Nhà tù Hoả Lò: Nơi ghi dấu cuộc đời cách mạng của Bí thư Thành ủy Hà Nội chính thức đầu tiên

12:43 | 05/03/2025
Nhà tù Hỏa Lò được ví như địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, là nơi giam giữ, đày ải hàng ngàn chiến sĩ cách mạng. Vượt bao gian khó, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng – nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam.

Trong số những chiến sĩ cộng sản từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò có ông Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Hà Nội.

Đấu tranh cách mạng nơi ngục tù

Năm 1930, mặc dù bị địch khủng bố mạnh nhưng dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và sự hoạt động tích cực của những đảng viên Cộng sản, tổ chức Đảng ở Hà Nội vẫn tiếp tục được mở rộng, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Vũ.

Các cơ sở Đảng được thành lập ở: Ga Hàng Cỏ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Sở Xe điện, Nhà máy Điện, Nước, Bia, Nước đá, Xưởng sửa chữa ô tô Avia, Hãng ô tô Stai, một số nhà in: Trung Bắc, Lê Cường, Taupin… Tháng 5/1930, ở làng Đông Phù (Thanh Trì), chi bộ cộng sản được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ trực tiếp chỉ đạo. Các tổ chức quần chúng: công nhân, nông dân, thanh niên được xây dựng và phát triển ngày càng rộng khắp.

Di tích nhà tù Hỏa Lò – Nơi ghi dấu cuộc đời cách mạng của ông Nguyễn Ngọc Vũ (Nguồn: Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò)

Từ cuối năm 1930 trở đi, thực dân Pháp càng đẩy mạnh khủng bố cách mạng, nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ uỷ Bắc kỳ lần lượt bị bắt: Trần Phú, Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến… Ở Hà Nội, Pháp lập tòa đại hình, mở rộng nhà tù, dùng bọn phản động chui vào nội bộ Đảng, chống phá Đảng từ bên trong… Đối với Đảng bộ Hà Nội, chỉ trong 6 tháng cuối năm 1930, ba lần đồng chí Trần Văn Lan (tức Giáp) Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách phong trào Hà Nội phải lập lại Thành uỷ. Nhiều đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, nhiều đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt: Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ), Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo… Ngày 6/12/1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ cũng bị địch bắt.

Sơ đồ tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò)

Biết đồng chí là Bí thư Thành uỷ, kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man. Dưới đòn thù ác hiểm, Nguyễn Ngọc Vũ đã chết đi, sống lại nhiều lần nhưng vẫn một lòng, một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Ngày 28/9/1931, tại Hà Nội, Hội đồng đề hình của thực dân Pháp đã mở phiên tòa xử án 17 chiến sĩ cộng sản trong đó có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Vũ, Đặng Xuân Khu, Trần Tích Chu, Trần Thị Thọ, Ngô Huy Tăng, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo, Chu Văn Nguyên, Nguyễn Như Tiếp, Nguyễn Đình Hang, Nguyễn Đức Thụy, Lê Đình Thảo, Nguyễn Văn Huynh, Trần Phú Thọ…

Nguyễn Ngọc Vũ bị kết án 20 năm tù khổ sai. Với chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn hết sức dã man, đầu năm 1932, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh tại Nhà tù Hoả Lò lúc vừa tròn 24 tuổi.

Ekip Nhạc kịch “Lửa từ Đất” trong chuyến tham quan Di tích nhà tù Hỏa Lò
Lan tỏa ngọn lửa cách mạng

Tuy chỉ sống trên đời 24 năm ngắn ngủi nhưng nhà cách mạng Nguyễn Ngọc Vũ đã để lại một sự nghiệp đáng tự hào. Từ việc cảm hóa gia đình, hàng xóm, bạn tù cho đến những trí thức Hà Nội, Nguyễn Ngọc Vũ đã lan tỏa ngọn lửa cách mạng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Lấy cảm hứng từ cuộc đời của ông, mới đây, Nhà hát Tuổi Trẻ đã dàn dựng vở nhạc kịch “Lửa từ đất” tái hiện lại bối cảnh lịch sử năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, với nhân vật trung tâm là Bí thư Nguyễn Ngọc Vũ.

Vở nhạc kịch do Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Ánh làm Tổng đạo diễn. Đây là một dự án tâm huyết của nữ nghệ sĩ, không chỉ bởi chị theo đuổi thể loại nhạc kịch bấy lâu nay mà còn bởi một lời hứa với lòng mình rằng: Cần phải làm điều gì đó để tri ân Hà Nội.

Thế rồi như một cơ duyên. Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử gia đình, Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Ánh đã gặp được câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Vũ – người anh cả của ông ngoại chị.

Từ những tư liệu lịch sử, cùng những ghi chép của gia đình, hình tượng một người chiến sĩ cách mạng hiện lên rõ nét. Chị gặp gỡ, trao đổi cùng nhà biên kịch Lê Quý Hiền để xây dựng một kịch bản không chỉ tập trung vào việc thể hiện những sự kiện lịch sử, công trạng của nhân vật, hay đề cao hình tượng một cá nhân anh hùng… mà muốn thông qua câu chuyện dung dị từ bức tranh gia đình, xã hội cho thấy sự hun đúc lý tưởng, tình yêu để thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.

Từ kịch bản văn học ấy, một kịch bản âm nhạc đầy tính sáng tạo đã được nhạc sĩ Bùi Minh Đạo, Giám đốc Âm nhạc của “Lửa từ Đất” xây dựng. Phần vũ đạo do Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ly Ly đảm nhận.

Bên cạnh đó, “Lửa từ đất” còn có sự góp sức của ekip sáng tạo giàu kinh nghiệm như: Đạo diễn sân khấu Đào Duy Anh, họa sĩ-Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Bằng, trợ lý Tổng đạo diễn Vũ Minh Ly, biên đạo Thành Công, huấn luyện thanh nhạc Dương Minh Anh, trợ lý đạo diễn Trung Hiếu, visual art Hoàng Duy Đông…

Ca sĩ Lê Việt Anh đảm nhận vai ông Nguyễn Ngọc Vũ trong vở Nhạc kịch “Lửa từ Đất”

Dàn nghệ sĩ tham gia vở diễn đều được đào tạo bài bản và hiện là những gương mặt sáng giá trong làng nhạc kịch Việt Nam, với khả năng toàn diện: diễn xuất, ca hát và vũ đạo. Nổi bật trong số đó là các ca sĩ Lê Việt Anh, Bùi Trang, Đình Khánh, Quốc Việt, Trung Hiếu, Dương Minh Anh, Phạm Văn Thọ. Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tâm – người sở hữu chất giọng mezzo-alto (nữ trung) sâu lắng, giàu cảm xúc – trong những màn aria đầy xúc động của nhân vật bà Đàm Thị (mẹ của Nguyễn Ngọc Vũ).

Nhạc kịch “Lửa từ đất” sẽ chính thức công diễn mở màn vào hai ngày 15 và 16/03/2025 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, phục vụ các cán bộ, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Đảng bộ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trực thuộc Hà Nội. Sau đó, vở diễn dự kiến sẽ tiếp tục được trình diễn tại một số hội trường lớn của Đảng bộ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội./.

Ông Nguyễn Ngọc Vũ sinh năm 1908 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Hà Nội.

Ông nội của Nguyễn Ngọc Vũ chính là Bá Hộ Kim (Nguyễn Hữu Kim (1832-1901) người nổi tiếng vì dám đứng ra tổ chức chôn cất cho Tổng đốc Hoàng Diệu, quan Tổng đốc tuẫn tiết trong thời kỳ kháng Pháp đầu tiên (1882). Ông Kim cũng chính là người đã xây dựng Tháp Rùa.

Nguyễn Ngọc Vũ sinh ra và lớn lên trong lúc phong trào yêu nước và cách mạng của nhận dân chống Pháp xâm lược đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngay sau đó ngày 17/3/1930 Thành ủy Lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội được tổ chức, Nguyễn Ngọc Vũ vào Ban chấp hành.

Tháng 6/1930, Nguyễn Ngọc Vũ trở thành Bí thư chính thức đầu tiên của thành ủy Hà Nội. Sau đó ông bị quân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò và hy sinh tại đây năm 1932.

Mộng Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *