Ngay từ đầu, dưới áp lực làm một tác phẩm từ tâm nguyện của cố NSUT Bùi Cường. Vì vậy, khi quyết định làm Cậu Vàng, đạo diễn Trần Vũ Thủy đã chú trọng tìm kiếm những góc nhìn khác về bối cảnh nông thôn Việt Nam và những cái nhìn mới mẻ hơn về người nông dân thời bấy giờ.
Một bối cảnh cơ cực nhưng vẫn chứa đầy vẻ đẹp thiên nhiên yên bình, và những con người mang vẻ đẹp tâm hồn thiện lương đẹp đẽ, dám xả thân vì lẽ phải dưới sự áp đặt, bạo lực của “kẻ trên”. Sự sáng tạo và cách kể chuyện qua góc nhìn hiện đại là một trong những yếu tố sẽ mang đến sự thú vị, bất ngờ cho khán giả, nhưng vẫn giữ được tinh thần và giá trị nhân văn của nguyên tác.
Bên cạnh Cậu Vàng là điểm nhấn đặc biệt thì nhân vật Lão Hạc cũng là một nhân vật được chú trọng đầu tư trong phim. Đây là nhân vật khiến đạo diễn đau đáu trong việc lựa chọn diễn viên và khi đã chọn được thì Đạo diễn yêu cầu nghệ sỹ Viết Liên phải “nuôi” bộ râu trong vòng 6 tháng và cố gắng giảm cân xuống thấp nhất có thể nhằm mang lại sự chân thật nhất về tạo hình cho nhân vật. Đạo diễn Thủy mong muốn tạo dựng một hình ảnh Lão Hạc không chỉ chinh phục khán giả bằng diễn xuất mà còn mang những nét mới hơn trong một bộ phim điện ảnh của thế kỷ 21 được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Nam Cao.
Nam diễn viên chuyên đóng các vai chính diện của màn ảnh Việt tiết lộ, mối quan hệ của nhân vật lão Hạc trong bộ phim điện ảnh Cậu Vàng sẽ được khắc họa đa dạng và đa chiều hơn, đồng nghĩa với việc có thể phản ánh được những góc nhìn khác nhau của giai tầng “thấp cổ, bé họng” thời bấy giờ. Tuy nhiên, Lão Hạc của nghệ sĩ Viết Liên không chỉ là một người thụ động chịu đựng sự chèn ép bất công, lão lặng lẽ chọn con đường phản kháng bất bạo động của mình.
Và với nhân vật này, khán giả sẽ cùng lúc trải qua hai cảm xúc: thương xót và cảm phục. Bản thân Nghệ sỹ Viết Liên cũng cố gắng tạo ra cho nhân vật một hình ảnh mới, có sức thuyết phục và giá trị nhân văn cao đẹp. Khán giả cũng rất hi vọng rằng nghệ sĩ sẽ mang đến hình ảnh một lão Hạc thật chân thực, đong đầy cảm xúc như bước ra từ truyện ngắn.
Với Lão Hạc, chú chó Vàng là người bạn đồng hành của ông, cùng ông chống chọi lại thế lực cường hào ác bá. Vì thế, để hoàn thành tốt vai diễn, nghệ sĩ Viết Liên đã dành rất nhiều thời gian để làm quen với chú chó đóng vai Cậu Vàng. Ông trò chuyện thân thiện và tình cảm, xem chú chó như người bạn thật sự của mình từ trước khi phim bấm máy.
Không những thế, bên trong hậu trường, có thể nói Cậu Vàng là nhân vật mà nghệ sĩ trò chuyện nhiều trong suốt quá trình quay. Nghệ sĩ chia sẻ: “Vì làm quen thân với chú chó trước đó nên khi bước vào trường quay chính thức, tôi không hề bị cậu Vàng làm phân tâm và lo lắng nữa. Chúng tôi diễn mà như không diễn, bởi chúng tôi đã quen thân với nhau. Chú chó dễ dàng làm theo ý tôi, và chú ấy thoải mái khi diễn cùng với tôi. Tôi nghĩ khi lên phim chú chó chắc chắn sẽ khiến khán giả thích thú bởi khả năng diễn xuất và sự đáng yêu, dễ thương của nó.”
Lão Hạc là truyện ngắn hiện thực, khắc họa hình ảnh đói khổ, cùng quẫn, đau đớn của người nông dân trong giai đoạn nửa thực dân, nửa phong kiến, thế nhưng khi lên phim Cậu Vàng, khán giả sẽ có thêm những cái nhìn mới về làng quê Việt Nam xưa, đó là một bức tranh toàn cảnh làng quê tươi đẹp thơ mộng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì người nông dân vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan, yêu cuộc đời.
Dù họ lam lũ, vất vả thế nào thì họ vẫn có khoảng thời gian tận hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, bình yên nhất. Những điều đó giúp họ quên đi mệt nhọc, quên đi con đường đầy bất công trước mặt. Ngoài việc giữ cái hồn của nguyên tác, đây là là điều mà đạo diễn Trần Vũ Thủy muốn truyền tải qua bộ phim này.
Hải Linh/Theo TTV24