Làng nghề làm trống trăm năm tuổi

12:00 | 12/07/2024
Làng nghề làm trống Bắc Thai nổi tiếng và được biết đến như một sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Tĩnh. Nghề làm trống đã gắn bó với người dân nơi đây khoảng 100 năm, dù trải qua nhiều khó khăn, nơi đây vẫn giữ nghề như một nét văn hóa riêng.
Nghề làm trống ở làng Bắc Thai (xã Thạch Hội, huyện Thạch, tỉnh Hà Tĩnh) đã gắn bó với người dân nơi đây khoảng 100 năm. Trong đó, nhiều hộ có 3-4 thế hệ cùng làm trống.

Để làm trống, phải trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên có ba bước quan trọng nhất: Làm da, chang và bưng trống. Đầu tiên, da chọn làm trống phải là da bò, không được tẩm ướt, làm sạch, phơi nắng 5-7 ngày.

Khi nào da bò khô, đạt được độ dai, gõ tiếng tạo ra âm thanh bộp bộp, lúc ấy mới làm được trống.

Còn phần Tang trống được làm bằng gỗ mít khô và xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm khác nhau. Sau đó, thợ làm trống sẽ làm cho các dăm được gắn kết lại với nhau, tạo thành một chiếc trống kín, khít và tròn.
Người làm nghề cho biết loại gỗ được chọn làm trống là mít già, trên chục năm tuổi, ít có độ giãn nở, âm thanh tạo cũng chất lượng. Để mua được những khối gỗ này, người thợ phải lên tận miền núi huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê để đặt mua.
“Âm thanh của trống mỗi chiếc cho ra âm khác nhau. Như trống lân, phải giòn giã, trống hội thúc giục còn trống chầu phải trầm bổng, êm ái. Để làm được trống đạt chất lượng về âm thanh, mẫu mã đẹp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, đôi tai phân âm chuẩn”, ông Bùi Văn Tráng (67 tuổi) cho hay.
Anh Bùi Văn Đồng (41 tuổi) đang cần mẫn với công đoạn khâu múi nối giữa tấm da bò đã phơi khô, cạo sạch.
Gia đình ba đời theo nghề làm trống, anh Đồng được đánh giá là người trẻ mà khéo tay ở làng. Trống được anh làm quanh năm, hết làm trống mới đến thay da trống cũ cho khách hàng.
Khi da bò được căng trên tang trống, người thợ phải trèo lên trên, đôi bàn chân nhảy nhịp nhàng để tạo độ giãn. “Tùy theo trống, trống càng lớn thì phải nhảy 3-4 lần, còn trống nhỏ hơn thì 2 lần. Nhảy xong lại tiếp tục căng dây, làm sao mặt da phải căng, không ấn xuống được nữa, lúc đó mới đạt”, anh Đồng chia sẻ.
Hiện làng Bắc Thai sản xuất khoảng 2.000 trống các loại. Nghề làm trống đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động.
Sản phẩm trống Bắc Thai góp mặt ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nghề làm trống từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của làng quê này. Những sản phẩm trống của làng Bắc Thai bền, đẹp, tiếng kêu tròn vang nên được nhiều thị trường khó tính khắp cả nước ưa chuộng.

Theo Tiền Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *