Đúng 7h sáng 25/7, chùa Quán Sứ thỉnh ba hồi chuông, trống bát nhã, tụng kinh hồi hướng cầu siêu theo nghi thức truyền thống Phật giáo. Lễ tụng kinh cầu siêu bắt đầu từ 9h30. Nhiều tăng ni, Phật tử và người dân không kìm được niềm xúc động, đau buồn, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo hướng dẫn của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), chư tôn đức Ban, Viện T.Ư GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức lễ tưởng niệm, thiết lập ban thờ di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi tôn nghiêm để tăng ni, Phật tử và nhân dân tụng kinh, thắp hương tưởng niệm.
Chư tăng và Phật tử chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã lập hương án thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay tại chính điện của chùa. Các chư tăng và Phật tử thực hiện các thời khóa tụng kinh cầu siêu hàng ngày để cầu siêu và tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25/7), đông đảo người dân, Phật tử có mặt tại chùa Quán Sứ từ sáng sớm để thắp hương, thành tâm tưởng niệm nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực.
Đúng 7h sáng 25/7, chùa Quán Sứ thỉnh ba hồi chuông, trống bát nhã, tụng kinh hồi hướng cầu siêu theo nghi thức truyền thống Phật giáo. Lễ tụng kinh cầu siêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 9h30.
Việc tổ chức cầu siêu được thực hiện theo đúng nghi lễ Phật giáo như một hình thức bày tỏ lòng thành kính, tri ân những đóng góp của Tổng Bí thư cho đất nước.
Đại đức Thích Thanh Huy (Ủy viên thường trực Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN) cho biết trong thời gian diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Phật tử trên cả nước hành trì lễ bái, nhất tâm hồi hướng và cầu nguyện cho Tổng Bí thư. Tăng ni, Phật tử cũng cầu nguyện quốc thái dân an.
“Trước hết, với một tu sĩ, tôi cảm nhận sự mất mát, đau thương khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đó cũng là tâm trạng chung của tăng ni, Phật tử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người anh minh, hy sinh cả cuộc đời cho sự an bình của nhân dân, Phật tử, đóng góp cho sự an bình của Phật giáo. Sự ra đi của Tổng Bí thư để lại niềm thương xót, mất mát lớn với GHPGVN nói riêng và toàn thể tầng lớp xã hội, nhân dân, Phật tử nói chung”, Đại đức Thích Thanh Huy bày tỏ.
Bắt xe buýt từ sớm để có mặt tại chùa Quán Sứ tham gia khóa tụng kinh cầu siêu, bà Nguyễn Thị Dĩ (Thanh Xuân, Hà Nội) không nén được nước mắt tiếc thương Tổng Bí thư. Bà cho biết chiều 25/7 sẽ có mặt tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Nhận tin buồn, tôi thương bác vô cùng. Tổng Bí thư là người liêm chính, được nhân dân tin yêu, kính trọng”, bà nói.
Trong lời viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Dĩ viết câu thơ: Không một hương hoa nào bay ngược theo chiều của gió/ Chỉ có hương người đức hạnh bay tỏa khắp ngàn phương“.
Ba ngày nay, cụ bà ngoài 90 đều đặn có mặt tại chùa Quán Sứ để tụng kinh cầu siêu và tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ngày này, chùa Quán Sứ mở cửa từ 7h30 đến 21h30 để các Phật tử và người dân xung quanh đến thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hương án thờ Tổng Bí thư được yên vị tại chính điện của chùa Quán Sứ cho đến khi Lễ Quốc tang kết thúc.