‘Tár’: Nốt nhạc trầm trong cuộc đời nhạc trưởng vĩ đại

08:39 | 17/04/2023

Đạo diễn Todd Field đã từng chia sẻ rằng: “Kịch bản của Tár được đo ni đóng giày riêng cho Cate Blanchett”, tức là Cate mà từ chối thì đã không có một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao như vậy được ra mắt.

Tài hoa & cực đoan

Tár là một tác phẩm mang tính hàn lâm kể về Lydia Tár (Cate Blanchett) – nữ nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng rất nổi tiếng ở Đức. Mở đầu bộ phim, khán giả được ngắm nhìn hình ảnh một vị nữ nhạc trưởng đang đứng trên đỉnh cao quyền lực, được hâm mộ bởi tài năng, sự nhiệt huyết và cống hiến cho nghề.

Cái tôi lớn ‘giết chết’ nghệ sĩ lớn

Thậm chí cô còn được điều hành dàn nhạc giao hưởng Berlin danh giá bậc nhất thế giới, được nhiều người coi là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất nước Đức. Lịch trình của cô thường kín mít và sẽ do trợ lý là Francesca (Noémie Merlant) sắp xếp hết thảy, một cánh tay phải đắc lực trợ giúp cô rất nhiều trong sự nghiệp của mình. Điều khiến khán giả sẽ tấm tắc lý do tại sao người trợ lý đó lại tận tụy như thế là vì Francesca cũng từng có tình cảm với Lydia.

Trong cuộc sống, cô có một người bạn đời là Sharon (Nina Hoss), người đảm nhiệm vị trí bè trưởng đàn dây trong dàn nhạc và là chỗ dựa tinh thần cho cô trong gia đình. Ngoài ra cô còn có một đứa con gái là Petra (Mila Bogojevic) mà hai người nhận nuôi. Ngoài việc đi giảng dạy và biểu diễn thì thường ngày cô sẽ đưa con đi học, thăm nom bạn bè cùng chuyên môn, viết sách, chạy bộ…

Khán giả dần hiểu rõ về Lydia Tár hơn qua phân đoạn trò chuyện của cô và cậu sinh viên trong giờ học. Cô ép cậu ta phải tin vào vẻ đẹp của âm nhạc. Với diễn xuất thuộc phái thực lực của mình, Cate thực sự đã cuốn hút khán giả theo từng giây phút của phim. Từ mềm mại, nhẹ nhàng đến mãnh liệt, thậm chí là nặng lời và sau đó còn chỉ trích thẳng vào mặt học trò và công khai châm biếm giới tính của cậu sinh viên vì cậu ta không nhìn thấy những gì mà cô muốn thể hiện ra. Một nữ nhạc trưởng tài năng nhưng tư tưởng lại khá “độc hại” và lời nói luôn mang tính cưỡng chế với người đối diện!

Cái tôi lớn “giết chết” nghệ sĩ lớn?

Theo diễn biến phim, ta có thể thấy Lydia dần dần biểu lộ việc cô chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân trong tất cả các mối quan hệ của mình. Không cần phải dùng lời hay biểu hiện quá khích, tất cả sự ranh mãnh và tính toán của cô cũng khiến khán giả hơi rợn da gà. Những gì cô lựa chọn giữ lại cho riêng mình mà không nói ra là những điều chân thật nhất về tâm hồn vị nhạc trưởng tài năng nhưng dị hợm.

Đời sống tình cảm của Lydia cũng khá phức tạp. Mặc dù Sharon đã luôn là chỗ dựa tinh thần của cô và trao cho cô cái ôm an ủi mỗi khi tâm trạng tụt dốc, thế nhưng dường như tất cả vẫn chưa đủ đối với Lydia. Một nữ nhạc công cello trẻ trung đã thu hút cô và dự là một “drama” sắp nổ ra.

Đúng là như thế, sự nghiệp và cuộc sống của nữ nhạc trưởng đúng kiểu “lên voi, xuống chó” và lý do gần như là bởi nữ nhạc công trẻ kia. Cô mất việc ở Berlin, bị loại khỏi mọi tổ chức danh giá, gia đình tan vỡ, công chúng còn biểu tình để vùi dập cô. Một cái kết khá cay đắng đến với Lydia Tár, cũng là cái giá phải trả cho những gì cô gây ra. Nhưng cũng may là Lydia vốn có tinh thần thép, cô lui về “ở ẩn” một thời gian, chiêm nghiệm lại mọi thứ và nhận ra mọi lỗi lầm của mình. Tuy không còn nổi tiếng như lúc trước nhưng ít ra Lydia đã có sự thay đổi lớn về mặt tinh thần, tiếp tục cống hiến tài năng hiếm có của mình.

Lydia Tár được xây dựng là hình ảnh một người phụ nữ rất mạnh mẽ, đầy khí chất và cảm hứng. Dù việc công hay tư, nữ nhạc trưởng đều sẽ đặt ra mục tiêu giải quyết êm đẹp. Nhưng sự thật đằng sau “lớp áo” hoàn hảo đó là một tư tưởng vô cùng “độc hại”. Với khả năng trên cơ cả đàn ông, Lydia nghiễm nhiên đặt cho mình quyền ở trên những người phụ nữ khác và có thể kiểm soát mọi thứ. Việc đứng trên đỉnh cao liệu có khiến một người bị ảo tưởng quyền lực đến mức nào?

Đạo diễn Todd Field cũng đã thể hiện dụng ý cụ thể, khi camera luôn bám sát theo chuyển động của Lydia và rất ít khi tập trung góc máy mô tả chi tiết nhân vật khác. Cũng bởi Todd muốn cái tôi của Lydia bao trùm cả tác phẩm, cũng như tâm trí người xem về một người nghệ sĩ ích kỷ, một kẻ tư lợi, một kẻ đáng giận hơn đáng thương. Có thể gọi Cate Blanchett là một thiên tài diễn xuất, sức hút của cô là linh hồn của bộ phim, giữ chân nhiều khán giả trước sự “nặng đô” của nó.

Phim mô tả rất rõ hành trình ‘ngã ngựa’ của môt thiên tài

Todd Field đã khắc họa rất rõ hình ảnh Lydia Tár với hai mặt của vấn đề. Khán giả có thể thấy rõ nữ nhạc trưởng xấu xa khi lạm dụng quyền lực để trục lợi nhưng cũng không thể phủ nhận rằng cô ấy là một người mẹ tốt, người đồng nghiệp tốt. Phim đã đặt ra câu hỏi cho chúng ta rằng, liệu tài năng của một thiên tài có được đem ra làm lời bào chữa cho tội lỗi và thiếu sót của họ hay không?

Tiếc nuối cho Cate Blanchett

Vai diễn của Cate Blanchett thậm chí khiến ta nghĩ rằng nữ nhạc trưởng Lydia Tár là có thật ngoài đời. Để nhập tâm cho màn hóa thân này, Cate không chỉ học tiếng Đức, học piano… cô còn tự mình đồng sáng tác với nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir và nhiều cộng sự khác. Và các cảnh biểu diễn trong phim đều được thu âm trực tiếp, bao gồm cả phần chơi piano của Cate Blanchett. Tất cả để lột tả được Lydia Tár là một thiên tài và người này đã đạt đến tầm cao nghệ thuật mới.

Với 6 đề cử giải Oscar, những tưởng một tác phẩm nghệ thuật mang tính hàn lâm như Tár phải ẵm về cho mình chí ít là ba giải. Siêu sao thuộc phái thực lực Cate Blanchett được người người nhà nhà bảo nhau chắc chắn giải thưởng Nữ chính xuất sắc nhất sẽ thuộc về cô. Ấy vậy mà Viện Hàn lâm đã xướng tên Dương Tử Quỳnh. Có lẽ Viện Hàn lâm cho rằng sự xuất sắc của Cate vẫn chỉ như một “đường thẳng”. Cô đã rất hoàn hảo và sẽ luôn hoàn hảo như thế. Ngược lại, Dương Tử Quỳnh đã khiến tất cả khán giả choáng ngợp vì sự trở lại lần này của mình sau bốn thập niên và góp phần nâng cao vị thế của diễn viên châu Á tại Hollywood

Theo Báo Thế Giới Điện Ảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *