học vẽ với thầy Đinh Rú nên đơn vị vẫn coi Ngô Đồng là một họa sĩ.

“Ở thời điểm này, tôi nhận được lá thư của một người quen. Chúng tôi quen biết nhau vì cùng được học mỹ thuật trong rừng và tới hòa bình lập lại, anh ra quân, đang theo học trường Mỹ thuật Gia Định. Đọc thư anh xong, tôi lập tức lên Ban chỉ huy đơn vị xin đi học nhưng thật buồn lại bị từ chối. Mất khá nhiều nước mắt, năn nỉ mãi, cuối cùng cũng được đơn vị đồng ý cho đi học, vui hơn là được lãnh nguyên lương và được cấp gạo nữa” – Họa sĩ Ngô Đồng hồi ức.

Đối thoại từ bãi tắm Hoàng hậu. Ngô Đồng. Sơn dầu. 110 x 140cm. 2019

“Bước qua cánh cổng trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (tiền thân là trường Mỹ thuật Gia Định) rồi thì tôi không còn muốn mơ điều gì cao hơn nữa. Nữ sinh trường Mỹ thuật đi học thường mặc áo dài, ở họ toát ra một vẻ đẹp cao quý khiến tôi cứ nghĩ có nằm mơ cũng khó thấy cảnh này” – Họa sĩ Ngô Đồng kể – “Tất nhiên cũng vấp phải nhiều khó khăn khi bước chân vào con đường mỹ thuật chuyên nghiệp, vì anh bộ đội từ trong rừng mới ra chỉ quen với báo tường với hai gam màu xanh và đỏ. Nhưng cuối cùng, may mắn là tôi đã tốt nghiệp Trung cấp loại giỏi và học hết hệ Đại học Mỹ thuật”.

Họa sĩ Ngô Đồng kể, dưới sự hướng dẫn của những người thầy như Hoàng Trầm, hai người thầy trẻ Ca Lê Thắng, Ðào Minh Tri và một số thầy cô khác đã giúp cho việc dạy và học ở trường Mỹ thuật Sài Gòn thời đó tốt hẳn lên.

“Những cái tên đáng nhớ như: Trần Anh Tuấn, Trần Hữu Tri, Nguyễn Thanh Bình, Hoài Hương, Hoàng Tướng, Nguyễn Trung Tín… là những ảnh hưởng quan trọng với tôi thời kỳ đó. Nguyễn Trung Tín học trên tôi một lớp, nhưng sau đó vì nhiều lý do mà ông quay lại học chung lớp với tôi. Khi Trung Tín vào học, tôi mới nhận ra là có những người rất giỏi, chuyên nghiệp, say mê nghề và hiểu sâu như Tín, mình còn phải cố gắng nhiều. Sau những ngỡ ngàng “hòa nhập, bám đuổi” ban đầu, chúng tôi cùng có hai bài tốt nghiệp đạt loại giỏi” – Họa sĩ Ngô Đồng kể.

Bóng hoàng cung. Ngô Đồng. Sơn dầu. 120 x 180cm. 2016

Nhớ lại nền mỹ thuật Việt thời kinh tế chưa mở cửa, họa sĩ Ngô Đồng cho hay, thời đó rất khó khăn. “Nhờ Hội giới thiệu, chúng tôi cũng nhận được những loạt tranh chép đình đám, lúc đầu ngồi chép tranh thì cũng hay vì toàn tiếp xúc với tranh danh họa nhưng rồi chép tranh mãi cũng buồn vì thấy đó vẫn không phải tranh mình. Giấc mơ của tôi vẫn là được ngồi vẽ. Từ năm 2006, gia đình con cái tương đối ổn định nên tôi rút hẳn về nhà ngồi vẽ. Lần triển lãm này chính là kết quả của cả quá trình vẽ từ năm 2007 đến nay” – Họa sĩ Ngô Đồng giãi bày.

“Tuy nhiên, triển lãm này không phải là một cuộc tổng kết, không phải trạm dừng chân mà là một giai đoạn. Ngay trong lúc đang rất bận chuẩn bị cho triển lãm này tôi vẫn vẽ tranh mới, sẽ không có chuyện dừng lại” – Họa sĩ Ngô Đồng quả quyết.

Họa sĩ Ngô Đồng kể, vùng đất ảnh hưởng nhiều nhất tới ông chính là Sài Gòn: “Sài Gòn chính là căn duyên lớn, là quê hương, đã cho tôi những gì thân thương nhất. Đi đâu cũng chỉ thích về Sài Gòn, vẫn muốn vẽ về Sài Gòn. Được vẽ và được học trường Mỹ thuật Gia Định chính là ước mơ lớn nhất đời và tôi đã đạt được điều đó”.

