Thanh xuân lộng lẫy trong tranh sơn mài của họa sỹ Mai Thị Kim Uyên

23:47 | 09/09/2023

Họa sĩ Mai Thị Kim Uyên (nghệ danh Uyên Mai) sinh ngày 07 tháng 01 năm 1986 tại xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay họa sĩ đang sống tại 45 Nguyễn Thái Bình, Phường Ia Kring, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai.

Tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế với chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật, Mai Thị Kim Uyên lại đang được biết đến như một họa sĩ sáng tác trẻ tuổi đầy triển vọng.

tm-img-alt
tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-alt

Năm 2015 tác phẩm “Đợi” của Uyên Mai tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 20 tại Quảng Nam. Năm 2016 tác phẩm “Giao mùa” của cô tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 21 tại Quảng Ngãi. Năm 2019, Uyên Mai có hai tác phẩm là “Quê mẹ” tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên tại Đăk Lăk và “Ven phố” tham gia triển lãm tại trại sáng tác Nha Trang.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Năm 2020, họa sĩ có tới 4 tác phẩm: “Hò núi đá” tham gia triển lãm mỹ thuật tỉnh Gia Lai, “Hoàng hôn trên đập Tân Sơn” tham gia Triển lãm mỹ thuật tỉnh Gia Lai, “Món quà từ trần gian” tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2020 và “Giao mùa” tham gia triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020.

tm-img-alt
No cỏ
tm-img-alt
tm-img-alt

Tác phẩm “No cỏ” của Uyên Mai tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực V – Nam miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng và đây là tác phẩm được Giải C tại Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc LHCH VHNT Việt Nam.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Họa sĩ đã tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc cũng như các triển lãm nhóm, gần nhất là triển lãm “Gọi bình yên về” của 5 họa sĩ Tây Nguyên, bày tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2022.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nữ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên  khai mạc vào 10h sáng ngày 9/9/2023 tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh), trưng bày bộ sưu tập 27 tranh sơn mài nghệ thuật “Những cô gái đỏng đảnh”.

tm-img-alt
Những cô gái đỏng đảnh
tm-img-alt

Tranh Mai Thị Kim Uyên được nhiều đồng nghiệp bậc thầy đánh giá là nguồn cảm xúc mạnh mẽ tựa như khúc hoan ca tràn ngập tuổi thanh xuân của những cô gái đáng yêu và đâu đó dáng dấp của cả người phụ nữ đầy tình yêu trăn trở giữa đời thường. Xem “Những cô gái đỏng đảnh” người thưởng thức nghệ thuật như mê hoặc, xao xuyến cháy lên nỗi khát khao tìm về tuổi thanh xuân.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chia sẻ: “Tôi yêu những cô gái của cô ấy vì nó là thanh xuân, là nỗi niềm, là ước mơ một thời của tôi, của bạn trong đó… Với chất liệu sơn mài là chất liệu chính trong sáng tác, ta tìm thấy sự mạnh mẽ trong cái êm dịu, sự hấp dẫn trong cái mênh mông, sự sang trọng trong cái đơn giản… mà với niềm đam mê cháy bỏng của mình họa sĩ đã theo đuổi thể hiện. Tranh cứ như đang bay, đang phiêu lãng , đang trăn trở nhưng cũng thật lãng mạn, đằm thắm lắng sâu, mênh mang trong từng câu chuyện của những cô gái đỏng đảnh đáng trân quý”.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Tại Lễ khai mạc Triển lãm, Họa sĩ Uyên Mai đã trải lòng:

*Uyên Mai theo học chuyên ngành sư phạm mỹ thuật nhưng lại được biết đến với tư cách là một họa sỹ trẻ đầy triển vọng?

Họa sỹ Mai Thị Kim Uyên: Trong quá trình đứng trên bục giảng hơn 10 năm, tôi cũng có những thành tựu nhất định. Và nhiều khi tôi cũng dùng tiền cá nhân  để mua họa cụ cho học sinh. Nhưng bản năng sáng tạo trong con người tôi rất mạnh mẽ, cho nên mặc dù tình yêu dành cho học sinh rất lớn nhưng sau giờ dậy trên lớp, nửa đêm về nhà, tôi vẫn lén gia đình xuống phòng bếp, bật điện lên để vẽ tới 2-3 giờ sáng.

tm-img-alt
tm-img-alt

Có một lần, trên một chuyến xe bus, tôi gặp một người lạ có vẻ rất trí thức, người đó hỏi tôi có phải là giáo viên mỹ thuật hay không? Tôi trả lời là đúng. Mặc dù tôi không biết người đó là ai, nhưng ông ta nói với tôi: “Cô là một trong những người đang phá hoại nền giáo dục”. Trời ơi, người đó chưa hề biết tôi là ai, tôi làm việc như thế nào, mà đã nói như vậy?

Tuy nhiên, tôi nghĩ lại thì có lẽ nếu những đối tượng ở ngoài ngành không thể nhìn thấy tác dụng nào của môn mỹ thuật trong nhà trường thì thực sự cũng có phần trách nhiệm của mình trong đó. Vậy nên tôi tự nhủ: “Các em học sinh ơi, cô xin phép làm cô giáo làng nốt một ngày hôm nay thôi…”

tm-img-alt
tm-img-alt

Tôi muốn mình thực sự theo đuổi công việc sáng tác, để cho lũ trò nhỏ có thể thấy tự hào về cô giáo cũng là một họa sĩ chứ không phải chỉ biết đứng trên bục giảng.

*Theo đuổi niềm đam mê hội họa, bạn có phải đánh đổi hay trả giá điều gì trong cuộc sống thường nhật?

Tôi cứ vẽ lúc nửa đêm về sáng miết như vậy, dẫn tới rất nhiều hậu quả. Tôi đã có bầu 5 lần nhưng không thể giữ được con. Những lúc đó, tôi suy sụp kinh khủng, rơi xuống dưới đáy của khủng hoảng. Thậm chí không còn muốn sống nữa. Nhưng rồi, tôi phải tỉnh táo lại.

tm-img-alt
tm-img-alt

Vẽ nhưng không nhận được sự đồng thuận của người thân, gia đình phản ứng dữ quá, nên ngay cả những lúc khó khăn nhất tôi chưa bao giờ mở miệng ra than thở. Con đường làm nghề thật gian nan, khắc nghiệt.

Thời điểm tôi bỏ việc chuyên tâm vẽ, gia đình vì yêu thương mà đã dành hết tâm huyết ra để phân tích cho tôi, cũng như nhiều người bạn đã khuyên nhủ tôi, rằng nếu sau một thời gian tôi không có tài chính, mà cứ lủi thủi ở nhà vẽ một mình như vậy, có thể chồng cũng sẽ chán hoặc bỏ tôi. Mà nếu trường hợp đó xảy ra, thì tôi sẽ không dành được quyền nuôi con, bởi vì không đủ điều kiện nuôi con, cho dù hai đứa con là tôi đã dứt ruột đẻ ra.

tm-img-alt
tm-img-alt

Khi đó, tôi tự hỏi bản thân, rằng tôi có đam mê không? Tôi có chịu được sự cô độc không? Tôi có chấp nhận được sự dè bỉu không? Tôi có chấp nhận được hàng ngày ngồi vẽ mà không có bất kỳ người bạn nào bên cạnh không? Nếu tôi đánh mất hết mọi thứ mà được vẽ, thì tôi có chấp nhận không? Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng, tôi sẵn sàng chấp nhận. Tôi muốn sống trọn vẹn một kiếp người, cháy hết với đam mê, sống thành thật với con người mình. Tôi không muốn dối mình và dối bất kỳ ai.

Có lẽ con đường nhiều sự thử thách chính là con đường đúng. Chứ nếu bất kỳ thành công nào mà không qua thử thách thì chưa đủ chín. Bù lại, tôi đã nhận được tình thương và sự trợ giúp của rất nhiều người khi đến với nghệ thuật.

tm-img-alt

*Họa sĩ làm thế nào để cân bằng giữa cảm xúc sáng tạo với công việc đời thường và gia đình?

Sau rất nhiều khó khăn, tôi bừng tỉnh với suy nghĩ rằng mình phải sống sao cho hạnh phúc thì mới xứng đáng với việc mình đã được sinh ra đời.

Đặc biệt, bây giờ tôi nghĩ rằng những bức tranh trước hết là động viên tôi, diễn tả được ý niệm nghệ thuật của cá nhân tôi. Sau đó thì tôi muốn mang những vẻ đẹp đến cho cuộc sống, và chắc chắn đây là những món quà ý nghĩa đối với những người đồng cảnh ngộ như tôi.

tm-img-alt

Khi xem tranh tôi, nhiều người bày tỏ rất phục chồng tôi, anh rất giỏi, rất trầm tĩnh, luôn trợ lực cho tôi nên tôi mới có thể sáng tác được. Ngược lại, tôi cũng đã bóc tách con người mình ra, nỗ lực đến kiệt cùng để làm việc, đồng thời yêu thương gia đình đến trọn vẹn cả trái tim. Bây giờ, tôi đã có có hai đứa con, chúng tôi đã xây được nhà, gia đình yêu thương, đồng hành bên cạnh. Tôi cảm ơn tất cả những điều đó và tôi luôn giữ sự tôn trọng với công việc của mình, với lời hứa của mình.

*Tại sao Uyên Mai chọn tên của triển lãm là “Những cô gái đỏng đảnh”?

Trước khi vẽ, tôi thường ngồi rất lâu để định thần lại, bỏ hết tất cả những thứ khác ra ngoài công việc vẽ, thì khi đó cảm xúc sẽ rất tốt. Còn nếu đang vẽ mà bị một cuộc điện thoại làm gián đoạn hay phải suy nghĩ việc khác thì không truyền được cảm xúc cho tranh, thậm chí có thể gây hậu quả. Suốt 2 năm sáng tác loạt tranh sơn mài này, chỉ cần một chút lơ là sẽ đều hỏng việc, có khi mới vẽ xong một cô gái ưng ý lắm nhưng vừa nghe một cuộc điện thoại là mài bay mất tiêu luôn, cảm xúc mới vừa thăng hoa lên lại tụt xuống dốc sâu thăm thẳm, cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ: “Sao đỏng đảnh dữ vậy?”

Cũng giống như những bước chân tỉnh thức hay là ăn tỉnh thức, việc sáng tác loạt tranh sơn mài này cũng cần tôi phải yêu thương sự đỏng đảnh của nó dữ lắm, phải dành toàn bộ tình yêu cho nó, tiền bạc cho nó, thời gian cho nó, tâm trạng tốt nhất cho nó.

tm-img-alt

Tôi vừa vẽ vừa nói chuyện với các cô gái này. Mình nhìn nó, nó cũng nhìn mình. Bức vẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình, như những người bạn thân thiết. Bức vẽ nói giùm tôi những điều tôi không thể nói. Bức tranh không chỉ là bức tranh mà là một phần trái tim tôi đã trao trọn cho nó. Chính vì thế, người khác nhìn nhận nó thế nào, khen hay chê nó, thực sự là tôi cũng không quan tâm lắm. Có điều, cứ sau mỗi bức tranh tôi lại học được nhiều bài học. Chính công việc là người thầy tốt nhất. Bị chất liệu sơn mài thử thách rất nhiều nhưng cứ mỗi lần chấp nhận là một lần lên một nấc thang mới. Sau khi va chạm mạnh đủ để hiểu nhau rồi thì có cảm giác chất liệu cũng thương mình như mình thương nó.

*Tập trung tối đa thời gian để sống với tranh sơn mài là điều không hề dễ dàng, bởi quá trình làm tranh sơn mài không chỉ có những tác động vật lý tới người họa sĩ mà còn đòi hỏi nhiều công đoạn và không thể tốn ít thời gian mà có thể hoàn thành được. Uyên sáng tác 27 bức tranh sơn mài này trong bao lâu?

Tôi mất gần 3 năm để hoàn thành loạt 27 tranh sơn mài này. Việc sáng tác này cũng y như cây tre vậy, tôi đã nuôi dưỡng, chăm bón cho tay nghề của mình, cho dù khó khăn cản trở đến cỡ nào thì tôi vẫn phát triển những thứ cơ bản từ rất lâu rồi. Chưa có một ngày nào tôi không chọn việc vẽ, tôi chấp nhận và đối đầu với tất cả những sóng gió, nhưng vẫn phải đợi đến một ngày tôi dùng được đôi tay của mình để nói lên câu chuyện. Tôi muốn sống hết mình, cháy hết mình với việc vẽ.

tm-img-alt
tm-img-alt

Tôi biết mình có sự hoang dại, đến với việc vẽ rất tự nhiên. Ngay từ đầu hành trình cuộc đời, tôi đã luôn luôn chọn việc vẽ, trong tất cả các bước ngoặt của cuộc sống, những giai đoạn cần có những quyết định quan trọng nhất của cuộc sống. Ngoài tình yêu tự thân, tôi cũng luôn biết ơn vì nhận được những tình cảm của nhiều người họa sĩ bậc thầy, giống như những ngọn lửa ngoài vũ trụ, đã hun thêm cho đống lửa tình cảm với việc vẽ trong tôi được bùng cháy mỗi ngày.

*Với toàn bộ 27 bức đều là tranh sơn mài thực sự là thách thức không nhỏ để có thể hoàn thành, Uyên Mai tự thấy mình phải vượt qua những giới hạn nào đáng kể nhất?

Không thể nào sức mười dùng tám còn hai để dành được, làm sơn mài là bắt buộc phải dùng hết 200-300% sức khỏe của mình. Có những khi cả tuần không ngủ một phút giây nào. Có lúc chính tôi cũng không hiểu sức ở đâu ra để mà nhấc những bức tranh nặng và khổ lớn như thế, đặt lên bàn để vẽ tiếp. Khi đã tập trung sáng tác, nhiều tuần cô Thu (Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu) nấu món chay cho tôi ăn liên tục cả tuần, cô nấu gì tôi ăn đó.

tm-img-alt

Vẽ sơn mài, họa sĩ nào cũng bị sơn ăn khắp người, nhiều bữa tôi phỏng rát lên toàn thân, mọi người bảo tranh chưa ra mà đã ra con ma lem rồi, khủng khiếp lắm. Khi tìm được thuốc, cũng mất vài tháng mới lành mà toàn da non thôi, sau khi da non đỏ lên thì lại tái đi. Thử thách nghiệt ngã lắm. Chồng tôi hỏi: “Sao, có vẽ nữa không?” Tôi đã tuyên thệ với nghề, nên quyết tâm vẽ tiếp.

Nhưng tôi nghĩ rằng thành công lớn nhất chính là tôi đã dám quyết định và vượt ra khỏi ngưỡng an toàn, vượt qua mọi nỗi sợ hãi để bắt đầu đi trên con đường sáng tác, cho dù mịt mù hay tươi sáng, cho dù thành công hay không thành công. Tôi đã buông bỏ tất cả những thức khác để được sống thành thật với chính con người của mình.

*Có ý kiến cho rằng tranh sơn mài ngày nay quá nhiều màu sắc rực rỡ, điều này làm cho các bức vẽ thiếu đi sắc độ trầm cần thiết, Uyên Mai có thể cho biết quan điểm nghệ thuật của bạn khi theo đuổi việc sáng tác tranh sơn mài?

Tôi cho rằng cái này là mỹ cảm riêng của từng người, sắc trầm hay độ tươi tắn, non trẻ, tưng bừng đều có nét đẹp riêng. Tôi chỉ cần chú ý chuyển tải được tình cảm của mình vào tranh. Sơn mài là một chất liệu tuyệt vời, có thể diễn đạt được tất cả mọi thứ.

Cũng có thể là do giai đoạn trước chưa tìm ra nhiều phương tiện để sáng tác. Tôi vẫn yêu cái truyền thống, tôi vẫn thích cách các họa sĩ xưa diễn tả câu chuyện với sắc trầm của sơn mài, nhưng tôi cho rằng giới trẻ cần kế thừa và sáng tạo, phát huy thêm trên nền tảng của truyền thống để mang lại được những sắc thái mới cho tranh sơn mài.

Họa sỹ Mai Thị Kim Uyên tự sự:

Tôi thuần phục con quái thú bên trong mình và được trợ lực một phần sức mạnh của con quái thú đó để chuyển hóa những niềm đau nhưng thương tổn… Và rồi trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn sau mỗi lần vấp ngã, mỗi lần vượt qua nghịch cảnh.

Tôi cũng như tất cả mọi người không được chọn những gì mà cuộc sống này ban tặng. Nhưng tôi có quyền lựa chọn những gì cho tôi, cho người thân yêu và cho cộng đồng. Đó là sự đối xử tử tế, sự sẻ chia với tất cả yêu thương thành thật nhất.

tm-img-alt

Ngay khi tôi nhắm mắt lại. Đối diện với chính mình tôi yêu hội họa đến kiệt cùng. Tôi xem nó như người bạn tri kỷ. Lúc buồn cũng như lúc vui tôi đều chọn nó để sẻ chia, để than thở, để nâng niu và ôm ấp. Không khất hẹn phút giây nào nữa. Tôi quyết định đặt nó bên tôi ngay bây giờ và cho mãi về sau.

Ngay tại nơi đây tôi mang đến seri tranh “Những cô gái đỏng đảnh” với vẻ bề ngoài nhưng ấm nồng tỏa ngát hương thiện lành, kiên cường và khí chất từ bên trong. Những cô gái dám vượt lên những sai lầm, cởi trói cho bản thân. Nuôi dưỡng tâm hồn mình, mở rộng trái tim để đón nhận sự màu nhiệm cũng những biến động trong đời sống này như một lẽ thường tình tự nhiên.

Trao cho mình cơ hội đạt được trạng thái tự do, hạnh phúc, ý nghĩa. Để rồi tận hưởng cuộc sống này như một món quà tuyệt vời mà trời đất ban tặng cho mỗi chúng ta.

Sau tất cả những gì sót lại cuối cùng đó là thành quả làm việc trong hơn hai năm vừa qua mà tôi có thể chia sẻ với tất cả những người tôi yêu thương và kính trọng cho bạn bè và cho cộng đồng. Hy vọng rằng những tác phẩm của tôi đọng lại chút gì để nhớ trong trái tim mọi người.

Triển lãm “Những cô gái đỏng đảnh” của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên diễn ra tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh). Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 9/9/2023 đến hết ngày 24/9/2023.

Hà Vũ 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *