Ngày 9/12, quản lí của danh hài Chí Tài thông báo cố nghệ sĩ đã qua đời, nguyên nhân do đột quỵ. Hiện tại, thông tin này đang khiến nhiều khán giả hoang mang và đau buồn bởi trước đó nghệ sĩ Chí Tài không có dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe.
Những năm qua, nam nghệ sĩ luôn được nhiều người mến mộ bởi tài năng diễn xuất, lối sống sạch scandal và sự thân thiện với khán giả, đồng nghiệp. Nhìn lại cuộc đời của Chí Tài, dư luận không khỏi xót xa, đau đớn.
Lớn lên trong cơ cực nhưng không ngừng nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật cháy bỏng
Nghệ sĩ Chí Tài, tên thật là Nguyễn Chí Tài. Ông sinh ngày 15/8/1958 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Được biết gia đình của nam nghệ sĩ không mấy khá giả, nếu không muốn nói là khó khăn.Ông từng phải ăn cơm với ớt, nước mắm, nước tương.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng Chí Tài rất đam mê nghệ thuật và không ngừng học tập, theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ. Trong giai đoạn từ 1976 – 1977, Chí Tài tham gia hoạt động văn nghệ tại địa phương ở quận Phú Nhuận với vai trò chơi đàn ghi-ta.
Năm 1981, Chí Tài sang Mỹ định cư theo diện gia đình bảo lãnh. Tại đây ông có ý định sẽ tạo dựng cuộc sống mới tại Mỹ bằng cách đi học tiếng Anh, vi tính và nghỉ tham gia văn nghệ. Tuy nhiên niềm đam mê cháy bỏng đã thôi thúc ông phải học nghệ thuật đến cùng, bất chấp sự phản đối của gia đình. Từ đó, ông đã thành lập nên ban nhạc Chi Tai’s Brothers, nhưng khi ấy chỉ xuất hiện được ở những buổi tiệc cưới, sinh hoạt cộng đồng.
Con đường âm nhạc của Chí Tài khá thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên sau này, ông bén duyên với nghiệp diễn khi được dịp thử sức với Hoài Linh trong một màn tấu hài do thiếu diễn viên. Từ đó, làng hài Việt Nam có thêm một nghệ sĩ dí dỏm và vô cùng duyên dáng.
Cuộc sống không con cái để sống hết mình với sân khấu
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Chí Tài xuất hiện khi chú bắt đầu gắn bó với trung tâm Thúy Nga từ Paris by Night số 15. Loạt thành công của chuỗi chương trình Paris by Night trở thành bước hậu thuẫn vững chắc của nghệ sĩ Chí Tài để mở ra studio thu âm riêng của mình, hợp tác cùng nhiều ca sĩ hải ngoại.
Sử dụng tài năng và đam mê của mình, Chí Tài đảm nhận sản xuất phần âm nhạc cho những tiểu phẩm hài của Paris by Night, trở thành mảnh ghép không thể thiếu khi nhắc đến chương trình này. Cũng chính tại studio của ông, những câu chuyện ma rùng rợn của Nguyễn Ngọc Ngạn mới được sinh ra và trở thành kỉ niệm khó phai đối với thế hệ 8x, 9x Việt.
Năm 1987,ông nên duyên vợ chồng với ca sĩ Phương Loan – cũng là người hát chính trong ban nhạc Chi Tai’s Brothers. Cả hai cùng nhau trải qua 33 năm hôn nhân hạnh phúc, mặn nồng. Tuy nhiên cặp đôi nổi tiếng lại không có con. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nam nghệ sĩ từng tâm sự, tuổi trẻ chưa muốn có con bởi muốn đủ kinh tế rồi mới tính. Khi kinh tế ổn định thì bản thân lại dính chặt vào nghệ thuật. Đến lúc dừng lại nghỉ ngơi lại thấy mình quá già. Chí Tài lúc này lo sợ, đẻ con ra ở độ tuổi quá lớn thì đứa trẻ dễ bị dị tật.
Việc không có con chính là tiếc nuối của nam nghệ sĩ. “Chúng tôi sống vui vẻ không suy nghĩ đến tương lai, đến tuổi già không có con sẽ buồn như thế nào. Lúc đó không nghĩ, giờ nghĩ thì trễ rồi. Lâu lâu, thấy mấy đứa con nít dễ thương, tôi cũng thấy tiếc, sao hồi trẻ mình không muốn có con”, nghệ sĩ Chí Tài từng tâm sự trước khi mất.
Tượng đài lưu giữ nụ cười của biết bao thế hệ
Trong một lần thiếu diễn viên, danh hài Hoài Linh đã mời Chí Tài diễn thử với mình trong một tiểu phẩm. Trước đó, trung tâm Vân Sơn đã có lời mời Chí Tài diễn cùng Hoài Linh, tuy nhiên vì ông cho rằng “cái duyên chưa tới” nên đã không làm. Đến năm 1997, hai người mới đứng chung sân khấu lần đầu. Chí Tài về sau còn kể, đêm hôm đó ông vốn chỉ nhận vai trò đánh đàn nhưng vội khoác thêm áo vest và xuất hiện diễn trên sân khấu.
“Tiểu phẩm này tôi không được tập với Hoài Linh mà chỉ nói trên điện thoại thôi. Tôi nhớ khoảnh khắc không bao giờ quên đó là khi MC giới thiệu ra diễn, tôi là người ra trước. Đúng là Tổ đãi, khi tôi bước ra vài bước là khán giả đã cười, không biết do mặt mình hay sao, hoặc do cách đi sợ hãi của tôi. Lúc đó tôi mới thấy gương mặt của tôi có hiệu quả”, ông nhớ lại như vậy.
Và kể từ đó, Chí Tài trở thành tuổi thơ, là tiếng cười cho biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Có lẽ chẳng một ai lớn lên mà không biết đến Chí Tài, không từng nhìn thấy chú trong các vai diễn hài kịch, pha trò đầy duyên dáng. Những vở hài kịch không thể nào quên được của Chí Tài bao gồm: Ba chàng độc thân, Người nhà quê, Cổ tích một tình yêu, Dâu đất khách, Osin là ông nội… Tất cả đều được liệt vào hàng “kinh điển”, vừa hài hước vừa thấm đẫm ý nghĩa nhân văn.
Cái tên Chí Tài gắn bó với sân khấu kịch từ thời điểm đó cho đến tận lúc ra đi, sánh vai cùng hàng loạt nghệ sĩ hài khác là Quang Minh, Hồng Đào, Thúy Nga, Việt Hương… Đặc biệt, ông cùng với Hoài Linh đã tạo thành “cặp đôi vàng” của sân khấu, mang đến cho khán giả những tràng cười quý giá không dứt.
Không chỉ dừng lại ở sân khấu, Chí Tài cũng xuất hiện trong vô vàn những tác phẩm điện ảnh và truyền hình, chẳng nề hà vai lớn hay nhỏ. Các bộ phim hài hước như Công chúa teen và ngũ hổ rướng, Kỳ phùng địch thủ, Gia sư nữ quái hay Dạ cổ hoài lang đều để lại cột mốc lớn trong sự nghiệp của nam nghệ sĩ.
Đặc biệt, Công chúa teen và ngũ hổ tướng với sự xuất hiện của Hoài Linh, Bảo Thy và Trấn Thành có thể coi là tác phẩm thành công nhất của ông khi đóng vai Thủy – một trong 5 “vệ sĩ” nhí nhố bảo vệ nhân vật của Bảo Thy. Trái ngược, Dạ Cổ Hoài Lang ra mắt năm 2017 thì lại mang đến cảm xúc day dứt cho khán giả khi ông tái hiện những nỗi buồn và sự cô đơn, trống trải của tuổi già nơi đất khách.
Sự ra đi đột ngột của nam danh hài nổi tiếng đã để lại trong lòng mọi người một khoảng trống. Được biết, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, cố nghệ sĩ sẽ được đưa về Mỹ an táng.
Hải Linh/