Tiết lộ bất ngờ về cuộc sống thường ngày của vị shark nổi tiếng

12:35 | 31/05/2024

Dẫu công việc bận bịu nhưng Shark Lê Hùng Anh, vị shark trẻ tuổi quê ở tỉnh Quảng Nam cũng dành thời gian trò chuyện với PV Thanh Niên về nhiều nội dung thú vị.

“Làm kinh doanh nhiều thứ cũng đau đầu nên tôi hát cho vui”

Thấy anh không chỉ nổi tiếng khi ngồi ghế chương trình Shark Tank Việt Nam, mà cộng đồng mạng còn thường thấy anh ra MV trên YouTube. Có vẻ anh mê hát?

Tôi mê hát thiệt. Nói sao nhỉ? Tôi làm kinh doanh, nhiều thứ cũng… đau đầu. Nên tôi hát cho vui. Thi thoảng “giả bộ” làm cái MV đăng lên mạng.

Tự chấm về khả năng ca hát, anh cho bao nhiêu điểm?

Chắc được… 2, 3 điểm thôi.

Điểm thì thấp nhưng có sự tự tin, đúng không ạ?

Đúng là như vậy. Tôi hát không mưu cầu chuyện nhằm để khán giả thích mình. Quan trọng là tôi thích. Nhưng nói thật là bây giờ tôi vẫn chưa thấy thích lắm. Vì tôi nhận ra là mình chưa đạt tới những yếu tố về hay, chất lượng. Nói chung về các yếu tố liên quan âm nhạc là tôi chưa có. Vì tôi không có thời gian. Mỗi lần thu âm cực lắm. Người ta hát một bài, thu âm chỉ có vài chục phút, nửa tiếng đồng hồ. Tôi “quất” tới 2, 3 tiếng đồng hồ. Thu âm rồi chỉnh tới chỉnh lui liên tục.

Shark Lê Hùng Anh thích hát nên… liên tục ra MV
Thấy anh hát đủ ca khúc, nào là “Mưa đêm tỉnh nhỏ”, nào là “Thị trấn về đêm”, rồi “Không bao giờ quên em”, “Chuyện tình người đan áo”, “Giọt buồn không tên”… Vậy đâu là những ca khúc “tủ” của anh?
Tôi không có ca khúc “tủ”. Bài nào mà tôi thấy quen quen là cứ hát thôi.
Vậy sở trường của anh là thể loại nhạc nào?

Đó là bolero, nhạc trữ tình, quê hương.

Shark Lê Hùng Anh cho biết mỗi lần thu âm mất cả 2, 3 tiếng đồng hồ, phải chỉnh tới chỉnh lui

“Tôi thất bại hoài…”

Nhiều người rất ấn tượng với giọng nói của anh. Nghe giọng Quảng Nam rất thân thương. Anh cũng từng nói tự hào với giọng nói quê hương mình. Nhưng mà có những người trẻ, cảm thấy tự ti vì giọng nói. Họ sợ bị đánh giá vì giọng nói. Anh nghĩ gì về chuyện này?

Không có gì phải mặc cảm khi có giọng nói đặc sệt vùng miền cả. Cái giọng mẹ đẻ có từ khi sinh ra thì cớ chi phải tự ti rồi coi đó là “chướng ngại vật”, sợ bị người khác đánh giá. Tự ti thì làm sao nói chuyện được? Đừng có tự ti. Quan trọng là làm sao nói để người ta nghe rõ và hiểu là tốt. Chứ cái giọng nói của mình tự nhiên “đổi” để làm gì đâu? Đổi giọng không tăng thêm cơ hội thành công của bản thân.

Theo Thanh Niên

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *