“The Mountains Sing” là tựa sách mới nhất của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Sách chuyển tải một câu chuyện gia đình phức tạp trải dài gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam, từ thời Pháp thuộc cho đến khi thống nhất Nam Bắc, chiến tranh Việt Nam cho đến ngày nay.
Tiểu thuyết làm sáng tỏ cách thức chiến tranh không chỉ khiến các quốc gia đổ vỡ mà còn làm tan nát các gia đình. Người đọc nhìn cuộc chiến qua con mắt của một người Việt Nam, đặc biệt ở việc sử dụng ngôn ngữ và truyền thống của Việt Nam xuyên suốt câu chuyện. “Cuốn tiểu thuyết đưa người đọc đi qua lịch sử Việt Nam gần đây qua cuộc sống của bốn thế hệ trong một gia đình Việt Nam. Đó là một lời kêu gọi tuyệt vọng cho hòa bình và để người yêu thương người nhiều hơn,” tác giả chia sẻ.
Phụ nữ và chiến tranh
Ý tưởng của quyển tiểu thuyết được thể hiện bởi hai người kể chuyện. Đầu tiên là Trần Diệu Lan (sinh năm 1920), người mà chúng ta bắt gặp đầu tiên khi dạo quanh những hố bom trên đường phố Hà Nội những năm 1970. Nhiệm vụ của cuộc đời bà là bảo vệ cháu gái Hương (sinh năm 1960), được gọi là Guava. Vai trò tự thân của bà là tìm nơi trú ẩn tránh các cuộc không kích, di tản bất chợt về vùng nông thôn và hy sinh thiên chức làm giáo viên để kiếm tiền từ chợ đen.
Giọng kể thứ hai là của cháu gái Hương, đại diện cho những trải nghiệm của chính tác giả ở Việt Nam và chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Cô đại diện cho một thế hệ người Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thừa hưởng những đau thương của chiến tranh do những người lính trở về quê hương mang lại.
Hai lời kể mang lại cho cuốn tiểu thuyết một cuộc hợp xướng với nhiều cung bậc cảm xúc.
Lấy bối cảnh là Chiến tranh Việt Nam, tiểu thuyết kể về một câu chuyện đa thế hệ của gia đình họ Trần. Bà Diệu Lan buộc phải rời bỏ mảnh đất của gia đình cùng với năm người con của mình trong cuộc Cải cách ruộng đất khi chính quyền cách mạng nổi lên ở miền Bắc. Nhiều năm sau, tại Hà Nội, cháu gái Hương của bà đã đến tuổi trưởng thành cùng cha mẹ và các chú xuống đường mòn Hồ Chí Minh để chiến đấu trong một cuộc xung đột không chỉ khiến đất nước thân yêu của bà bị chia cắt mà cả gia đình của bà bị rẽ phân.
Bà Diệu Lan trở thành người phụ nữ đảm đương mọi trách nhiệm trong gia đình khi phải xa cha, chồng, anh và con trai trưởng do chiến tranh. Bà đã trải qua những biến động lịch sử và khó khăn về kinh tế bằng tinh thần tự lực, thông minh, sáng tạo và lòng nhân ái.
Sinh ra cùng mảnh đất với lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, hành động của bà Diệu Lan phản ánh tư tưởng độc lập. Trong thời kỳ trước khi Việt Nam cải cách kinh tế những năm 1980, bà trở thành một người buôn bán ở chợ đen để cải thiện điều kiện sống của gia đình. Bà giới thiệu văn học lậu của Mỹ cho cháu gái của mình, với hy vọng mở rộng tầm nhìn tri thức của Hương, và thể hiện tình yêu bền vững với người con trai đã chiến đấu trong quân đội Việt Nam.
Với những người đã chết, mất tích hoặc đang chiến đấu, và ngôi nhà của họ trở thành đống đổ nát, người bà đã kể lại cho đứa trẻ câu chuyện về cuộc đời mình, thể hiện chi tiết đáng kinh ngạc về cuộc kháng chiến tồn tại kéo dài nửa thế kỷ. Chúng tràn đầy bạo lực, chiếm đoạt, thuộc địa, ngoại xâm và nội chiến.
Một tiểu thuyết tôn vinh “đa quan điểm”
The mountains (Những ngọn núi) trong tựa sách đại diện cho con người và vùng đất của Việt Nam, và “sing” (hát) đại diện cho sự tôn vinh đa quan điểm của tiểu thuyết. Những ngọn núi hát hiểu theo nghĩa đen là sơn ca, từ Hán Việt để chỉ con chim sơn ca được chạm khắc thủ công mà Hương thừa hưởng từ người cha đã mất từ lâu. Là biểu tượng của sự bất tử trong văn hóa Việt Nam. Sơn ca còn gợi nhớ đến chú chim sơn ca vàng của Yeats trong “Sailing to Byzantium” hát về “những gì đã qua, hoặc đang trải, hoặc sẽ đến.”
Những nhân vật nổi bật trong tiểu thuyết tạo nên sức ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai. Tác giả dành tập sách cho người bà đã mất trong nạn đói lớn những năm 1940 khi Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, cho người ông đã chết vì chính sách cải cách ruộng đất khắc nghiệt của chính quyền năm 1955, và cho người chú, cho “tuổi trẻ mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã tiêu hao,” cũng như hàng triệu người Việt Nam và những người không phải người Việt Nam đã chết trong chiến tranh.
“Tôi muốn cho độc giả thấy rằng Việt Nam không chỉ là nơi xảy ra chiến tranh, mà là một đất nước có di sản văn hóa phong phú và với những người sẽ làm mọi thứ cho gia đình họ”, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ.
Sinh năm 1973 tại miền Bắc, Quế Mai cùng gia đình vào miền Nam lúc 6 tuổi, và giành được học bổng đại học sang Úc. Sau đó, cô quyết định theo đuổi sự nghiệp viết văn khám phá những hậu quả tâm lý xã hội lâu dài của Chiến tranh Việt Nam. Nền tảng này mang lại cho cô một khả năng sắc sảo và duyên dáng trong việc nối kết những sự thật mâu thuẫn về chiến tranh, sự dịch chuyển, thẩm mỹ và bản chất con người.
Trong The mountains sing, Hương có thể nhìn thấy tính nhân văn của cái gọi là kẻ thù Mỹ vì cô ấy đã đọc Laura Ingalls wilder mô tả về một gia đình công binh gắn bó với nhau trong Little house in the big w oods, cuốn sách mà cô có được từ việc buôn bán chợ đen của bà nội. Đồng thời, sự thanh cao không đem một nền văn hóa thoát khỏi sự phi nhân tính, bà Diệu Lan nhận thấy một bài thơ haiku tao nhã về con ếch của nhà thơ Nhật Bản Basho đã không thể cứu người Việt Nam khỏi sự tàn bạo của những kẻ chiếm đóng là người Nhật.
Quan trọng nhất, cuốn tiểu thuyết giúp tất cả chúng ta thấy “kẻ thù” không phải là trừu tượng hay ma quỷ, mà là vật chất, thậm chí là gia đình. Một máy bay ném bom của Mỹ rơi khỏi bầu trời cũng dễ làm tổn thương như mất mát một anh trai của ai đó đang chiến đấu cho phía bên kia chiến tuyến. Chiến tranh Việt Nam không chỉ là một cuộc đấu tranh ý thức hệ quốc tế, mà còn là một cuộc nội chiến trong các gia tộc.
Khi miêu tả hậu quả thảm khốc của chiến tranh và hệ tư tưởng chủ đạo cách mạng, thứ buộc công dân và mọi thành viên gia đình trở thành kẻ phản bội hoặc người yêu nước, The mountains sing khẳng định quyền tư duy, đọc và hành động của mỗi cá nhân theo quy tắc cư xử trực quan, nảy sinh từ di sản văn hóa đa dạng và nhân ái của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bù đắp chiến tranh thực sự vẫn chưa diễn ra giữa nhà nước và nhân dân. Những “kẻ thù” mà bà Diệu Lan phải đối mặt khi trở về quê nhà không phải là kẻ thù bằng xương bằng thịt, mà chỉ đơn thuần là những tác nhân của chính thể đã tạo ra cuộc cải cách ruộng đất thảm khốc.
Ngoài những mối ràng buộc gia đình, cuộc sống của gia đình họ Trần được định hình bởi những xung đột. Việt Nam chưa bao giờ thoát khỏi chiến tranh ở bất kỳ thời điểm nào trong thời thơ ấu của Hương. Bà của Hương phải hồi tưởng lại bốn thập kỷ để nhớ lại sự yên bình khi bắt đầu kể cho cháu nghe về quá khứ của gia đình.
“Tôi cũng biết cuốn sách không phải là một cuốn sách dễ đọc vì nó đề cập đến những mất mát, chiến tranh, đau thương, chia ly và khát vọng. Nhưng tôi hy vọng xa hơn thế, người đọc sẽ đánh giá được giá trị của tình cảm gia đình, sức mạnh của hy vọng và lòng nhân ái của con người, và tầm quan trọng của sự tha thứ”, Nguyễn Phan Quế Mai nói.
The mountains sing được phát hành vào tháng 3 năm 2020, là cuốn tiểu thuyết đầu tay đẹp đến kinh hoàng, u sầu và đau đớn của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai. Câu chuyện đúc kết 80 năm lịch sử đầy biến động của quê hương với vận mệnh đầy biến động của dòng họ Trần. Cô là tác giả của mười một cuốn sách tiểu thuyết, thơ và phi hư cấu viết bằng tiếng Việt, được dịch và xuất bản tại hơn 10 quốc gia.
Nhất Tuệ/Theo TTV24