Mộc bản triều Nguyễn thuộc loại hình tài liệu đặc biệt, là di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Mộc bản triều Nguyễn đã ghi lại rất chi tiết lịch sử hình thành, văn hóa tỉnh Khánh Hòa qua các triều đại nhà Nguyễn, trong đó có câu chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu (Tháp Bà Ponagar ngày nay).
Tất cả nội dung các bản thảo được khắc trên Mộc bản đều được Hoàng đế trực tiếp ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý. Đây là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.
Theo nhà nghiên cứu Hán – Nôm Đỗ Văn Khoái, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp (Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa), Mộc bản triều Nguyễn nói về Thiên Y Thánh Mẫu (Tháp Bà Ponagar ngày nay) khá rõ. Theo đó, công trình kiến trúc độc đáo Tháp cổ Thiên Y A Na là ngôi đền nằm trên ngọn đồi Cù Lao thuộc xã Cù Lao, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang). Đây là khu quần thể công trình di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa cổ. Nơi đây là trung tâm tôn giáo thờ Nữ thần Ponagar (người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm) và được người Việt tiếp tục gìn giữ, phát triển làm nơi thờ Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng cư dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thiên Y A Na thánh mẫu cũng được ghi chép lại trong Mộc bản triều Nguyễn: Tiên nữ Thiên Y, trước giáng sinh ở núi Đại Điền. Bấy giờ, có hai vợ chồng già không con, nhà ở cạnh núi, trồng dưa để sinh sống. Dưa chín, thường bị hái trộm. Một đêm ông lão rình xem, thấy một cô gái tuổi 13, 14, từ dưới bóng trăng thong thả đi đến vườn dưa, cầm dưa đùa bỡn. Khi biết được kẻ hái là cô gái nhỏ xinh đẹp, ông liền mang về nuôi. Một hôm, mưa lụt lớn, cô lấy đá tạo thành một hòn non bộ chơi. Cho rằng việc làm đó không thích hợp đối với một phụ nữ, nên người cha nuôi có nặng lời quở mắng. Vì vậy, nhân thấy một khúc kỳ nam đang trôi dạt, cô bèn biến thân vào khúc cây ấy, để xuôi ra biển cả rồi tấp vào Bắc Hải. Mùi hương từ khúc kỳ nam lan tỏa khắp nơi, khiến nhiều người đến xem, nhưng không một ai nhấc lên nổi. Thái tử nước ấy nghe tin đồn tìm đến, rồi nhẹ nhàng vác khúc gỗ kia mang về cung.
Đêm nọ, Thái tử thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc cây kỳ nam. Rình rập mấy đêm thì chàng bắt được. Nghe cô gái xinh đẹp tự xưng mình là Thiên Y A Na và khi nghe chuyện của nàng xong, ngay hôm sau, Thái tử đã tâu với Vua cha cho phép cưới nàng làm vợ. Sống với Thái tử, Thiên Y A Na sinh được một trai đặt tên là Tri và một gái đặt tên là Quí. Một hôm, Thiên Y A Na nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kỳ nam, vượt biển sang Phương Nam, đến thẳng bờ biển Cù Huân. Khi biết cha mẹ nuôi đã mất, bà cho xây đắp mồ mả, cho sửa sang lại nhà cửa để có chỗ thờ phụng hai ông bà. Thấy dân chúng ở Đại An hãy còn thật thà, chất phác bà liền đem những gì học được ở quê chồng, như phép tắc, lễ nghi ra chỉ dạy và dạy cả những việc như cày cấy, kéo sợi dệt vải… để người dân quê mình biết cách mưu sinh.
Ít lâu sau, một con chim hạc từ trên mây cao bay xuống, rước bà và hai con về cõi tiên. Nhớ ơn đức, nhân dân địa phương cùng nhau xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Khi đến Đại An, không tin Thiên Y A Na và hai con đã rời bỏ cõi tục, bộ hạ của Thái tử đã tra khảo người dân rất dữ, vì ngỡ họ cố tình che giấu mẹ con bà. Bị oan ức và đau đớn, nhiều người dân đã thắp hương cúng vái bà. Liền đó, một trận cuồng phong nổi dậy, cát chạy đá bay… và toàn bộ những người đến từ phương Bắc đều bị cát vùi thây, thuyền bè của họ cũng bị đá đánh chìm hết…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh (1653-2023), 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975 – 2.4.2023), tỉnh Khánh Hòa cũng đã lần đầu tiên tổ chức triển lãm tài liệu “Lịch sử tỉnh Khánh Hòa qua Mộc bản triều Nguyễn” (mở cửa từ tối 30.3 đến 6.4 tại Thư viện tỉnh) thu hút nhiều người đến tham quan.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, những tài liệu Mộc bản được lựa chọn, trưng bày tại triển lãm là những bản ghi chép về lịch sử vùng đất Khánh Hòa qua các triều đại nhà Nguyễn. Qua đó cho thấy, dù đã nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính nhưng Khánh Hòa luôn là vùng đất rất quan trọng về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự của đất nước. Hy vọng rằng, triển lãm này sẽ góp phần phát huy giá trị truyền thống, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của con người, vùng đất Khánh Hòa trong lịch sử dựng nước, giữ nước; khơi dậy lòng tự hào của người dân Khánh Hòa, tạo quyết tâm mới, xây dựng tỉnh ngày càng bứt phá, tỏa sáng trong hành trình hội nhập, phát triển; góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của tài liệu lưu trữ.