Yên Lạc là một vùng đất cổ, nằm ở phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xưa, nơi đây đã có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Thế kỷ X, tướng Nguyễn Khoan đã cát cứ ở đây để mở rộng địa bàn. Thời kháng chiến chống Pháp, Yên Lạc là vùng địch tạm chiếm, tiếp giáp với vùng tự do, nằm trên con đường huyết mạch tiếp tế sức người, sức của cho tiền tuyến. Bước sang kỷ nguyên hòa bình, Yên Lạc đóng vai trò là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài phát triển công nghiệp, dịch vụ, làng nghề ở Yên Lạc cũng góp phần không nhỏ vào kinh tế địa phương.
Hiện nay, huyện có 8 làng nghề được công nhận: Làng mộc truyền thống Lũng Hạ (xã Yên Phương), Làng mộc truyền thống Vĩnh Đoài (thị trấn Yên Lạc), Làng mộc truyền thống Vĩnh Đông (thị trấn Yên Lạc), Làng mộc truyền thống Thôn Vĩnh Trung (thị trấn Yên Lạc), Làng mộc truyền thống Thôn Vĩnh Tiên (thị trấn Yên Lạc), Làng tái chế nhựa thôn Đông Mẫu (xã Yên Đồng), Làng chế biến bông vải sợi truyền thống Thôn Gia (xã Yên Đồng), Làng chế biến tơ nhựa Tảo Phú (xã Tam Hồng).
Làng mộc phát triển mạnh ở thị trấn Yên Lạc
Theo các cụ cao niên kể lại, nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc đã có từ hàng trăm năm nay, trở thành nghề kiếm sống của những người thợ trong làng. Sau này một số người đang làm nghề ở các nơi đã trở về quê hương và lập nên hợp tác xã Minh Tiến chuyên sản xuất mây tre đan và đồ mộc xuất khẩu.
Các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của địa phương đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, có mặt từ Bắc vào Nam và có nhiều sản phẩm do có ưu thế riêng nên đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Mỹ, Tây Ban Nha..
Vào những ngày giáp Tết, không khí khẩn trương, hăng say bao trùm khắp các con ngõ, xưởng mộc trong thị trấn. Các xưởng mộc không lúc nào vắng đơn hàng và thu nhập của người lao động cũng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Khác với nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một và khó thu hút lao động trẻ theo nghề, ở thị trấn Yên Lạc, nghề mộc được thanh niên trẻ tích cực học và nối nghiệp cha ông. Trong những nhà làm nghề, nhiều trẻ em mới học cấp 2 đã biết làm những việc đơn giản như đánh giấy ráp, cầm máy…
Chế biến tơ nhựa, bông vải sợi cũng đem đến nguồn thu đáng kể cho một số làng nghề ở Yên Lạc
Đông Mẫu, Tảo Phú, Thôn Gia đều được công nhận là những làng nghề thủ công nghiệp. Trước đây, các làng nghề ở Yên Lạc chủ yếu làm mây tre đan hoặc làm mộc, nhưng sau đó, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu về các sản phẩm mây tre đan không nhiều như trước nên người dân ở các làng nghề đã chuyển sang hình thức kinh doanh mới – chế biến tơ nhựa, bông vải sợi.
Người dân nơi đây rất nhạy bén, năng động, nắm bắt được nhu cầu thị trường thời đổi mới, biết tận dụng nguồn nguyên liệu nhựa phế liệu dồi dào. Nhiều hộ dân đã đầu tư sắm máy móc, mở xưởng sản xuất quy mô lớn. Từ chỗ kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã trở nên khá giả. Huyện Yên Lạc ngày một thay da đổi thịt cũng nhờ những làng nghề như thế.
Không thể phủ nhận những đóng góp của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế của huyện Yên Lạc nói riêng, của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, nhưng việc mở rộng sản xuất quy mô làng nghề ở địa phương này vẫn tồn tại những bức xúc, đặc biệt là vấn đề môi trường.
Phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề có quy mô nhỏ, tận dụng lao động nông nhàn, cơ sở sản xuất đặt ngay tại các hộ gia đình và trong các khu dân cư đông người. Cơ sở hạ tầng của các địa phương làng nghề ở mức thấp, không có các hệ thống thu gom xử lý chất thải hoặc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất làng nghề. Để phát triển làng nghề bền vững, vấn đề môi trường cần được xem xét một cách nghiêm túc.
L.H/Theo TTV24