Trước ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), nhiều tọa đàm, hội thảo về bản quyền trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung được tổ chức. Trong đó, vấn đề bản quyền nhạc Việt vẫn là chủ đề “nóng”.
Nhận thức về bản quyền đã khác
Cách đây vài ngày, luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân về 3 hoạt động liên quan bản quyền mà theo anh là “không thể bỏ lỡ” trong tháng Tư. Cả 3 hoạt động đều có sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể, cá nhân trong lĩnh vực như Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, Hội Sở hữu Trí tuệ, Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế… cùng nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc.
Một trong số đó là sự kiện giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) tối 20/4.
Ở sự kiện này, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết tại Việt Nam nhiều năm qua, việc xâm phạm bản quyền âm nhạc xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, trước nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng chủ sở hữu bản quyền, hiện nay, tình hình có thay đổi. Dù vậy, việc đảm bảo tuân thủ bản quyền vẫn cần những nỗ lực rất lớn. Theo anh, tình trạng công chúng tiếp tay cho hành động xâm phạm bản quyền vẫn rất nhức nhối. Hiện tại, nhiều người thường xuyên truy cập vào những nền tảng không chính quy, web lậu mà không biết hành động đó đang khiến nạn xâm phạm bản quyền trầm trọng hơn.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC – nhận định, so với mặt bằng cả nước, TPHCM thực hiện khá tốt vấn đề bản quyền. Trung bình mỗi năm, VCPMC tăng trưởng 10 – 15%, thu về gần 20 triệu USD năm 2024, có những tác giả nhận về tiền tác quyền 2-3 tỉ đồng mỗi năm. “Chính nguồn thu nhập này đảm bảo đời sống cho các nhạc sĩ, không còn lo về cơm áo gạo tiền mà chỉ tập trung sáng tạo. Lúc đó, tác phẩm có giá trị sẽ ra đời” – nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ. Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn còn nhiều vấn đề liên quan bản quyền cần được quan tâm, giám sát liên tục, nhất là khi môi trường số đang phát triển chóng mặt.
Chưa có quy định rõ về trí tuệ nhân tạo
Tại các hội thảo, tọa đàm, vấn đề sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong số các chủ đề được tập trung thảo luận. Nhiều năm qua, AI được sử dụng như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những người làm nghệ thuật, từ phim ảnh, hội họa, thời trang, nhiếp ảnh… cho tới âm nhạc. Nhưng khi nhắc đến chuyện bản quyền, không nhiều người làm công việc sáng tạo hiểu rõ.
Theo nhạc sĩ Hoài An, AI là công cụ hữu ích cho những ai chưa rành về nhạc lý muốn sáng tác một bài nhạc cơ bản về giai điệu. Điều này kích thích niềm yêu thích của họ với âm nhạc. Tuy nhiên, để đi đường dài, tạo ra những bài nhạc mang dấu ấn cá nhân, nhạc sĩ phải đầu tư thời gian, công sức, chất xám, không thể quá phụ thuộc vào công nghệ. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn, sử dụng ở một giới hạn nhất định, công nghệ sẽ hỗ trợ rất nhiều để nhạc sĩ thuận lợi hơn trong công việc.
Hiện Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa có những quy định rõ ràng liên quan đến các sản phẩm nghệ thuật có sự tham gia của AI. Tại các quốc gia khác, việc công nhận sản phẩm do AI sáng tác cũng vướng nhiều phản ứng trái chiều. Một bộ phận cho rằng AI được đào tạo để sao chép, xử lý nguồn dữ liệu có sẵn do con người tạo ra, do đó không thể xem sản phẩm của AI là sáng tạo hoàn chỉnh. Những tranh cãi này chưa có hồi kết, thế nên tại các chương trình giao lưu, hội thảo vừa qua, câu trả lời cho những vấn đề trên là cần thêm thời gian để suy xét thấu đáo.
Nhạc sĩ Đức Trí cho biết mỗi lần khán giả nhấp vào đường link nghe nhạc chính thống đều được dẫn về VCPMC. Từ mỗi cú nhấp như thế, nhạc sĩ có thu nhập và thực sự sống được bằng nghề. Do đó, anh mong mỏi khán giả hãy lựa chọn những nền tảng chính thống nghe nhạc để vừa đảm bảo trải nghiệm tốt nhất với tác phẩm, vừa hỗ trợ những người làm sáng tạo như anh có thu nhập, đảm bảo cuộc sống.
Trong công nghiệp văn hóa, bản quyền là vấn đề quan trọng, được xem như một trong những trụ cột giúp nghệ thuật phát triển bền vững. Với TPHCM, trung tâm văn hóa – nghệ thuật lớn của cả nước, câu chuyện liên quan bản quyền càng cần được coi trọng. Việc các đơn vị chọn tổ chức nhiều hoạt động liên quan ngày Sở hữu trí tuệ thế giới tại TPHCM cho thấy sự quan tâm sát sao đến công nghiệp văn hóa của thành phố. Chọn lĩnh vực âm nhạc để tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm là cách để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số.