Lựa chọn hát nhạc Trịnh là một thử thách lớn đối với Hoàng Dũng. Sinh thời cố nhạc sĩ từng viết: “Ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc để an ủi mình”. Với Hoàng Dũng, hát nhạc Trịnh vừa giúp anh rèn luyện trong việc thể hiện các ca khúc có chiều sâu ngữ nghĩa, vừa là cách để tưởng nhớ và tri ân người nhạc sĩ tài hoa.
Trước đó, bản hit Nàng thơ cũng được Hoàng Dũng sáng tác dựa trên cảm hứng từ mối tình của Trịnh Công Sơn và nàng thơ Dao Ánh. Ca khúc đạt gần trăm triệu lượt xem trên Youtube, góp phần đưa Hoàng Dũng đến với tên gọi “hoàng tử tình ca” của nhạc Việt.
Nhờ đó, Hoàng Dũng có phần tự tin hơn trong việc đưa giọng hát của mình vào tiếp nối tinh thần nhạc Trịnh. Đây có lẽ là mối duyên không lời giữa hai người nghệ sĩ thuộc hai thế hệ, thời đại khác nhau.
Nói riêng về Nắng thủy tinh, bài hát được sáng tác năm 1963, khi đó, Trịnh Công Sơn vẫn là một thanh niên 24 tuổi đang say đắm trong những ý niệm về tình yêu. Nắm được tinh thần này, Hoàng Dũng đã đưa tiếng hát đầy chất thơ của mình đi vào một cách nhẹ nhàng và chân thành: “Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm/ Rồi có hôm nào mây bay lên”.
Giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn nhận xét Hoàng Dũng có một chất giọng rất đặc biệt, nên bản phối anh làm cũng đơn giản để tôn chất giọng của ca sĩ. Từ đầu đến cuối chỉ có màu sắc chủ đạo là piano, nửa bài về sau có thêm tiếng guitar để khơi gợi hoài niệm cũng như thể hiện đúng tinh thần mộc mạc, cảm xúc tinh khôi của Nắng thủy tinh.
Qua cách hát dịu dàng, thơ mộng, Hoàng Dũng đã dẫn dắt người nghe đi vào bức tranh đẹp đẽ của một mối tình kéo dài 37 năm, mở ra những ngày đầu tiên gặp gỡ giữa chàng nhạc sĩ và nàng thơ Dao Ánh.
Những ca từ đẹp đẽ mà không sáo rỗng, buồn nhưng không bi lụy đã chạm đến ngõ ngách của cảm xúc như mưa dầm thấm đất. Qua năm tháng, Nắng thủy tinh không những không cũ kỹ, ủy mị mà còn được điểm thêm chất liệu thời gian, làm sâu thêm tính giá trị của bài hát.
Với tư duy âm nhạc nghiêm túc và văn minh, Hoàng Dũng không cố đưa những xu hướng chóng vánh của thời đại vào bài hát. Khác với sự rộn ràng của tình yêu mà Avin Lu, Suni Hạ Linh từng thể hiện trong Nắng thủy tinh trước đó, Hoàng Dũng lựa chọn cách hát từ tốn, mang theo những cảm xúc, suy tư về cuộc sống để làm hồn cốt cho bài hát.
Bởi riêng phần ca từ mà Trịnh Công Sơn viết ra đã đủ đẹp. Cách Dũng làm chỉ là gìn giữ và phô diễn để vẻ đẹp ấy chạm đến ngưỡng trọn vẹn nhất trong khả năng của mình.
Với nhạc Trịnh, rất khó để chạm đến sự hoàn hảo. Bởi nó là thứ nhạc của thời gian, được bảo chứng qua nhiều thế hệ. Nhiều sáng tác của vị nhạc sĩ tài hoa ấy đã đi sâu vào tiềm thức người Việt, được xướng lên bởi biết bao cái tên ca sĩ từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Trong đó không thể không kể đến: Khánh Ly, Hồng Nhung, Lệ Thu…
Với Hoàng Dũng, anh không tự nhốt mình vào căn phòng đã được dựng sẵn, không bước theo những lối đi được các nghệ sĩ khác vạch ra mà tìm cách mở ra cánh cửa mới đi vào nhạc Trịnh bằng cái nhìn của thế hệ gen Z.
Dũng tự nhận rằng mình còn nhỏ bé và âm nhạc của anh chưa thể đại diện cho tiếng nói của thế hệ. Nhưng với sự nghiêm túc và chỉn chu của mình, Dũng đã mang nhạc Trịnh đến gần hơn với thế hệ trẻ, để những câu hát của người nghệ sĩ tài hoa ngày càng lan rộng và được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt hơn.
Bởi lẽ, từ lâu nhạc Trịnh đã không đơn thuần chỉ là những câu hát cất lên từ tiếng lòng, mà rộng hơn, nó đã là một di sản của nhạc Việt với những giá trị chân – thiện – mỹ.
Người ta hát nhạc Trịnh ở mọi nơi, từ phòng trà cho đến liveshow hoành tráng, từ thính phòng cho đến hàng quán lề đường. Âm nhạc không có bất kỳ giới hạn nào. Thế hệ trước đã làm tròn trách nhiệm gìn giữ, thế hệ sau có nghĩa vụ kế thừa và làm mới nhạc Trịnh cho phù hợp dòng chảy âm nhạc đương đại.
Nhạc Trịnh như một dòng chảy vắt qua thời đại, không ồn ào, mạnh mẽ. Và thế hệ gen Z không phải ai cũng thích sự ồn ào, vội vã. Vẫn có những chàng ca sĩ thích hát tình ca, chọn một lối riêng cho mình như Hoàng Dũng. Bằng những bước đi tự tin và chắc chắn, Dũng đã góp phần làm sống dậy tinh thần nhạc Trịnh trong lòng người trẻ, để lời ca của người nhạc sĩ mãi trường tồn.