Phim ngoại chiếu rạp lồng tiếng thu hút khán giả

09:42 | 05/09/2024
Phim ngoại chiếu rạp (không kể thể loại hoạt hình hoặc phim nửa hoạt hình nửa người đóng) được lồng tiếng đã có từ lâu nhưng gần đây mới tạo hiệu ứng khán giả mạnh mẽ qua thành công phòng vé của một số phim.

Trào lưu được yêu thích

Tháng Tám vừa qua đánh dấu là tháng có nhiều phim lồng tiếng ra rạp nhất, tính từ đầu năm đến nay. Có đến 5 phim lồng tiếng ra rạp suốt 5 tuần liên tục, gồm: 3 phim hoạt hình – Thám tử Conan: Ngôi sao 5 cánh 1 triệu đô, Shin: Cậu bé bút chì, 200% Sói bảnh và 2 phim người đóng (live-action) là Đẹp trai thấy sai sai, Harold và cây bút phép thuật. Trong đó, bản lồng tiếng phim Đẹp trai thấy sai sai nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất trên mạng xã hội.

Là phim Hàn đầu tiên có bản lồng tiếng, ngay từ bản trailer, khán giả đã bày tỏ sự thích thú trước giọng lồng tiếng dễ chịu cùng cách chuyển ngữ khá mượt mà và giữ nguyên độ hài hước như bản gốc. Nhờ hiệu ứng tích cực từ nội dung lẫn sự hài hước từ bản lồng tiếng, Đẹp trai thấy sai sai nhanh chóng đạt thành tích doanh thu đáng nể. Ở tuần đầu ra mắt, phim đứng thứ ba phòng vé. Sang tuần thứ hai, theo thống kê của trang theo dõi doanh thu Box Office Việt Nam, phim vươn lên nhì bảng khi doanh thu tăng gần 200%. Tuần thứ ba, phim tiếp tục giữ nguyên vị trí. Tính đến nay, sau 3 tuần chiếu, phim đã thu gần 53 tỉ đồng và đang trụ trong tốp 10 phòng vé, dù tuần này có nhiều phim mới ra rạp.

Phim Đẹp trai thấy sai sai bản lồng tiếng được khán giả hưởng ứng – Nguồn ảnh: Fanpage Điện ảnh lồng tiếng

Trước đó, bộ phim Thái Lan Gia tài của ngoại cũng tạo nên cơn sốt với bản lồng tiếng được thực hiện theo ngữ điệu miền Tây, thể hiện được sự thân tình, dễ thương. Chẳng hạn, cách dùng từ: “Mắc giống ôn gì”, “mình ên” nghe rất “đời”. Thậm chí, nếu không nhìn hình ảnh, chỉ nghe tiếng, khán giả có thể nhầm đây là phim Việt. Thành công gần 90 tỉ đồng doanh thu của phim có phần không nhỏ nhờ sự yêu thích bản lồng tiếng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc nội dung của CJ CGV, đơn vị phát hành phim Gia tài của ngoại và Đẹp trai thấy sai sai – cho biết: “Việc quyết định thực hiện phiên bản lồng tiếng đầu tiên là dựa trên mong muốn mang đến trải nghiệm trọn vẹn nhất dành cho khán giả, đặc biệt là khán giả lớn tuổi. Khi lồng tiếng cho một bộ phim, ngoài vấn đề phát sinh chi phí, cân nhắc yếu tố lợi nhuận, còn phải cân nhắc vấn đề thời gian. Việc tìm diễn viên lồng tiếng phù hợp với từng nhân vật, trau chuốt thoại và ngôn từ sao cho hợp lý mà vẫn đảm bảo truyền tải được nội dung, mạch phim đúng nguyên tác cũng là một thử thách khó khăn”. Về tiêu chí chọn phim lồng tiếng, ông cho biết: “Không có giới hạn nào cho những phim lồng tiếng Việt. Với những dự án phù hợp và thời gian thích hợp, chúng tôi sẽ trao đổi với studio để đưa ra chiến lược phù hợp nhất cho bộ phim”.

Trải nghiệm thú vị

Phim người đóng có bản lồng tiếng mới được yêu thích thời gian gần đây dù việc lồng tiếng cho dòng phim này đã có lâu. Từ năm 2013, trên thị trường đã xuất hiện phim châu Á đầu tiên lồng tiếng là Tề thiên đại thánh do Mega Star phát hành. Sau đó có phim Hoàng Phi Hồng – Bí ẩn một huyền thoại. Phim châu Á thường có bản lồng tiếng vì nội dung gần gũi với người Việt hơn nên khi chuyển ngữ thuận lợi hơn phim Hollywood. Avatar: Dòng chảy của nước là bộ phim live-action hiếm hoi của Hollywood được lồng tiếng.

Gia tài của ngoại cũng tạo nên cơn sốt với bản lồng tiếng được thực hiện theo ngữ điệu miền Tây

Việc có thêm bản lồng tiếng nhằm phục vụ nhu cầu người xem hơn là ý tưởng kinh doanh, tuy nhiên thời gian đầu lại chưa được khán giả hưởng ứng nhiều. Như Avatar 2: Dòng chảy của nước mời ca sĩ Karik lồng tiếng để gây tò mò nhưng phân bổ suất chiếu quá ít khiến bản lồng tiếng nhanh chóng rời rạp trước khi nhiều khán giả kịp tìm đến xem. Tại nhiều cụm rạp, phim Đẹp trai thấy sai sai gần như không có suất chiếu lồng tiếng nào. Nếu có suất chiếu, phiên bản lồng tiếng cũng khá hạn chế và thường được bố trí ở những khung giờ bất tiện so với bản phụ đề.

Theo anh Đạt Phi – người sáng lập Đạt Phi Media (đơn vị lồng tiếng phim Gia tài của ngoại, Đẹp trai thấy sai sai) – chỉ sau 1-2 ngày, nhờ phản hồi tích cực từ phiên bản lồng tiếng Việt của Đẹp trai thấy sai sai mà các suất chiếu lồng tiếng đã tăng lên đáng kể. Anh Đạt Phi nói: “Lồng tiếng phim người đóng khó hơn lồng tiếng phim hoạt hình ngoại, vì phim người đóng có chất “đời”, đòi hỏi diễn viên phải biết diễn xuất chứ không chỉ đơn thuần giả giọng. Ngoài ra còn phải biết sáng tạo, biến văn hóa nước bạn thành văn hóa Việt khi chuyển ngữ. Chẳng hạn trong phim Đẹp trai thấy sai sai, ở cảnh gốc có đoạn anh cảnh sát khoe rành tâm linh, tôi nghĩ ngay cụm từ “chú đại bi” đưa vào…”.

Nhiều năm gần đây, phim hoạt hình lồng tiếng đã có chỗ đứng vững nhờ cách chuyển ngữ hợp thời, đưa vào những câu thoại bắt trend, làm tăng thêm độ hài hước, đáng yêu của phim. Giờ đây, đến lượt những tác phẩm người đóng được lồng tiếng cũng tạo hiệu ứng tương tự, mở ra cơ hội cho nhiều khán giả lớn tuổi, trẻ em thưởng thức phim với trải nghiệm thú vị hơn.

Theo Báo Phụ Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *