Trước khi trở thành rất nhiều bản remake khắp nơi trên thế giới, bộ phim gốc mang tên Người quen xa lạ (hay Perfetti Sconosciuti) xoay quanh trò chơi diễn ra giữa nhóm bạn 7 người, tại đó họ đều phải để điện thoại lên bàn và chấp nhận công khai mọi tin nhắn hay cuộc gọi từ bất kì ai. Đó cũng là phần nội dung mà Tiệc trăng máu và gần 18 phiên bản remake khác trên khắp thế giới đã bám sát.
Tên phim khiến người xem liên tưởng nhiều đến hơi hướng phim kinh dị nhưng đây là một ẩn dụ tài tình của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Trăng máu có nghĩa là nhật thực, và đó cũng là nhân vật chứng kiến cho câu chuyện xuyên suốt bộ phim.
Khi mặt trăng hoàn toàn đã chuyển thành màu máu cũng là lúc con người đối diện với những bí mật ghê gớm nhất của bản thân. Đó là những hành vi bị cấm kị bởi chuẩn mực hay đạo đức xã hội. Hoặc có thể là những ấm ức không thể giãi bày cùng ai. Nhưng cũng có thể là những điều xấu xa, kinh khủng mà chỉ có thể giữ cho riêng mình, và tự tin rằng chỉ ta mới là người hiểu rõ nhất cảm xúc của chính mình.
Mặc dù bộ phim không có những hình ảnh thái quá nhưng các vấn đề được đề cập đến trong phim thì việc cấm khán giả dưới 18 tuổi là cần thiết. Đó là những câu thoại về tình dục, về những mặt khuất của xã hội như ngoại tình, sinh lý hay phẫu thuật thẩm mĩ được đưa vào một cách trần trụi.
Phim có phần lời thoại dân dã, rất đời, sử dụng cách chơi chữ và nhiều câu đùa 18+, phù hợp với cốt truyện là cuộc gặp gỡ của hội anh em chí cốt. Phim có đoạn mô tả về người đồng tính có thể khiến cộng đồng LGBT khó chịu.
Hàng loạt những vấn đề khác nhau đã được bộ phim khai thác. Điều đáng nói ở đây, là chúng hết sức đời thường, hết sức gần gũi, và đương nhiên là cũng hết sức trần trụi: mâu thuẫn với bố vợ, dây dưa với người yêu cũ, những khó khăn khi sống chung với mẹ chồng, không tìm được cảm xúc trong chuyện chăn gối, yếu sinh lý, tự ti về ngoại hình, những mối quan hệ đồng tính, ngoại tình, hay thậm chí là ngoại tình với vợ của bạn thân….. tất cả đều sẽ được bày ra như những món ăn, để bạn bè họ cùng nhau tụ họp lại, “nhâm nhi” rồi “bàn tán”.
Ngoài ra, có một điều rõ ràng là những chi tiết nào, câu thoại gì có thể ‘drama hóa’ thì đều được ekip thực hiện triệt để. Những câu đùa vui về tình dục (như Quái vật Rồng thiêng của Kiều Minh Tuấn) xuất hiện tràn ngập khiến màu sắc hài kịch đen thêm phần rõ rệt. Ngoài ra, cảm xúc và tính cách nhân vật cũng được định hình sẵn từ đầu, ví dụ như anh chồng bảo thủ Phan (Thái Hòa) đã thể hiện rất tốt mặt gia trưởng và khó khăn của mình, khiến cho cô vợ Quỳnh (Thu Trang) liên tục nhún nhường. Sự tương phản này khiến các xung đột càng thêm bùng nổ một khi bị bóc mẽ trên bàn tiệc.
Tiệc trăng máu tất nhiên vẫn khai thác về bản thể của mỗi con người, về tình bạn, tình yêu theo hướng kịch tính, châm biếm thông qua trò chơi từ chiếc điện thoại cá nhân của 7 người bạn ở một buổi tiệc tân gia; để rồi từ đó họ phát hiện ra những bí mật, góc khuất đen tối khiến mọi thứ đổ vỡ, kể cả tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn thân thiết kéo dài gần 40 năm qua.
Tuy nhiên có thể thấy, kịch bản gốc của Ý hay bản Hàn mà Tiệc trăng máu làm lại đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng Việt hóa một cách đặc sắc với câu chuyện, nhân vật có tính cách, lời đối đáp “theo trend” rất Việt Nam. Ngay cả căn nguyên mấu chốt bước vào “trò chơi điện thoại” làm nảy sinh tấn bi hài kịch này cũng không gượng ép, mà tự nhiên như đời thường trong bộ phim đối với cảm nhận của khán giả Việt.
Tóm lại, Tiệc trăng máu là một bộ phim Việt đáng xem vào cuối năm nay, tất cả nhờ vào sự ‘mát tay’ của ekip và dàn diễn viên khi sở hữu phần kịch bản đã quá đỗi thú vị và ý nghĩa. Khi lựa chọn chuyển thể một dự án nào đó, chắc chắn đoàn phim luôn phải đắn đo giữa hai con đường: giữ nguyên hay thay đổi. Dễ thấy Tiệc trăng máu đã quyết định bám sát và dùng những yếu tố như diễn xuất, cách xây dựng tình tiết và cả hình ảnh, âm thanh để khiến mình nổi bật giữa 18 bản phim rải đều khắp thế giới.
Tiệc trăng náu là “đứa con” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, quy tụ nhiều ngôi sao tên tuổi. Có lẽ trong khoảng vài tháng trở lại đây, chưa có bộ phim nào dám mạo hiểm ra rạp khi mà khán giả Việt vẫn chưa có lại thói quen đến rạp. Song với nỗ lực của mình, ekip Tiệc trăng máu đã nối gót Ròm, tiếp tục nhiệm vụ sứ mệnh mang người Việt đến phòng chiếu.
Hải Linh/ Theo TTV24