“Nhà chứa quỷ” tận dụng chất liệu kinh dị từ bối cảnh chung cư cũ và các quan niệm tâm linh cổ xưa. Song, việc lạm dụng những màn hù họa rẻ tiền lẫn kịch bản nhạt nhòa khiến chất lượng tác phẩm chỉ ở mức thấp.
Genre: Kinh dị, tâm linh
Director: Chih-Wen Hsie
Cast: Xiao Xun, Yukan Temu…
Rating: 4.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Nhà chứa quỷ khai thác câu chuyện kinh dị tại một khu chung cư cũ, nơi từng xảy ra những vụ án mạng kinh hoàng, từ đó chất chồng oán khí. Đây vốn là ý tưởng không quá mới lạ, đặc biệt xuất hiện nhiều trong các bộ phim kinh dị – tâm linh châu Á. The Tag-Along (2015) của Đài Loan, Apartment 1303 3D (2012) của Nhật Bản hay Keeper of Darknes (2015) của Hong Kong là những tác phẩm điển hình.
Cảm giác ngột ngạt, ẩm thấp của không gian sống, những hành lang chật hẹp lan tỏa sự bất an cùng với đó là sự phức tạp của cộng đồng dân cư là những điểm đặc trưng, giúp câu chuyện ma quái trong các khu chung cư cũ mang nét rùng rợn riêng, khó lỗi thời.
Nhà chứa quỷ khai thác tốt những đặc trưng đó nhờ khâu thiết kế bối cảnh tương đối ổn. Song, tác phẩm lại thiếu sáng tạo trong việc xây dựng các yếu tố kinh dị khác, từ đó khiến chất lượng giảm đi trông thấy.
Chất liệu kinh dị cũ kỹ, nhàm chán
Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, bối cảnh của phim là tòa nhà Jin Xin – một trong những địa điểm bị ma ám nổi tiếng nhất ở Đài Loan. Câu chuyện theo chân Bội Chi (Xiao Xun), một thầy trừ tà trẻ có quá khứ gắn liền với địa điểm trên. 20 năm trước, mẹ của cô đã phóng hỏa tầng 4 của tòa nhà và tự sát, làm 19 người thiệt mạng.
Đến Jin Xin, Bội Chi mong muốn có thể hóa giải oán hận của 19 hồn ma kia cũng như tìm ra sự thật đằng sau việc làm kinh khủng của mẹ cô năm xưa. Trên hành trình đó, cô đồng hành cùng Thiệu Quân (Yukan Temu), một tiểu thuyết gia kinh dị.
Nhà chứa quỷ chủ đích đan cài những quan niệm tâm linh của người Hoa, như chi tiết tầng 4 ở những tòa chung cư gắn liền với cái chết, hay việc những cô gái mang váy đỏ khi chết đi thường sẽ hóa thành quỷ. Cách làm này một phần tạo ra mối liên kết giữa khán giả và tác phẩm, phần khác kích hoạt nỗi sợ về các yếu tố tâm linh vốn đã có sẵn ở người xem.
Ngay từ đầu phim, việc bối cảnh chung cư cũ được làm tốt đã ít nhiều phát huy tác dụng. Bầu không khí ngột ngạt ngay lập tức đưa khán giả vào chuyện phim, để họ phần nào cảm nhận được những uẩn khuất nơi tòa chung cư xập xệ.
Phần âm thanh được làm ổn thỏa cũng đóng góp lớn vào việc tạo dựng bầu không khí âm u, đầy bất an ở đầu tác phẩm. Từ tiếng những bước chân lúc gấp gáp lúc rề rà do lo sợ cho tới những vang vọng ở hành lang, tất thảy đều cho thấy sự chân thật, gây cảm giác rùng rợn.
Tuy nhiên, đó lại là tất cả những gì Nhà chứa quỷ làm được.
Không để khán giả ở lại với cảm giác bất an, hồi hộp quá lâu, tác phẩm ngay lập tức thiết lập những màn hù dọa, với mục đích đẩy cảm xúc lên mức cao hơn. Tuy nhiên, cách thức dàn dựng những cảnh kinh dị này lại không quá mới mẻ, chủ yếu là việc đặt máy quay vào góc nhìn nhân vật để khán giả sống trong cảm giác sợ sệt của họ, hay như việc liên tục tung ra những màn jumpscare (hù dọa bất ngờ).
Một mặt, cách làm này đã xuất hiện trong hàng trăm tác phẩm kinh dị trước đây. Mặt khác, Nhà chứa quỷ còn lạm dụng nó một cách thiếu tính toán, từ đó khiến phần lớn những phân đoạn trở nên nhạt nhòa, gây mệt mỏi nhiều hơn là sợ sệt.
Một điểm trừ khác của phim là âm nhạc. Nhà chứa quỷ chưa cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng cho nhạc phim, dù phần lớn thời lượng tác phẩm đều sử dụng nhạc nền. Với nhịp điệu dồn dập thường thấy trong các phim kinh dị, những đoạn nhạc trong phim được sản xuất tương đối quen thuộc, vừa thiếu sáng tạo vừa dễ khiến khán giả đoán ra tình tiết phim.
Ý tưởng tiềm năng nhưng thể hiện nhạt nhòa
Nhà chứa quỷ sở hữu một ý tưởng tương đối tốt, khi mọi con ma đều có tính người và có lý do khiến chúng vẫn ở lại quấy nhiễu dương gian. Từ đó, phim muốn làm bật lên nỗi đau, sự luyến tiếc của những người phải chia xa do cách biệt âm dương. Đây có thể xem là điểm cộng lớn nhất của tác phẩm.
Tuy nhiên, dù sở hữu một ý tưởng giàu tiềm năng như vậy, Nhà chứa quỷ lại có cách triển khai khá vụng về, kém ấn tượng.
Tác phẩm có nhiều phân đoạn muốn đẩy mạnh cảm xúc của khán giả, song lại thiếu đi những xây đắp kỹ càng từ trước để những chi tiết đó hiện lên thuyết phục. Các phân đoạn nặng cảm xúc thường bất chợt xuất hiện, từ đó khiến khán giả khó đồng cảm.
Thêm vào đó, bầu không khí phim còn bị loạn bởi tác phẩm sa đà vào việc kể lể quá khứ. Tuyến truyện về mẹ Bội Chi 20 năm trước xuất hiện dày đặc, xen kẽ với những phân đoạn hù dọa vừa phá dỡ không khí kinh dị của tác phẩm vừa gây cảm giác nhàm chán.
Đặc biệt, xây dựng và phát triển nhân vật chính là điểm yếu nhất của tác phẩm. Nhà chứa quỷ chỉ dài vỏn vẹn 83 phút, một con số tương đối ngắn, vì thế đòi hỏi chuyện phim phải thật cô đọng, giản lược các chi tiết thừa thãi. Tuy nhiên, tác phẩm lại ôm đồm quá nhiều, khiến các nhân vật mất đi thời lượng để phát triển.
Nhân vật chính Bội Chi và người đồng hành cùng cô – Thiệu Quân đều được xây dựng nhạt nhòa, thiếu đi quá trình phát triển. Họ chưa cho thấy sự thay đổi sau những gì đã trải qua. Hành trình của họ kém thú vị, không có vấp ngã, không có khó khăn cũng như không có bất kỳ lớp nghĩa nào được vỡ lẽ.
Mối quan hệ của họ cũng nhạt nhòa không kém. Cách Bội Chi và Thiệu Quân gặp gỡ và kết nối với nhau được làm sơ sài, thiếu chỉn chu , từ đó khiến người xem khó đồng cảm.
Bàn về diễn xuất, cả Xiao Xun và Yukan Temu đều có những màn trình diễn không quá nổi bật. Các biểu cảm của họ đa phần đơn điệu, thiếu điểm nhấn, chưa gây được ấn tượng về kỹ nghệ diễn xuất. Song cũng khó trách Xiao Xun và Yukan Temu, bởi hai vai diễn thầy trừ tà và tiểu thuyết gia của họ đều được xây dựng không tốt, khiến cả hai không có quá nhiều đất diễn.
Thực chất, Nhà của quỷ cho thấy sự dụng công nhất định trong khâu thiết kế bối cảnh và lên ý tưởng. Phim cũng không có quá nhiều chi tiết ngớ ngẩn, thế nên nếu gọi đây là “thảm họa điện ảnh” thì có phần nặng nề. Song, đứa con tinh thần của đạo diễn Chih-Wen Hsieh còn khoảng cách rất xa để trở thành một tác phẩm kinh dị thực thụ.