‘Anh nhớ thương đất nước và thương yêu tuổi trẻ, dành hết tâm tình, hy vọng cho tuổi trẻ’, ông Bùi Văn Nam Sơn nói với Tuổi Trẻ khi nghe tin GS Cao Huy Thuần qua đời vào đêm 7-7 ở Pháp.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và GS Cao Huy Thuần có “tình anh em thân thiết đậm đà” vì ông Thuần là bạn học của anh trai ruột ông Sơn.
Lúc Tuổi Trẻ liên hệ, ông Sơn “mới biết tin anh Thuần mất được 15 phút” và ông đã lặng người không biết nói gì.
Ông Sơn kể vì sức khỏe nên lâu rồi ông Thuần không về thăm quê. Hai anh em thường phải trao đổi thư từ qua email. Ông chính là người viết lời tựa cho cuốn sách Thấy Phật của ông Thuần.
Những công trình về giáo dục, văn hóa của anh Cao Huy Thuần dành hết cho quê hương và tuổi trẻ. Ở đó, tình yêu dành cho tuổi trẻ là biểu hiện cụ thể nhất của tình yêu quê hương đất nước. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn |
“Dành hết tâm tình và hy vọng cho tuổi trẻ”
Ông Bùi Văn Nam Sơn nói hành trình của GS Cao Huy Thuần là hành trình của một nhà trí thức dấn thân, chân chính và hiếm có. Trong lòng ông Sơn, ông anh “là một người uyên bác, nhẹ nhàng và thấu hiểu tuổi trẻ”.
“Vì có nhiều chờ đợi với tuổi trẻ, nên giai đoạn về sau, những tác phẩm của anh như các tập nhật ký viết ra dành riêng cho tuổi trẻ”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, “dường như anh Thuần luôn nhớ thời tuổi trẻ giai đoạn ở Huế. Vì thế, anh dành hết tâm tình và hy vọng cho tuổi trẻ, mong các bạn trẻ sống có ích, yêu đời, hướng thượng và đóng góp cho đất nước”.
Ông Sơn đánh giá GS Cao Huy Thuần là một trí thức dấn thân, không phải là một học giả đơn thuần: “Khi còn ở Việt Nam, anh đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, bình đẳng tôn giáo. Sang nước ngoài, tâm tình dành cho đất nước ngày càng mãnh liệt”.
“Báo Tuổi Trẻ là nơi hợp nhất để nhấn mạnh thông điệp dành cho tuổi trẻ. Đó là tâm nguyện cuối của anh Thuần cũng như thế hệ trí thức lớn tuổi chúng tôi – những người sinh những năm 1930, trưởng thành ở Việt Nam mà vì nhiều lý do phải xa quê nhưng vẫn một lòng hướng về và đóng góp cho đất nước”, ông Bùi Văn Nam Sơn nói.
Văn chương ấy vĩnh cửu hóa vẻ đẹp quê nhà
GS Huỳnh Như Phương tâm sự với Tuổi Trẻ, ông từng có một thuở thiếu niên tìm cách kết nối với tuổi thanh niên bùng nổ của thế hệ GS Cao Huy Thuần qua những lời kể trong đời hay trong sách báo.
Ông tìm đọc lại những bài báo của GS Cao Huy Thuần, thấy ở đó những lời sôi động, cuộn trào của một người thuộc thế hệ đàn anh ít nhiều vẫn còn xa cách.
“Nhưng đến Nắng và hoa, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện, Sen thơm nắng hạ quê mình…, hình như tôi gặp Cao Huy Thuần trong sự đồng cảm văn chương trước khi gặp ông ngoài đời”, GS Huỳnh Như Phương kể.
Theo ông, GS Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà.
Ông Thuần và ông Phương thường trao đổi thư từ qua email. Những năm gần đây, sức khỏe ông Cao Huy Thuần yếu đi nhiều, thường phải vào bệnh viện nhưng ông vẫn gửi email thường xuyên (dẫu viết ngắn dần).
Năm 2022, GS Cao Huy Thuần nhờ ông Phương viết lời tựa cho cuốn Im lặng như lời chia tay. “Anh Thuần nói có thể cuốn sách là lời từ giã của anh tới bạn đọc”, GS Huỳnh Như Phương nhớ lại.
Trong một lá thư GS Cao Huy Thuần gửi cho ông có tâm sự:
“Như một cái hoa, tôi đã im lặng nở. Như một cái hoa, tôi nghĩ sẽ im lặng tàn.
Từ đó, trong im lặng và cô đơn, cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng…
Mơ mộng hơn một chút, tôi nghĩ về im lặng của cánh hoa rụng: trong im lặng, chắc nó cũng biết chia tay với bao nhiêu cánh bướm.
Tôi cũng phải chia tay với bao nhiêu bạn bè. Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…” (trích thư ngày 4-10-2022).
“Các bạn trẻ vẫn có cơ hội gặp gỡ GS Cao Huy Thuần qua những lời tâm tình của ông trong những trang viết đầy chất suy tưởng về xã hội và con người, về lý tưởng, ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ”, GS Phương nói.
Bởi những ngày cuối đời, nhận tin vui về truyện ngắn Cây diêm cuối cùng của ông được đưa vào sách giáo khoa lớp 11, GS Cao Huy Thuần đã gửi về cho một bạn văn trong nước những văn liệu mà ông chưa công bố với hy vọng đó cũng là những ánh lửa của cái đẹp và điều thiện muốn truyền lại cho những thế hệ tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc.
GS Cao Huy Thuần (1937 – 2024) là tác giả của nhiều đầu sách về văn hóa, giáo dục và triết học ở trong nước như Nắng và hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký sen trắng, Sen thơm nắng hạ quanh mình, Im lặng như lời chia tay, Đến với Phật cùng tôi… |
Chia tay mà không biệt ly Khi anh Cao Huy Thuần gửii tôi tập Im lặng như lời chia tay, tôi nghĩ: chắc là “Im lặng thở dài…” đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? Nhưng không. Cao Huy Thuần nói về “chia tay mà không biệt ly. Dẫn bài thơ Feuille morte (Lá chết) của Hermann Hess, anh “phát hiện” một điều thú vị: người Việt không ai nói “lá chết” mà nói “lá khô”, “lá rụng”. Quét lá rụng, quét lá khô, không ai nói quét lá chết như ngôn ngữ Pháp, Đức. Bởi vì lá không bao giờ chết. Nó khô, nó rụng, rồi nó tái sinh thành lá búp, lá non. “Chân lý” ấy bắt nguồn từ hai con sên của nhà thơ Jacques Prévert trên đường đi dự đám tang một chiếc lá chết, tựa Bài ca hai con sên đi dự đám tang. “Hai con sên đi đưa/ Đám tang chiếc lá chết/… Hỡi ôi khi chúng đến/ Mùa xuân đã đến rồi/ Bao nhiêu lá chết xong/ Tất cả đều lại sống…”. Tiễn mùa thu thì gặp mùa xuân. Tiễn cái chết thì gặp sự sống. Tiễn ảm đạm thì gặp tưng bừng. Hai con sên chia tay mà chẳng biết biệt ly là gì! (Im lặng). Cao Huy Thuần nói: “Chúng chẳng có cả khái niệm…”. Dĩ nhiên, Cao Huy Thuần đang nói về Kinh Kim Cang! Khi ta mà biết sống “ly niệm”, khi ta không còn bám chấp vào khái niệm… thì “trí bất đắc hữu vô”. Thong dong. Tự tại. Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, sống trong Như Lai tạng thì ta cũng có thể nhận ra cái “vô tướng” – bỗng “hiện tướng”… đùa vui giữa chốn ta bà chút vậy thôi. Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận. Cao Huy Thuần đang bay. Đường bay của hạnh phúc. Lấp lánh ánh vàng! Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc |