Tối 20.4, chương trình ‘Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ’ đã được tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, nhiều nhận định về tình hình bản quyền âm nhạc đã được đưa ra, bên cạnh đó là việc vinh danh các nhạc sĩ có đóng góp đặc biệt trong năm qua.
Tổ chức nhân ngày 26.4 – Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới cũng như hướng đến kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, chương trình xoay quanh bản quyền âm nhạc năm nay do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL); Sở VH-TT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tổ chức.
Nói về vai trò đặc biệt của TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM nhận định: “Những năm qua, TP.HCM đã rất nỗ lực trong việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ qua nhiều hoạt động văn hóa lớn, có thể kể đến như lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO… “.
Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng: “TP.HCM là một trong những địa điểm thúc đẩy các hoạt động văn hóa nghệ thuật để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, trong đó có công nghiệp âm nhạc. Tôi muốn nhân rộng mô hình này ra nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời cũng mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để Việt Nam có thêm những sản phẩm âm nhạc mang tầm thế giới, để chúng ta có thể tự hào với nền công nghiệp văn hóa Việt Nam hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình”.
Chia sẻ trong kỷ nguyên hiện nay, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhìn nhận: “Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo, thúc đẩy ngành công nghệ âm nhạc trong thời đại số”.
Đồng tình với nhận định này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Cũng nhờ VCPMC khởi kiện, mà tôi đã lấy lại quyền sở hữu ca khúc Vầng trăng khóc. Việc bảo vệ quyền tác giả ngày càng quan trọng, nhất là trong thời đại số ngày nay, nơi mà tất cả sản phẩm âm nhạc đều được số hóa, khai thác triệt để trên các nền tảng mạng xã hội”.
Nhạc sĩ Đức Trí cũng bộc bạch: “Kể từ khi VCPMC ra đời, chúng tôi đã thực hiện âm nhạc như một nghề chính thống mà không còn phải đắn đo, lo lắng cho những điều khác, từ đó có thể dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tạo”.
Nhạc sĩ Hoài An cũng có chung cảm xúc: “Nếu tác phẩm không được bảo vệ hay bảo hộ chưa đúng mức, không minh bạch, thì tác giả sẽ rất khó ‘sống’, không thể yên tâm sáng tạo để đóng góp cho xã hội”.
Nhạc sĩ Kai Đinh cũng chia sẻ: “Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là thước đo pháp lý, mà còn là sự tôn trọng cả đội ngũ sáng tạo ra tác phẩm. Do đó nếu hiểu rõ và tuân thủ đúng quyền sở hữu trí tuệ, thì đó là một hành động văn minh trong ngành công nghiệp âm nhạc”.
Cũng trong chương trình, các nhạc sĩ Kai Đinh, Hứa Kim Tuyền, Nguyễn Văn Chung, Soobin hoàng sơn, Mr. Siro, Vũ cát tường, Phan mạnh quỳnh… đã được vinh danh bên cạnh các tên tuổi lão thành có đóng góp cho âm nhạc và bản quyền Việt Nam.
Tham dự chương trình có bà Trần Thị Phương Lan (Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), ông Trần Hoàng (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL), bà Phạm Thị Kim Oanh (Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL), ông Lê Minh Tuấn, (Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL), ông Phùng Mạnh Cường (Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ), ông Nguyễn Minh Nhựt (Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM)… |