Lời Cảnh Báo: Lợi bất cập hại khi tự ý dùng thuốc điều trị Covid 19

23:14 | 16/03/2022

Trước thực trạng số ca F0 đang tăng nhanh, không ít người đang rất hoang mang giữa hàng loạt thông tin về những đơn thuốc chữa Covid 19 đang được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Chương trình Lời Cảnh Báo tháng 3 đã dành 2 số phát sóng để cung cấp nhiều thông tin cần thiết này cho khán giả.

FO tự ý dùng thuốc để điều trị liệu có an toàn?

Hiện nay việc người bị mắc Covid 19 tự mua thuốc điều trị tại nhà đang trở thành nỗi lo về tác dụng phụ hay ít nhất cũng là việc lãng phí túi tiền của người bệnh bởi những đơn thuốc truyền miệng. Vậy việc tự ý mua thuốc điều trị Covid không theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế gây ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ? Không khó khi chỉ một cú nhấp chuột là đã ra hàng loạt thông tin quảng cáo bán thuốc kháng virus được cho là chữa Covid-19. Rồi kèm theo là thuốc kháng viêm, thuốc chống đông… giống như các gói thuốc được y tế cơ sở cấp phát cho các F0. Các loại thuốc này đều được quảng cáo là hàng xách tay, chất lượng bảo đảm. Tuy nhiên theo các bác sĩ thì việc tự ý mua thuốc theo các đơn truyền miệng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng bởi không phải ai cũng hiểu được tác dụng, liều lượng của từng thành phần thuốc hay cả đơn thuốc đối với bệnh trạng và thể trạng riêng của từng người.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Năm đã cho biết: Thuốc được kê toa theo Tây y đều cần phải uống đúng thời điểm, đúng chỉ định. Nếu không làm đúng thì tác động thấy rõ ràng nhất chính là làm hại gan, thận có thể gây suy gan, suy thận, thậm chí là loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Chương trình có đưa đến một số trường hợp bị mắc Covid đã tin lời vào những đơn thuốc truyền miệng để mua theo, kết quả là bệnh càng nặng thêm. Thực trạng F0 lúng túng khi nhận được quá nhiều lời khuyên của các F0 đã khỏi bệnh, mỗi lời khuyên lại khác nhau khiến họ hoang mang hơn. Đã có nhiều trường hợp sau khi uống thuốc thì bị hoa mắt chóng mặt muốn ngất xỉu vì uống 2 loại thuốc có thành phần giống nhau cùng một lúc nhưng khác tên.

Chương trình đã đưa ra lời khuyên rằng kháng sinh không phải là thuốc diệt virus nên không thể tự ý dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ. Có những đơn thuốc chỉ hiệu quả với người này nhưng lại không thích hợp với người khác. Do đó khi bị nhiễm thì cần liên hệ với các cơ quan y tế để được tư vấn mua thuốc điều trị phù hợp.

Link chương trình: https://www.thvl.vn/tong-hop/loi-canh-bao-tong-hop/loi-bat-cap-hai-khi-tu-y-dung-thuoc-de-dieu-tri-covid-19-2/

Cảnh giác tư vấn trên mạng cho F0 để bán thuốc

Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều hội, nhóm được thành lập nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin điều trị COVID-19 tại nhà. Bên cạnh những hội, nhóm là những người trong ngành y tế có chuyên môn tốt, hỗ trợ tích cực cho người dân thì cũng có không ít người đã mạo danh nhân viên y tế để nhắn tin tư vấn bán thuốc chữa bệnh gây ra nhiều hệ lụy khác nhau. Chương trình Lời Cảnh Báo số phát sóng vào tuần này sẽ đưa ra những tiềm ẩn của việc tự mua thuốc chữa trị Covid-19 thông qua mạng xã hội.

 

Chỉ cần gõ từ khóa “hỗ trợ, tư vấn F0 cách ly tại nhà”, hàng loạt hội, nhóm hiện ra với đa dạng những bài viết tư vấn, hỗ trợ các loại thuốc chữa trị Covid-19 tại nhà. Điều đáng nói, lợi dụng tâm lý lo lắng của nhiều bệnh nhân, các đối tượng xấu đã lập ra những hội, nhóm với vỏ bọc hỗ trợ, tư vấn cho f0 để chào bán các loại thuốc với mẫu mã đa dạng. Chương trình đã nêu một trường hợp: Vì sống một mình và lo lắng khi mắc bệnh nên bệnh nhân này đã tham gia vào các hội, nhóm tư vấn, hỗ trợ f0 tại nhà. Sau khi tìm hiểu và thấy có người bán thuốc phù hợp với các triệu chứng gặp phải, bệnh nhân này đã mua về sử dụng, tuy nhiên kết quả lại không như mong muốn. Bên cạnh việc thành lập hội, nhóm giả mạo, các đối tượng còn mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh. Người mạo danh bác sĩ thường bình luận vào các bài viết của F0, tự xưng là bác sĩ, có chuyên môn ở bệnh viện lớn, sau đó nhắn tin riêng cho người bệnh để tư vấn bán thuốc điều trị. Họ sẽ thông tin những hậu quả lâu dài mà người bệnh mắc phải, gây tâm lý lo lắng cho bệnh nhân. Sau đó, họ tự xưng là bác sĩ chuyên môn đã điều trị khỏi bệnh cho nhiều người để tạo uy tín. Ngoài ra, những người này còn dùng “chiêu thức” đăng bài lên các hội nhóm chia sẻ các loại thuốc như: “Tôi đã dùng thuốc này và âm tính sau 3 ngày, hay tôi mua thuốc này dùng để điều trị COVID-19 được không?”. Nhìn qua thì giống như một bài nhờ tư vấn hay chia sẻ cách điều trị, tuy nhiên sau đó sẽ có người giả làm bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh vào bình luận nói tốt về thuốc để đánh lừa bệnh nhân.

Có thể thấy, việc người mắc COVID-19 tự mua thuốc thông qua chỉ dẫn, tư vấn trên mạng xã hội là rất đáng lo ngại bởi dùng không đúng loại, không đúng liều lượng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí, nhiều loại thuốc có nguồn gốc nước ngoài được đưa về Việt Nam dưới hình thức xách tay, nhập lậu rồi tư vấn, chào bán cho người bệnh trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Theo các chuyên gia y tế, việc người bệnh quá lo lắng, mua thuốc và nghe theo lời hướng dẫn của các bài viết, hội, nhóm trên mạng xã hội có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Do vậy, mỗi người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc được mua bán, trao đổi thông qua các hội, nhóm  trên mạng xã hội. Đồng thời, khi gặp tình trạng trên cần phản ánh, báo cáo đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Để có thêm những kiến thức phòng tránh các chiêu thức lừa đảo vì lợi dụng dịch bệnh hiện nay, mời quí khán giả cùng đón xem các số phát sóng của chương trình “Lời cảnh báo” lúc 19h50 tối thứ Hai và thứ Tư trên THVL1.

 

Gia Anh (theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *