Không phải đến bây giờ câu chuyện i hay y mới được đưa ra bàn luận. Suốt nhiều năm qua, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng giữa việc chọn i (ngắn) hay y (dài), nhất là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm h, k, l, m, s, t. Do chưa thống nhất nên nhiều từ có /i/ vẫn tồn tại hai cách viết.
Có hay không một quy định về việc viết i hay y?
Giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) viết: “Trong chính tả hiện nay đang có những trường hợp cùng một âm vị nhưng được viết tùy tiện theo hai cách khác nhau. Đó là cách viết lung tung i/y và d/gi”. Tác giả cuốn giáo trình này cũng đề nghị: “Thống nhất viết nguyên âm – âm chính /i/ bằng chữ cái “i”, ví dụ: lí luận, kĩ thuật, mĩ thuật,…”.
Đó không chỉ là đề xuất của tác giả giáo trình trên mà còn là xu thế chung của những người nghiên cứu về ngôn ngữ suốt nhiều năm qua. Nhưng đề xuất này chưa từng được chấp nhận rộng rãi.
Trong ngữ cảm của nhiều người, họ thấy việc đồng loạt viết i (ngắn) sẽ có vẻ thiếu hụt hay phí hoài thứ gì đó, thành ra y (dài) vẫn được sử dụng thường xuyên.
Thậm chí ngay cả hai viện chuyên về chữ nghĩa lớn nhất nước ta – Viện Văn học và Viện Ngôn ngữ – cũng còn đưa ra quan điểm trái ngược nhau, trong khi Văn học chủ trương viết y (dài) thì bên Ngôn ngữ vẫn chọn viết i (ngắn).
Đồng ý với ý kiến được đưa ra trong cuốn giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, trước đây, NXB này quy định những từ trên phải viết bằng i (ngắn).
Ngày 30-11-1980, Bộ Giáo dục và Ủy ban KHXH ban hành văn bản “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục”, trong đó có quy định những từ có vần /i/ thì viết nhất loạt i ngắn (trừ vài ngoại lệ).
Các chuyên gia ngôn ngữ học nói gì?
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trần Ngọc Thêm lúc đầu cũng ủng hộ nhất loạt viết i (ngắn), nhưng về sau chính ông đã nhận thấy, chỉ xét riêng về mặt văn hóa, cách viết này đã không ổn. Góp ý cho sách giáo khoa lớp 4 mới (2005), ông chỉ ra việc nhất loạt viết i ngắn là một chủ chương cực đoan và không thích hợp, nhất là khi gặp tên riêng, vì ở đó phải tôn trọng truyền thống và tự do cá nhân.
Học giả Cao Xuân Hạo bổ sung cho quan điểm của Trần Ngọc Thêm, rằng: “Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da và gia, lý và lí (trong lí nhí). v.v.. Đáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều”.
Vậy, nên hay không việc thống nhất viết i (ngắn)?
Nhiều người cho rằng, vì i (ngắn) và y (dài) khi phát âm lên đều giống nhau nên để tránh gây lộn xộn, hãy đồng loạt viết i (ngắn).
Nhưng số khác lại không đồng ý. Họ đã phân tích thêm những bất cập của chủ trương chỉ viết i (ngắn) và sự cần thiết của việc bảo tồn sự phân biệt i/y. Nếu vận dụng triệt để nguyên tắc ngữ âm học theo kiểu 1 – 1 giữa âm và chữ, thì ngoài i ngắn/ y dài trong âm tiết mở nói trên, sẽ còn phải xử lý “nhất quán” hàng loạt trường hợp khác, như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trích dẫn:
- i/y độc lập làm âm tiết: y tế, chuẩn y, ý nghĩa, ỷ thế, yêu cầu, yếu thế yểu điệu,… → i tế, chuẩn i, í nghĩa, iêu cầu,…
- i/y trong tổ hợp làm vần: uyên bác, khuyên bảo, quyên góp, thuyết minh,… → uiên bác, khuiên bảo, quiên góp, thuiết minh,…
- c/k/q (cùng ghi âm “cờ”): quốc ca, cứu quốc, con đường quanh co,… → kuốc ka, kứu kuốc, kon đường kuanh ko,…
- d/gi (cùng ghi âm “dờ”): giáo dục gia đình → dáo dục da đình hoặc záo zục za đình
- g/gh (cùng ghi âm “gờ”): gồ ghề, ghen ghét → gồ gề, gen gét
- ng/ngh (cùng ghi âm “ngờ”): ngấp nghé, ngông ghênh → ngấp ngé, ngông ngênh
Và quan trọng hơn, nếu triệt để vận dụng nguyên tắc viết đồng loạt như trên thì sẽ làm mất rất nhiều cái lợi khác.
Thứ nhất, nó mất đi sự trong sáng. Ví dụ, nếu đồng nhất viết “gia đình” cũng như “da thịt”, “lý sự” cũng như “lí nhí” sẽ mất sự phân biệt nghĩa và mất cả sự đánh dấu về từ nguyên. Thứ hai, nó mất đi sự phong phú. Chẳng hạn trong tên riêng, người ta có quyền lựa chọn để biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Giữa tên là Tí với nghĩa là “bé” khác với Tý với nghĩa là “năm Tý, năm Chuột”. Hầu hết tên riêng người ta chọn y dài (gốc Hán) để thể hiện sắc thái trang trọng: chọn Hy (hy vọng), không chọn Hi (cười hi hi), chọn Kỳ (kỳ vọng), không chọn Kì (kì kèo)… Thứ ba, nó mất đi vẻ đẹp văn hóa. Ví dụ giữa “công ti” và “công ty”, người ta thấy viết “công ty” hay hơn, vì chữ “ti” được viết trong “ti trôn”, rồi “ti” còn có nghĩa là “vú” (sờ ti).
Đấy là điều giải thích vì sao cả nửa thế kỷ qua, với rất nhiều lời kêu gọi của nhiều nhà ngôn ngữ học rằng nên viết i (ngắn) cho tiện thì cái sự bất tiện trong việc phân biệt i (ngắn) và y (dài) vẫn tồn tại.
Cần thiết có một quy định chung về việc sử dụng i (ngắn) hay y (dài).
Những tranh cãi liên quan đến hai chữ cái này cứ kéo dài từ năm này qua năm khác. Đã đến lúc chúng ta cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc để có thể đi đến thống nhất.
“Quy định này sẽ giúp tạo sự thống nhất cho chính tả và cả chính âm tiếng Việt; cũng không gây khó khăn cho học sinh ngày này khi các em được trang bị kiến tức ngoại ngữ từ cấp tiểu học”, Th.S Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội – chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện i (ngắn) hay y (dài), mới đây tỉnh Bình Định đề nghị điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính từ Qui Nhơn thành Quy Nhơn.
Theo đó, tại quyết định số 124/2004 ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là TP Qui Nhơn. Trong khi đó, các văn bản hành chính, con dấu cũng như tên các trang web chính thức của địa phương đều thể hiện là “Quy Nhơn”.
Cụ thể là trong quyết định số 41 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 về việc điều chỉnh địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Nghĩa Bình (nay là hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) và quyết định số 81 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc mở rộng và đổi tên thị xã Quy Nhơn thành thành phố Quy Nhơn, thủ phủ của tỉnh đều được thể hiện là “Quy Nhơn”.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại tên thành phố “để bảo đảm sự thống nhất trong các tài liệu pháp lý về quản lý nhà nước cũng như trong giao dịch nói chung”.
Lai La/Theo TTV24