Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong với đôi tay tài hoa đã tạo ra hàng trăm tác phẩm kim hoàn tinh xảo, góp phần gìn giữ nghề kim hoàn Cố đô.
Người giữ lửa kim hoàn xứ Huế
Huế là vùng đất mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh là nơi hiếm hoi còn lưu giữ lại những di tích lịch sử về triều đại phong kiến cuối cùng, Huế còn là nơi bảo tồn, phát huy rực rỡ các làng nghề truyền thống, trong đó nghề chế tác kim hoàn vẫn còn lưu lại nhiều giá trị.
Sử cũ kể rằng, nghề kim hoàn xứ Huế ra đời vào cuối thế kỷ 18, do các nghệ nhân từ Thanh Hóa di cư vào truyền nghề. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm cùng thế sự, nghề kim hoàn đất Cố đô có thời kỳ tưởng như mai một, nhưng nhờ sự chăm chỉ gầy dựng của lớp lớp con cháu, nên nghề xưa không những được bảo tồn mà còn phát triển rộng khắp hơn so với trước.
Đặc biệt, làng nghề kim hoàn Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) – nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề chế tác kim hoàn xứ Việt Nam. Hơn 200 trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi mang theo nghiệp tổ truyền bá khắp nơi trong và ngoài nước. Nơi đây có người con của làng là Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong đã có nhiều đóng góp để giữ hồn nghề truyền thống.
Nghệ nhân Trần Duy Mong là hậu duệ của dòng họ Trần Duy làng Kế Môn, theo nghề kim hoàn từ năm lên 15 tuổi, đến nay đã gần 50 năm theo nghiệp tổ.
Từ thuở nhỏ, Nghệ nhân Trần Duy Mong đã có ước mơ trở thành một người thợ kim hoàn. Ước mơ cháy bỏng đó đã thôi thúc ông tìm thầy giỏi để học nghề. Ông trải lòng, ngày đó học nghề rất vất vả, gánh nước thổi lửa cả ngày không được tận tay sờ vào miếng vàng, miếng bạc vì quan niệm thợ kim hoàn phải am hiểu về thủy và hỏa mới được động đến kim. Cùng với đó, nghề yêu cầu sự cẩn trọng tỷ mỉ nên nếu nhanh cũng mất 3 đến 5 năm mới nắm được các kĩ thuật cơ bản. Hơn nữa, thợ kim hoàn còn cần tài năng của người nghệ sĩ để các sản phẩm mình làm ra mang những vẻ đẹp riêng.
Nhưng với sự rèn luyện của bản thân, nghệ nhân Trần Duy Mong được thầy tin tưởng và sớm truyền nghề. Đến nay, với hơn 50 năm theo nghề, ông đã trở thành lão làng trong nghề chế tác kim hoàn xứ Huế. Ông liên tục giành nhiều giải thưởng lớn tại các kì thi uy tín, điển hình như tác phẩm: “Quạt cung đình Huế” (Giải Ba Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng năm 2008), “Hài cung đình Huế xưa” (Giải Ba Hội thi sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2009), “Tranh hộp 3D Lầu Ngũ Phụng – Đại Nội Huế” (Giải Nhất cuộc thi sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng Huế 2017), và nhiều giải thưởng tại các kì Festival nghề truyền thống Huế…
“Tôi luôn tự hào vì là người con của làng kim hoàn Kế Môn. Đó là động lực để tôi cố gắng. Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn nhủ lòng phải cố gắng đề làm rạng danh của làng kim hoàn Kế Môn…” , Nghệ nhân Trần Duy Mong trải lòng.
Nghệ nhân Trần Duy Mong cũng đã đào tạo ra nhiều thế hệ với hàng trăm thợ kim hoàn hiện đang hành nghề khắp cả nước. Ông luôn mong muốn thế hệ sau làm rạng rỡ thêm nghề kim hoàn của của xứ Huế nói riêng và nghề kim hoàn trên cả nước nói chung. Đó là trách nhiệm với những bậc tiền bối của nghề kim hoàn.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành công nghệ chế tác trang sức phát triển mạnh như hiện nay, nghề kim hoàn truyền thống phải chịu một sức ép không hề nhỏ, nhưng ông tin rằng với vẻ đẹp và sự độc đáo riêng có, kim hoàn truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng riêng, nếu ta biết phát huy thế mạnh của nó.
Lựa chọn con đường gìn giữ và phát huy nghề truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng với tâm huyết với nghề, nghệ nhân Trần Duy Mong hy vọng rằng nghề kim hoàn xứ Huế nói riêng sẽ góp một phần không nhỏ vào thành công của nghề hoàn kim trên cả nước nói chung cũng như góp phần phát triển rực rỡ những ngành nghề truyền thống, mang đậm dấu ấn lịch sử.
Hơn 200 trăm năm kim hoàn xứ Huế
Theo sử sách ghi lại, Đệ nhất tổ sư của nghề kim hoàn xứ Huế là Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng với niềm đam mê lớn trong người thợ trẻ Cao Đình Độ muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc, ngày đêm luôn thôi thúc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Với lòng hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm kim hoàn người Hoa ở Thăng Long (Hà Nội) cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông.
Năm 1783, ông đã cùng vợ con vào nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một người thợ thành thục trong nghề kim hoàn tại Thuận Hóa. Và ông Cao Đình Độ còn truyền nghề cho một số học trò thuộc hai họ Huynh Công và Trần Mạnh. Về sau, hai họ Huynh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu. Hoạt động truyền nghề đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong lúc bấy giờ.
Vào ngày 27 tháng 2 năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi, được nhà vua và triều đình truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư” và ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế). Mặc dù còn được kế tục sự nghiệp quản lý của cha trong triều, nhưng bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian. Vì thế, ông Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê để tìm người nối nghiệp gia đình.
Ngày 7 tháng 2 Âm lịch (8/2/1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ phần tổ phụ tại ấp Trường Cởi. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng khắp trong dân gian.
Theo lời thầy dặn, 6 đệ tử của ông Cao Đình Hương đã chia nhau làm hai hướng để truyền nghề kim hoàn trong thiên hạ. Ba anh em họ Trần ngược ra Bắc Hà, đến Thăng Long mở lò thợ bạc, thu nhận đệ tử. Ba anh em họ Huynh lại xuôi vào Nam. Nhưng dù đi ngược về xuôi truyền nghề, làng Kế Môn vẫn là cái nôi của nghề kim hoàn xứ Huế.
Hơn 200 trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi mang theo nghiệp tổ truyền bá khắp nơi trong và ngoài nước.
Các sản phẩm của nghệ nhân đến từ làng nghề kim hoàn Kế Môn thể hiện trình độ cao về thẩm mỹ, mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam. Những nghệ nhân tài hoa đã chế tác nên những tác phẩm nghệ thuật theo quy trình khắt khe, tinh túy về giá trị thẩm mỹ, tạo nét riêng trong từng sản phẩm.
Với niềm đam mê, lòng yêu nghề, những người thợ kim hoàn đã cho ra đời những sản phẩm tâm huyết. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng cái hồn rất nghệ sĩ của từng người thợ, đó cũng chính là thành công của người thợ Kế Môn.