Những từ này thường là từ cổ, khi xưa có thể đứng độc lập nhưng nay lại được ghép với một số từ thông dụng khác để hoàn chỉnh nghĩa. Người ta gọi đó là thành tố mờ nghĩa trong từ ghép.
“Dấu” trong “yêu dấu”
Chúng ta thường nói “em yêu dấu”, “anh yêu dấu”… theo thói quen mà ít ai biết “dấu” có nghĩa là yêu. “Dấu” là từ cổ. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích “dấu” nghĩa là “yêu mến”. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (năm 1651) cũng giải thích “dấu” là một từ cổ chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là “bùa để làm cho yêu”.
“Búa” trong “chợ búa”
Theo học giả An Chi, yếu tố “búa” bắt nguồn từ chữ “phố” trong tiếng Hán, nghĩa là “cửa hàng, nơi buôn bán”. Người ta đã chứng minh được mối quan hệ ngữ âm giữa “phố” và “búa” như giữa ph- và b-, phủ ~ búa, phóng ~ buông, phòng ~ buồng cũng như giữa -ô và -ua, bồ (phù) ~ bùa, bổ ~ bủa… Như vậy, “búa” cũng có nghĩa là chợ hoặc nơi buôn bán tấp nập.
“Cộ” trong “xe cộ”
“Cộ” là từ chỉ “phương tiện vận chuyển không có bánh, do trâu bò kéo chạy trượt trên mặt đất, thường dùng ở miền núi hoặc ruộng lầy”. Vậy, “cộ” cũng không hề vô nghĩa như mọi người lầm tưởng.
“Tẻ” trong “tẻ nhạt”
Từ điển Hoàng Phê giảng “tẻ” nghĩa là buồn, chán do vắng vẻ. Tẻ còn có nghĩa là không có sức hấp dẫn, đơn điệu, lẻ loi, thiếu sinh khí. Vậy, “tẻ” cũng đồng nghĩa với buồn. Xưa Nguyễn Đình Thi viết: “Ăn cơm một mình thế này tẻ thật”. Nay, “tẻ” không xuất hiện một mình mà được ghép đôi thành: tẻ nhạt, buồn tẻ, lẻ tẻ…
“Núc” trong “bếp núc”
Theo Huỳnh Tịnh Của, “núc” là “đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn”, cho nên có thể hiểu “núc” chính là ông Táo.
“Thích” trong “thân thích”
Người ta vẫn nói “nội thân ngoại thích” dùng để chỉ họ hàng hai bên nội ngoại. Xét nghĩa cụ thể, “thân” là gần, họ hàng gần, thường dùng chỉ họ bên nội; còn “thích” là bà con khác họ, thường dùng chỉ họ bên ngoại. Ngày nay, chữ “thân” thì còn dùng nhiều. Khi nói “người thân”, người ta cũng không rạch ròi họ bên nội hay bên ngoại nữa mà hiểu chung là họ hàng.
“Xắn” trong “xinh xắn”
“Xắn” là sáng, chói, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ “xắn” này là từ có chung nguồn gốc với chữ “xán” trong “xán lạn” có nghĩa là rực rỡ, sáng chói.
“Han” trong “hỏi han”
“Hỏi han” không phải từ láy mà là một từ ghép đẳng lập. “Han” nghĩa là “hỏi tới”, “nói tới”. Theo đó, “hỏi han” nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó. Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều với từ “han” dùng độc lập: “Trước xe lơi lả han chào/ Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi”.
“Rú” trong “rừng rú”
“Rú” cũng có nghĩa “rừng”, tức chỗ cây cối mọc mênh mông rậm rạp. “Rừng rú” bởi vậy cũng là từ ghép đẳng lập chứ không phải từ láy như nhiều người lầm tưởng.
“Chác” trong từ “bán chác”
“Chác” có nghĩa là mua, chịu lấy, đa mang. Cho nên “bán chác” là hoạt động mua bán nói chung. Ngoài đi với chứ “bán”, “chác” cũng đi với các từ khác như “đổi chác”, “kiếm chác”.
“Đột” trong “đường đột”
Cả “đường” và “đột” trong “đường đột” đều có nghĩa là xúc phạm, mạo phạm. Do đó, từ “đường đột” được dùng để chỉ việc đụng chạm, mạo phạm hay thất lễ. Chuyện gì mà làm hơi thiếu lễ độ, thiếu nhã nhặn, không phải phép thì người ta gọi là “đường đột”.
Tuy nhiên, ngày nay từ “đường đột” lại “bị” hiểu theo một nghĩa khác, là đột ngột, bất ngờ.
Ngoài những từ trên thì còn có nhiều từ nữa với “số phận” tương tự, khi nghĩa của chúng bị mờ đi khiến nhiều người hiểu nhầm là vô nghĩa: cãi vã, thi thố, thô thiển, quà cáp, đau điếng, đo đạc, cần cù, thu thập…
Như vậy, chúng ta đừng vội kết luận một từ là vô nghĩa hoặc là từ láy. Thay vào đó, hãy dành thời gian nghiên cứu, tra cứu tự/từ điển để tìm hiểu kỹ hơn.
Lai La/Theo TTV24