Cũng giống như các gameshow khác trên truyền hình, ban đầu mới thì gây tò mò, và vì là “món lạ” khác với các gameshow hài, ca nhạc… đã quá nhàm chán, nên gameshow “mai mối” cũng khá ăn khách. Thấy “ăn”, lập tức các nhà sản xuất vội tung hàng loạt chương trình lên sóng.
Ngoài các format đã Việt hóa, những chương trình thuần Việt vấp ngay sự trùng lắp về ý tưởng và nội dung, người chơi đến với chương trình không hẳn là “vì yêu” mà chủ yếu để được nổi tiếng. Thí sinh cũng “chạy sô” để tham gia các chương trình hẹn hò trên truyền hình. Thậm chí có gameshow được sắp đặt trước, phối hợp cùng những “ông Tơ, bà Nguyệt” tạo kịch bản tình huống đầy gây cấn để câu khách.
Không những thế, một số chương trình đã hạ thấp giá trị nhân phẩm phụ nữ, dùng cộng đồng LGBT để tạo drama, hay chính những người chơi trở thành món hàng được chọn lựa hoặc “vứt đi”.
Sự sắp đặt kết quả, vị trí trong một gameshow mai mối là điều không quá xa lạ. Có thể thấy nhiều sự kết hợp giữa các cặp đôi đã khiến không ít khán giả phản đối liên tục bởi những lối diễn thái quá, có trường hợp làm tổn thương cả bạn cùng chơi.
Trong chương trình “Bạn muốn hẹn hò”, khi “ông mai, bà mối” đã kết hợp thành công một cặp đôi nhưng sự cố liền xảy ra khi anh chàng phân tích chuyện yêu đương phải có tí cảm xúc, anh cho rằng không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không nhìn được thôi. Với phát ngôn trên, anh đã gây ra sự phản ứng kịch liệt của khán giả.
Nối gót thành công của “Bạn muốn hẹn hò”, các chương trình mai mối “ăn theo” nở rộ như “nấm sau mưa”. Có thể điểm qua những chương trình đã và đang phát sóng như: Lựa chọn của trái tim, Mảnh ghép tình yêu, Khúc hát se duyên, Vì yêu mà đến, Anh chàng độc thân, Vợ chồng son, Giai điệu chung đôi, Quý cô hoàn hảo,… và gần đây nhất là Người ấy là ai.
Khi “Người ấy là ai” mùa 3 vừa lên sóng đã nhận về cơn sốt “gạch đá” đủ để “xây” biệt thự. Thay vì đến với chương trình để kiếm tìm hạnh phúc đích thực, không ít người chơi bị “bóc phốt” giả tạo, lừa dối khán giả, “chạy sô” để “đánh bóng” tên tuổi. Sau đó, nhiều anh chàng đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì lời nói sai sự thật trên sóng truyền hình.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình hẹn hò khác cũng khiến khán giả bị “nghẹn” vì có quá nhiều “sạn”. Giai điệu chung đôi, Khúc hát se duyên,… không ít lần khiến người xem la ó khi khai thác chuyện yêu đương một cách sống sượng, quá đà, đến mức phô diễn “trắng trợn” sự dàn dựng. Hay, Lựa chọn của trái tim dù hướng đến thông điệp “tình yêu thật sự thì không đến từ ngoại hình”, nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn, đầy rẫy sự giáo điều, sáo rỗng, trịch thượng và giả dối… gây nên sự phản cảm.
Trên thực tế có một câu nói rất hay và sâu sắc mà nhiều người vẫn truyền tai nhau “Đừng lên sân khấu để chọn bạn, vì ở đó người ta đã hóa trang”. Nhìn trực diện vào những show hẹn hò hiện nay, nó chẳng khác gì vở kịch được diễn lại, còn người chơi lại khoác lên mình chiếc mặt nạ “giả tạo”. Chính sự “sắp đặt” ấy đang hạ thấp giá trị đích thực của tình yêu.
Vì lẽ đó khiến người xem phải đặt dấu hỏi về sự nghiêm túc của người chơi cũng như tính chân thật của chương trình: Se duyên hay câu view?
Hồng Quang