Sân khấu Lệ Ngọc bừng sáng với chuỗi sự kiện rực lửa – một bản hòa ca rộn ràng của nghệ thuật, như lời chào trang trọng và đầy kiêu hãnh gửi tới non sông gấm vóc trước thềm kỷ nguyên mới nhân dịp 30/4, 1/5 tới tận 19/5.
Chuỗi sự kiện lần này mang ý nghĩa sâu sắc hơn một hoạt động sân khấu đơn thuần, diễn ra ngay tại thánh đường nghệ thuật của Hà Nội là Nhà hát lớn, đúng dịp các ngày lễ lớn của dân tộc. Đây là minh chứng sống động cho tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, vượt thời gian, luôn hoà mình với các sự kiện trọng đại của non sông của anh em nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc. Các vở diễn như Lá đơn thứ 72, Chí Phèo – Thị Nở, Vua Lia, Vang bóng một thời cùng loạt tác phẩm chuyển thể từ văn học dân gian và hiện thực đương đại trong – ngoài nước đã làm lay động hàng ngàn khán giả ở mọi lứa tuổi, từ người dân thủ đô đến du khách quốc tế.
NSƯT Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ trong niềm xúc động: “Không gì hạnh phúc hơn với người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu những ngày mà cả non sông cùng trẩy hội, cùng hân hoan. Anh em chúng tôi luôn mang theo niềm tự hào và biết ơn khi được diễn cho bà con những vở kịch đẹp – đẹp cả về hình thức lẫn chiều sâu nhân văn. Mỗi lời thoại là một tràng pháo tay, mỗi ánh mắt lặng đi vì xúc động là mỗi món quà vô giá, là động lực để chúng tôi sống trọn với nghề. Dù còn nhiều vất vả, chúng tôi vẫn miệt mài tập luyện, chỉ mong được góp một phần nhỏ vào bức tranh văn hóa rạng rỡ của đất nước trong thời khắc thiêng liêng này.”
Những đêm diễn không chỉ là cuộc trình làng của ánh sáng, âm thanh và diễn xuất, mà còn là hành trình cảm xúc lặng sâu. Ở đó, mỗi câu thoại, mỗi chuyển động sân khấu đều mang trong mình linh hồn dân tộc – hào sảng, kiêu hãnh và đầy nhân văn. Những câu chuyện được kể không chỉ để xem, mà để nhớ, để suy ngẫm, để thấy yêu hơn từng tấc đất, từng nếp sống, từng nét văn hóa quê hương.
Sân khấu Lệ Ngọc – một trong những đơn vị sân khấu xã hội hóa hiếm hoi hoạt động bền bỉ tại Hà Nội – đã bền gan vượt qua muôn trùng thử thách để tồn tại và khẳng định giá trị. Không nhận nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nơi đây chắt chiu từng giấc mơ nghệ thuật bằng mồ hôi, đam mê và trách nhiệm của những con người yêu nghề, yêu nước. Chính NSND Lệ Ngọc – người “thắp đèn” không mỏi – cùng tập thể nghệ sĩ tâm huyết, đã biến nơi này thành “địa chỉ đỏ” của sân khấu đương đại, nơi ánh đèn không bao giờ tắt và câu chuyện Việt Nam luôn được kể một cách đẹp đẽ, sống động.
NSND Lệ Ngọc cho biết: “Rực lửa – không chỉ vì ánh đèn rọi sáng sàn diễn, mà còn vì ngọn lửa trong tim mỗi nghệ sĩ chưa từng lịm tắt. Với chúng tôi, nghệ thuật là nguồn sống, là sứ mệnh, là cách để gìn giữ những giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc. Trong những ngày lễ trọng đại như 30/4, 1/5, hay 19/5, ngọn lửa ấy càng cháy lên rực rỡ – như một lời hứa: nghệ thuật sẽ luôn là linh hồn của dân tộc – kiêu hãnh, sống động và bất diệt.”
Những đêm diễn rực lửa không chỉ là khúc ca tươi đẹp tri ân đất nước, mà còn là bước đệm để sân khấu Lệ Ngọc vươn xa hơn nữa trên hành trình nghệ thuật. Sau chuỗi biểu diễn đầy cảm xúc tại Hà Nội, sân khấu đang chuẩn bị hành trang để mang các vở diễn kinh điển như “Lá đơn thứ 72”, “Chí Phèo”, “Làm vua”, “Quan Âm Diệu Thiện” đến với các nước bạn ở châu Á và châu Âu… Đây là cơ hội quý báu để kết nối văn hóa Việt với kiều bào xa xứ và giới mộ điệu quốc tế, khẳng định vị thế của sân khấu Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu.
Phan Thắng