Nhà thiết kế Tăng Thành Công và tình yêu vải vóc

14:58 | 26/08/2024
Cứ mỗi lần tung ra bộ sưu tập, cái tên Tăng Thành Công lại được nhắc nhớ. Sau bao nhiêu năm làm nghề, tình yêu vải vóc, khát khao làm đẹp cho mọi người vẫn còn nguyên vẹn nơi anh.

Tăng Thành Công không phải tân binh của làng mốt Việt nhưng với lĩnh vực thiết kế trang phục văn hóa dân tộc, anh là cái tên mới. May mắn, ngay lần chào sân, ý tưởng của Tăng Thành Công được công chúng đón nhận. Sau bao nhiêu năm làm nghề, tình yêu vải vóc, khát khao làm đẹp cho mọi người vẫn còn nguyên vẹn nơi anh.

Lựa chọn khác biệt

Mấy năm qua, những sân chơi thiết kế trang phục dân tộc ra đời liên tục tại các cuộc thi nhan sắc trong nước. Nhiều nhà thiết kế (NTK) được chọn mặt gửi vàng để làm huấn luyện viên. Nhiều người được đặt hàng để thực hiện trang phục cho các người đẹp đi thi quốc tế. Tăng Thành Công từng nghĩ anh chỉ đứng ngoài những cuộc chơi này.

Một thiết kế thuộc bộ sưu tập váy cưới Hoa ca của nhà thiết kế Tăng Thành Công do các thí sinh Miss Grand Vietnam 2024 trình diễn tại Vietnam Beauty Fashion Fest diễn ra cuối tháng Bảy tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận – Ảnh: Kiếng Cận

Nhưng thời trang là thế giới của những phép thử, những lần vượt rào, bước ra khỏi khuôn khổ. Những ngày tháng Bảy, trên sân khấu Hoa hậu Siêu quốc gia 2024 – Miss Supranational 2024 diễn ra tại Ba Lan, bộ cánh của đại diện Việt Nam trong phần thi trang phục dân tộc mang tên Cát Cát gây bùng nổ khán đài bởi sự kết hợp giữa crop top, áo khoác đi cùng chân váy ngắn trẻ trung… Tất cả đều được làm từ thổ cẩm.

Người ta nhận ra hình ảnh những cô gái thành thị trẻ trung, cá tính; cũng dễ dàng hình dung ngay đến cảnh sắc, hương vị vùng cao bởi những mảnh vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu, chiếc mũ đội đầu với nhiều chi tiết tinh xảo… Nhiều NTK có xu hướng tạo ra những tác phẩm hoành tráng, khối lượng lớn để gây ấn tượng cho các cô gái tại các sân chơi nhan sắc. Vì lẽ đó, lựa chọn ngược lại của Tăng Thành Công trở nên khác biệt.

“Đêm trước khi thiết kế được giới thiệu chính thức đến công chúng, tôi hồi hộp lắm vì không biết mọi người sẽ phản ứng ra sao” – anh bộc bạch. Khoảng 8 năm qua, Tăng Thành Công không tham gia thiết kế trang phục cho bất kỳ người đẹp nào đi thi nhan sắc. Lần này, anh phá lệ vì muốn thử thách bản thân.

Kỹ thuật may, phom dáng… không làm khó được tay nghề của Tăng Thành Công. Tuy nhiên, khi chạm đến văn hóa, truyền thống, anh e dè. “Điểm khó nhất là thuyết phục công chúng, dư luận khi làm mới. Những định kiến cũng có thể mang đến nhiều áp lực không chỉ cho riêng tôi mà với bất kỳ nhà thiết kế nào” – anh nói.

Cát Cát là tên gọi một bản ở Sa Pa, thuộc tỉnh Lào Cai. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc H’mông sinh sống, còn giữ gìn nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề dệt vải thổ cẩm. Tăng Thành Công đã bị vẻ đẹp chân phương của những tấm thổ cẩm nhiều màu “thôi miên”. Anh nghĩ, bà con đã một lòng gìn giữ nghề, sao mình lại không thể cùng họ đưa những màu sắc sặc sỡ và họa tiết đặc trưng của thổ cẩm đến với người mặc.

Nhà thiết kế Tăng Thành Công thiết kế trang phục cho hoa hậu H’hen Niê, kết hợp vải thổ cẩm – Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ khâu lên ý tưởng đến khi hoàn thiện bộ trang phục, NTK Tăng Thành Công mất nhiều thời gian nhất ở công đoạn nhập vải. Anh mất hơn 2 tuần để thu thập đủ các loại vải với đa dạng chất liệu, màu sắc, họa tiết từ những địa phương ở Tây Bắc. Anh thực hiện Cát Cát bằng phương pháp thủ công hoàn toàn sau khi đã miệt mài tìm đọc tài liệu để hiểu đúng họa tiết.

Trước Cát Cát, Tăng Thành Công từng dùng vải khăn rằn để biến tấu thành những bộ cánh hiện đại. Với anh, chúng là “ngôn ngữ” đặc sắc trong thời trang vì tính nhận diện rất cao. Vậy nhưng, để ứng dụng những chất liệu này vào thời trang hiện đại không dễ, bởi sự nhạy cảm về văn hóa; đòi hỏi sự am tường về chất liệu, tinh tế, khéo léo trong cách xử lý lẫn cái nhìn rộng mở của công chúng.

Tách biệt khỏi dòng chảy chung của thị trường

Những năm qua, thời trang Việt Nam phát triển khá nhanh. Show cá nhân xuất hiện liên tục, trong đó có những gương mặt rất trẻ. Thậm chí trong nửa năm qua, cứ mỗi tháng công chúng được tiếp cận ít nhất 5-6 show diễn. Tăng Thành Công vẫn khá im ắng. Có người đùa, cho rằng anh lười quá hoặc thắc mắc vì sao một NTK đã có tên tuổi lại tách biệt khỏi dòng chảy chung của thị trường.

Nhà thiết kế Tăng Thành Công – Ảnh do nhân vật cung cấp
Trang phục Cát Cát được Lydie Vũ mang đến cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2024, diễn ra hồi tháng Bảy tại Ba Lan – Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh quan niệm thời trang gợi cảm đi liền với sự sạch sẽ. Trang phục góp phần tôn vinh những đường cong một cách chừng mực chứ không để phô diễn da thịt. “Cái gốc tận cùng là sự tự tin mà người mặc có được. Bất kỳ ai cũng có khuyết điểm trên cơ thể, từ người bình thường hay nghệ sĩ, người nổi tiếng. NTK phải tìm được những ưu điểm để phát huy, hạn chế những khuyết điểm” – anh nói.

Anh lấy ví dụ nghệ sĩ Việt Hương tuy không cao nhưng vẫn có lợi thế về tỉ lệ cơ thể, nên NTK dựa vào đó để thiết kế. NTK luôn hướng đến mục tiêu khách hàng sẽ ở lại lâu, thay vì số nhiều đến rồi lại đi.

Tăng Thành Công thừa nhận anh không quá giỏi trong việc kinh doanh, tính toán, thậm chí làm nghệ thuật. Sau bao nhiêu năm làm nghề, ước mơ về một show diễn mang đậm dấu ấn cá nhân vẫn luôn được anh ấp ủ. “Để đi đến hôm nay, chắc chắn tình yêu nghề vẫn rất “cháy”, đó là điều chắc chắn. Với nghề này, chỉ cần lười một chút sẽ tụt hậu ngay. Đôi khi tôi cũng chạnh lòng khi thấy mọi thứ xung quanh vận động không ngừng. Nhưng không sao cả, tôi chỉ lùi lại một chút để lấy đà cho bước đi tiếp theo mạnh mẽ hơn” – anh nói.

Theo Báo Phụ Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *