Trang phục dân tộc của đồng bào của người Tây Nguyên là đại diện tiêu biểu cho những nét văn hóa truyền thống góp phần tạo nên một bản sắc dân tộc Việt Nam. Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra không chỉ là mồ hôi, công sức, đó còn là tình cảm bao người kết tinh trong đó. Giá trị làm nên tấm thổ cẩm không chỉ là chất liệu mà còn là hoa văn.
Thổ cẩm không chỉ được dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người, là quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, là các giá trị về phong tục, tập quán, đưa hình ảnh trang phục Việt Nam đến với thế giới nâng thổ cẩm lên một tầm cao mới
Trong bối cảnh đó, vẫn còn đâu đó những con người tâm huyết đơn cử như Nhà thiết kế Trung Beret (Nguyễn Thành Trung) là một trong những Nhà thiết kế (NTK) có công đưa chất liệu thú vị này vào ứng dụng may mặc và quảng bá nét đẹp thổ cẩm dân tộc
Trong cuộc trao đổi Thế giới giải trí, NTK Trung Beret đã thể hiện niềm khao khát đưa thổ cẩm lên một tầm cao mới và giới thiệu những giá trị văn hóa dân tộc rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
PV: Cám ơn NTK đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này. Được biết anh là một trong những nhà thiết kế có nhiều năm gắn bó với nghề thiết kế thời trang gắn liền với thổ cẩm dân tộc Việt. Điều gì đã đưa anh tới duyên với nghề này?
NTK Trung Beret: Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên, nơi có những bản anh hùng ca và sử thi hào hùng, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một nét văn hóa, phong tục, trang phục riêng và độc đáo, nên cái hồn của Tây Nguyên ngấm sâu vào con người tôi. Chính vì tình yêu bản sắc văn hóa và con người nơi đây là ý tưởng khiến tôi sáng tạo và thiết kế nên những trang phục với những chủ đề liên quan tới vùng đất tươi đẹp này.
PV: Anh có thể chia sẻ quá trình mà anh theo đuổi sự nghiệp thiết kế của mình chi tiết hơn không?
NTK Trung Beret: Ban đầu tôi là một biên đạo múa và giáo viên giảng dạy bộ môn Mỹ thuật, nhưng tôi quyết định tạm gác lại công việc này để theo đuổi đam mê thiết kế thời trang, tôi đã có hơn 10 năm ấp ủ ý tưởng thiết kế những bộ sưu tập mang dấu ấn quê hương từ thời còn là sinh viên.
Tôi nhận ra, Tây Nguyên chính là nơi có nhiều chất liệu để phục vụ lĩnh vực thiết kế, nhất là những tấm thổ cẩm do chính người dân tộc thiểu số tại chỗ dệt nên, với những hoạt tiết độc đáo mô tả hình ảnh sinh hoạt đời sống, mỗi tấm thổ cẩm dệt tay mất rất nhiều công sức, tỉ mỉ từng chi tiết… Nhưng giá trị của chúng chưa thực sự được đánh giá đúng mức. Đó chính là một trong những lí do khiến tôi luôn đau đáu về việc làm sao sử dụng thổ cẩm một cách hợp lí để nâng được giá trị đúng đắn của chất liệu.
PV: Khi lựa chọn thiết kế, anh thường chọn chi tiết, hoa văn và chất liệu thổ cẩm của dân tộc nào là chủ yếu?
NTK Trung Beret: Như đã nói, tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, vùng đất cao nguyên đại ngàn đầy nắng và gió. Nơi có những bản trường ca, sử thi, truyền thuyết về đồng bào dân tộc. Đặc biệt là dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk nơi tôi sinh sống chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi với phong tục, tập quán, trang phục rất riêng mang đậm bản sắc dân tộc.
Trang phục truyền thống của người Ê đê là màu đen hoặc màu chàm, trên đó có những họa tiết hoa văn sặc sỡ độc đáo, mô tả hình ảnh sinh hoạt đời sống thường ngày và được dệt từ chính bàn tay khéo léo của người phụ nữ Ê đê qua những đường may sợi chỉ, họ đã kết hợp những đường viền và các dải hoa văn nhỏ bằng sợi chỉ màu đỏ, trắng hoặc vàng một cách tỉ mỉ từ kéo chỉ, lên khung…
Nói về hoa văn thổ cẩm thì đã được ứng dụng nhiều trong những thiết kế áo dài bằng những chất liệu in hoặc thêu, nhưng dùng đúng vải thổ cẩm của đồng bào dệt thì chưa có nhiều, bởi chất liệu này, nếu không thật khéo thì không thể có một sản phẩm đẹp được. Sở dĩ tôi lựa chọn vải dệt thổ cẩm vì nó mang nhiều giá trị tinh thần trong cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung, nhưng nghề dệt thổ cẩm đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một.
PV: Nghề dệt thổ cẩm đang phải đối mặt với nguy cơ dần bị mai một. Theo anh, nguyên nhân do đâu?
NTK Trung Beret: Hiện nay, đời sống của các nghệ nhân vẫn khá chật vật do không tìm được thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm hoàn thiện ít được ưa chuộng. Với mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm, cũng như lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, tôi đã nỗ lực đồng hành cùng các nghệ nhân đưa thổ cẩm lên một tầm cao mới, ứng dụng nhiều hơn vào đời sống, tạo cho thổ cẩm có một chỗ đứng và tồn tại bền bỉ theo thời gian.
PV: Là một người con Tây Nguyên, đồng thời cũng là một nhà thiết kế với tâm huyết rất lớn với chất liệu thổ cẩm. Anh đã tốn không ít công sức đưa thổ cẩm đến với nhiều người hơn?
NTK Trung Beret: Đơn cử như việc ứng dụng thổ cẩm vào tà áo dài truyền thống, nó đang có những bước phát triển. Lấy chất liệu chính là thổ cẩm là chất liệu truyền thống kết hợp với hình ảnh áo dài để tạo ra tinh thần đoàn kết giữa các đồng bào dân tộc thiểu số.
Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra không chỉ là mồ hôi, công sức, đó còn là tình cảm bao người kết tinh trong đó. Giá trị làm nên tấm thổ cẩm không chỉ là chất liệu mà còn là hoa văn.
Thổ cẩm không chỉ được dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người, là quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, là các giá trị về phong tục, tập quán.
PV: Những sản phẩm của anh hẳn phải mang một thông điệp, ý nghĩa riêng?
NTK Trung Beret: Nếu không có cội nguồn, không có quá khứ, hiện tại thì không có tương lai. “Thổ cẩm” là một dấu ấn và là thông điệp về cội nguồn. Chúng ta phải kết nối được sự giao thoa giữa cội nguồn và tương lai, giữa giá trị truyền thống và giá trị đương đại. Chính vì vậy mới kết hợp được chất liệu những kiểu dáng rất đương đại và có nhịp thời trang như chúng ta đang sống và hướng về tương lai.
Trong bộ quốc phục của tôi luôn luôn tôn vinh giá trị kết nối, những bộ đồ này không dừng lại ở địa phương mà có thể ra tới thảm đỏ dự những buổi tiệc sang trọng nhất dành cho những người nổi tiếng. Những ngôi sao không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới có thể mặc những bộ trang phục này thật sự là đẹp và họ biết cái đẹp này bắt nguồn từ Việt Nam.
PV: Trong tương lai, anh có dự định gì cho sự nghiệp thiết kế của mình nói riêng và kì vọng gì ở những sản phẩm thổ cẩm nói chung?
NTK Trung Beret: Tôi mong muốn đưa sản phẩm ra quốc tế nhưng vẫn giữ hồn thổ cẩm Việt ở sự nhấn nhá tinh tế, phá cách. Từ sự kết hợp này tôi muốn đưa thổ cẩm hội nhập hơn, gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Với sự nỗ lực và hy vọng, thổ cẩm như một sự kết nối, trang phục này không chỉ dừng lại trên sàn diễn mà có thể ra tới thảm đỏ; dành cho buổi tiệc quan trọng của những người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Khi nhìn trang phục, người xem biết rằng nó bắt nguồn từ thổ cẩm của Việt Nam. Tôi muốn kết nối với vẻ đẹp hiện tại của thổ cẩm với những thiết kế tinh tế của áo dài quốc phục Việt Nam nhằm nâng tầm thổ cẩm, giúp sản phẩm dễ dàng đến với bạn bè quốc tế.
Một phần nào đó giúp địa phương bảo tồn để phát triển, bởi vì thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà đó còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đưa hình ảnh trang phục Việt Nam đến với thế giới và nâng lên một tầm cao mới.
Bích Thủy/ Theo TTV24