Họa sĩ Ngô Đồng đặc biệt thích xu hướng tranh hiện thực, nhất là cực kỳ thực và siêu thực. Nhưng ở giai đoạn mới bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, ông đã gặp nhiều bối rối. “Vì thời kỳ đó không ai chấp nhận lối vẽ đó, mà chỉ thích tranh vẽ theo lối hậu ấn tượng, phảng phất kiểu tranh của các họa sĩ Ðông Dương, lược giản hết mọi chi tiết và kết hợp với vẻ đẹp dân gian” – Họa sĩ Ngô Đồng kể.

Nhưng đến một lúc, họa sĩ cho hay, ông thấy thực sự chỉ có thiên nhiên là đẹp, cuộc sống sinh động mỗi ngày ngoài kia mới thật sự đẹp, cô gái chạy xe máy tóc bay tung kia, ánh trăng kia, mặt nước lung linh ánh mặt trời kia mới thật phong phú biết bao.

Bài ca biển ngọc. Ngô Đồng. Sơn dầu. 110 x 140cm. 2021

Có một nữ nhà báo người Ðức đọc báo, xem tranh Ngô Đồng và hỏi: “Tôi biết ông đã trải qua chiến tranh khủng khiếp và một thời gian dài kinh tế bao cấp đói khổ, sao không thấy những điều ấy trong tranh của ông?” Họa sĩ trả lời: “Bởi vì tôi rất căm ghét chiến tranh, rất sợ cảnh đói nghèo lam lũ, cũng rất ngại những thứ mệt đầu, nên tôi chỉ thích vẽ những gì đẹp đẽ, thanh bình, ấm áp. Tôi cũng chọn lối vẽ hiện thực vì muốn mọi người cảm nhận được ngay một cách dễ dàng điều mình muốn nói, không cần phải nghĩ ngợi cầu kỳ rắc rối”.

Chia sẻ về triển lãm đầu tiên mà ông tham gia, họa sĩ Ngô Đồng kể: “Triển lãm chính thức là triển lãm Trẻ toàn quốc năm 1984, tôi có vài tranh tham gia và được anh chị em đồng nghiệp cho là được. Cú hích quan trọng với tôi là huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000 cho bức tranh “Trong lòng thành phố”, với lối vẽ “thật thà”, hiện thực kết hợp nhiều không gian trong một tranh. Tôi nghĩ mình được duyệt treo, không bị loại đã là may, không ngờ còn được giải (năm ấy cả nước có 8 giải Bạc, không có giải Vàng). Giải thưởng ấy quá quan trọng với tôi, lấy lại cho tôi rất nhiều sự tự tin mà có lúc đã hoang mang muốn mất”.

Để nói về cuộc sống hiện nay, họa sĩ Ngô Đồng cho hay: “Trung bình là tôi làm việc 10 tiếng mỗi ngày, trong đó 8 tiếng ban ngày và 2 tiếng buổi tối. Đi chơi không làm tôi thấy thoải mái bằng được ngồi ở nhà và vẽ”.

 

Bây giờ tôi vẽ hiện thực vì ngày xưa đã vẽ siêu thực nhiều rồi. May là đến lúc cũng tỉnh ngộ. Khoảng thời gian từ 2007 đến nay tôi đã vứt hết những tranh cũ, trừ bức nào bán rồi thì thôi. Phải nói tôi tìm thấy mình rõ ràng nhất trong tranh hiện thực bắt nguồn từ đời sống thật. Rất nhiều bức tranh của tôi đã hình thành sau mỗi chuyến đi thực tế và tôi luôn thấy ấm áp, yên lòng với chúng. Kể từ khi quay trở lại với hiện thực thì thấy bình yên hẳn, thấy cuộc sống đẹp hơn và sẽ càng ngày càng đẹp” – Họa sĩ Ngô Đồng trải lòng.

Hoạ sĩ Ngô Đồng cho biết ông thường vẽ rất lâu. “Từ nền tôi đã vẽ kỹ rồi, tôi có thói quen chỉnh sửa rất nhiều. Nếu hoàn thành quá nhanh tôi sẽ trở nên nghi ngờ bản thân và tự kiểm tra lại ngay. Cho nên một năm chỉ vẽ được chục bức chứ không nhiều. Có một bậc thầy đã nói với tôi: Nếu tranh ông vẽ lâu thì người xem cũng sẽ xem được lâu. Đúng là vẽ kỹ có giá trị của nó cho nên từ khi có ý tưởng đến lúc hoàn thiện tôi không bao giờ dám ấn định thời gian. Tôi phải thật ưng ý chứ không chấp nhận nghệ thuật cầu may”.

Triển lãm “Ngô Đồng – Hiện thực đa chiều”  khai mạc lúc 10 giờ sáng ngày 20/5/2023, và sẽ kéo dài tới hết ngày 30/5/2023 tại Bảo Tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM).

 

 

Gia Anh (theo TTV)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *