Năm 2020, ngành điện ảnh Hàn Quốc liên tiếp cho ra mắt các bộ phim lấy chủ đề câu chuyện khởi nghiệp của giới trẻ. Tầng lớp Itaewon, Ký sự thanh xuân hay bộ phim Khởi nghiệp đang chiếu là những ví dụ tiêu biểu nhất. Đáng nói, các bộ phim này đều được khán giả Hàn Quốc cũng như khán giả trẻ Việt đón nhận nhiệt tình.
Trước đó, các bộ phim cùng chủ đề như Vua bánh mì, Thanh xuân vật vã, Đối tác đáng ngờ, Bay cao ước mơ… cũng giành được sự hưởng ứng và yêu mến nhất định.
Dòng phim về khởi nghiệp của Hàn Quốc không hề mất chỗ đứng
Đầu năm nay, Tầng lớp Itaewon với câu chuyện về một chàng trai nghèo khó vươn lên trở thành ông chủ một công ty lớn đã tạo ra cơn sốt trên các diễn đàn bàn luận về phim cũng như trên mạng xã hội. Theo số liệu ghi nhận, tập cuối phim chạm mốc rating (mức độ quan tâm) kỉ lục với con số lên tới 16.5% trên toàn quốc và 18.3% ở khu vực đô thị Seoul. Với thành tích này, Tầng lớp Itaewon từng giữ kỷ lục về tỷ lệ người xem cao thứ hai trong lịch sử đài jTBC, chỉ sau Sky Castle.
Dù không gây ấn tượng bởi con số rating nhưng việc liên tiếp nằm trong top 10 chương trình được xem nhiều nhất trên Netflix ở nhiều quốc gia cũng đủ chứng minh sứt hút của bộ phim Khởi nghiệp. Phim có sự tham gia diễn xuất của Suzy nhận về nhiều phản hồi tích cực.
Thông điệp truyền tải đánh vào tâm lý chung
Đối tượng hướng đến chủ yếu của các bộ phim về khởi nghiệp là giới trẻ. Ngoài ra, khởi nghiệp đang là một xu hướng thời đại. Thuật ngữ này len lỏi khắp các địa phương và được nhắc đến trong nhiều cuộc trò chuyện, nhiều chương trình, cuộc hội đàm, hội thảo… Dễ thấy nhất về sức nóng của nó là khi tìm kiếm từ khóa này trên Google, chỉ trong 0,55 giây, bạn có thể nhận về 89.800.000 kết quả.
Trước dòng chảy chung, việc các nhà làm phim khai thác chủ đề này là điều dễ hiểu. Và thhông qua câu chuyện về hành trình vươn lên của các nhân vật trong phim, mỗi bộ phim đều truyền tải một thông điệp ý nghĩa.
Tất nhiên, ở mỗi phim, nhân vật chính sẽ được xây dựng theo những góc nhìn khác nhau: có tổn thương, mất mát thậm chí từng rơi vào tuyệt vọng nhưng cũng có nhiệt huyết, tình yêu và khát khao cháy bỏng. Thông điệp mà họ gửi gắm thường là hãy dám nghĩ dám làm, hãy dám ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực.
Với câu chuyện và thông điệp này, các bộ phim dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả trẻ, bởi ở các nhân vật, họ có thể nhìn thấy chính mình, và thông qua các nhân vật, họ có thể tìm thấy cho mình động lực, cảm hứng để bước tiếp.
Không quan trọng bạn vấp ngã bao nhiêu lần, quan trọng là bạn dám đứng dậy bước tiếp để đạt được thành công hay không, đó là khẩu hiệu mà các bộ phim về khởi nghiệp luôn giương cao.
Việt Nam còn thiếu vắng các bộ phim về khởi nghiệp
Năm 2016, loạt serie sitcom Gặp nhau để cười ra mắt bộ phim hài tình huống mới với tên gọi Xin chào ông chủ, dài 200 tập, xoay quanh một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp, loay hoay với những dự định, ước mơ của bản thân. Bộ phim tuy không gây được tiếng vang nhưng cũng được nhiều khán giả chú ý.
Gần đây, bộ phim Nhà trọ Balanha đã tạo ra một làn sóng bình luận tích cực trên mạng xã hội. Phim khai thác câu chuyện lập nghiệp của các bạn trẻ, đặc biệt là 3 chàng trai Lâm, Bách, Nhân, những sinh viên mới tốt nghiệp, bước vào đời với ước mơ phải làm được điều gì đó thật đặc biệt.
Tuy nhiên, những bộ phim như vậy của điện ảnh Việt không nhiều mặc dù thị trường khởi nghiệp ở nước ta diễn ra rất sôi động. Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DN khởi nghiệp. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.
Trong tương lai, có thể làn sóng khởi nghiệp còn diễn ra mạnh và đồng bộ hơn nữa. Khi đó, việc sản xuất các bộ phim về đề tài này là cần thiết và nên được khuyến khích, bởi những thông điệp tích cực trong phim (hoặc qua các thể thức nghệ thuật) dễ chạm tới người trẻ hơn là những giáo điều khô khăn, máy móc.
L.H/ Theo TTV24