Chiều 11/4, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc làm việc của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, phê duyệt chương trình công tác năm 2023 và chỉ đạo, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong thời gian tới. Về phía Bộ VHTTDL có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.
Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, bộ máy và nhân sự của Hội đồng đã được điều chỉnh, bổ sung, kiện toàn sát với yêu cầu nhiệm vụ. Hội đồng nhiệm kỳ 2021 -2026 gồm 35 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch và 29 ủy viên.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, năm 2022, Hội đồng đã tổ chức thành công 2 hội nghị tập huấn về chủ đề “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới” tại khu vực phía Bắc và phía Nam với sự tham gia của 538 học viên là lãnh đạo, chuyên viên Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy phụ trách văn hóa – văn nghệ, cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa – văn nghệ, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản…
Hội đồng đã tổ chức thành công Lớp bồi dưỡng “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình VHNT – Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu trẻ”. Với vai trò là cơ quan tổ chức, chủ trì cùng với uy tín, thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, Hội đồng đã phát huy rất hiệu quả trí tuệ tập thể, quy tụ tâm và tài, năm 2022 Hội đồng đã tổ chức các hội thảo và tọa đàm khoa học để nhìn nhận, phân tích, đánh giá, định hướng, giải quyết đúng đắn, khoa học các hoạt động sáng tạo quảng bá, lý luận, phê bình…
Hội đồng có đóng góp quan trọng vào thành công của các Hội thảo như: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2022 với chủ đề Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”…
Báo cáo cũng chỉ ra những nhiệm vụ mà Hội đồng đã triển khai như: Thực hiện nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật, làm tốt nhiệm vụ là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, xây dựng lực lượng làm công tác lý luận, phê bình VHNT; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; Thực hiện tốt các nhiệm vụ do Ban Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giao. Báo cáo cũng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cụ thể: Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình VHNT cho các học viên khu vực phía Nam và phía Bắc, dự kiến trong tháng 6.2023; Tổ chức 2 Hội nghị tập huấn công tác lý luận, phê bình VHNT khu vực phía Nam và phía Bắc dự kiến trong tháng 8.2023; Tổ chức xét và trao tặng thưởng của Ban Bí thư đối với các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT đạt chất lượng cao xuất bản năm 2022; Tổ chức xét duyệt, ký hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT triển khai trong năm 2023; Tổ chức Tọa đàm khoa học “80 năm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh” dự kiến trong tháng 9.2023; Tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng (9.2023); Tham gia đề án tổng kết văn học, nghệ thuật qua 50 năm thống nhất đất nước của Ban Tuyên giáo Trung ương; Tham gia đề án tổng kết 40 năm đổi mới đất nước (1986-2026) của Ban Tuyên giáo Trung ương…
Trong số các đề xuất và kiến nghị của Hội đồng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng đã có trao đổi về hai nội dung. Thứ nhất về đề xuất tặng thưởng của Ban Bí thư đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật diễn ra hằng năm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tổ chức thực hiện. Hội đồng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và xếp các công trình, tác phẩm được trao Tặng thưởng có giá trị tương đương với các giải thưởng của các ban, bộ, ngành Trung ương. Thứ trưởng cho biết việc thực hiện xét tặng các giải thưởng về Văn học nghệ thuật vẫn được Bộ VHTTDL thực hiện theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học, nghệ thuật, vì vậy nếu các cơ quan chức năng xem xét thấy cần sắp xếp các công trình, tác phẩm trao tặng thưởng của Hội đồng đưa vào xét tương đương thì cần có sự trao đổi để thống nhất điều chỉnh Nghị định.
Về nội dung thứ hai, Hội đồng đề nghị trong quá trình xét chọn các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, về khoa học và công nghệ thì nên có đại diện lãnh đạo của Hội đồng tham gia các Hội đồng các cấp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, lâu nay trong quá trình xét chọn các giải thưởng này, Bộ VHTTDL luôn trân trọng và đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận thuộc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng như lãnh đạo Hội liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và lãnh đạo các hội chuyên ngành trung ương và địa phương tham gia vào quá trình xét chọn giải thưởng các cấp hội đồng của Bộ VHTTDL.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã biểu dương những kết quả mà Hội đồng đã đạt được trong năm 2022, điều này đã khẳng định rất rõ vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của Hội đồng trong sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Đảng luôn luôn quan tâm đến văn học – nghệ thuật, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, sự quan tâm đó ngày càng tăng cường, nâng cao với những mong muốn, quyết tâm rất lớn. Đảng yêu cầu công tác phê bình, lý luận văn học nghệ thuật phải gắn chặt với thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một dung lượng rất lớn, sâu sắc thể hiện quan điểm về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của đất nước.
Với sự quan tâm chỉ đạo đó của Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam sau Đại hội XIII đã có những sự kế thừa, khởi sắc mới, phong phú, đa dạng.
Lưu ý công việc và nhiệm vụ cần thực hiện của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trong năm nay và những năm tiếp, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, Hội đồng cần tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả trong đổi mới nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Qua đó, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước về những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật tầm nhìn 2030 – 2045.
Trong đó, cần xác định các chương trình trọng tâm để nghiên cứu. Cần có sự liên kết, thống nhất đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật nói chung và công tác lý luận văn học nghệ thuật nói riêng vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, hướng tới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; dân chủ, nhân văn.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là tư vấn giúp Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả xét tặng thưởng và hỗ trợ những tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hằng năm. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, chất lượng giải thưởng và con người được lựa chọn đều phải thật sự xứng đáng.
Với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng Hội đồng sẽ tiếp tục phát huy cao nhất những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà./.