Ngày 30/8, UBND TP.HCM và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã tổ chức khánh thành công trình mở rộng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, thuộc Dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2).
Theo Ban Giao thông, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng; Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 9.850 tỷ đồng (chiếm 87% tổng mức đầu tư). Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 1.450 tỷ đồng (chiếm 13% tổng mức đầu tư).
Dự án có các mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; Nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, Kênh Ngang số 1,2,3 và một phần kênh Hàng Bàng; Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trong lưu vực; nâng công suất trạm bơm Đồng Điền và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m3/ngày của giai đoạn 1 lên thành 469.000 m3/ngày; Chỉnh trang đô thị, nạo vét kè bờ các tuyén kênh chính trong lưu vực, khôi phục mặt nước một phần tuyến kênh Hàng Bàng; Tái định cư cho các hộ dân sống ven và trên các tuyến kênh trong dự án và Bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Dự án Cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) là dự án có quy mô và khối lượng thi công các hạng mục công trình rất lớn, địa bàn thi công trải dài qua địa bàn 8 quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.
Dự án đã xây dựng tổng cộng 17km cống tròn, cống hộp thoát nước mưa với đường kính cống tròn tối đa 2m, mặt cắt ngang cống hộp; xây dựng 34km cống bao thu gom nước thải cùng 156 giếng tách dòng và nâng công suất trạm bơm Đồng Diều, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng lên đến 469.000 m3/ngày; nạo vét, kè bờ 6,5 km các tuyến kênh trong lưu vực.
Sau khi Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn cuối cùng là mở rộng phạm vi xử lý nước thải thêm khoảng 1.600 ha thuộc khu vực quận 7, 8 và huyện Nhà Bè với dân số khoảng 900.000 người.
Khi giai đoạn này được hoàn thành, nước thải sinh hoạt của toàn bộ lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé- Đôi-Tẻ sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường…
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được thi công từ năm 2015 đến năm 2020 và một số gói thầu tiếp tục thi công đến nay. Nhà máy có công suất 469.000m3/ngày, lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Công trình được hoàn thành sẽ giúp Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng mở rộng công suất xử lý lên 469.000m3 nước thải mỗi ngày đêm, tăng 328.000m3 so với giai đoạn 1; Qua đó giúp TP Hồ Chí Minh xử lý nước thải cho lưu vực rộng hơn 2.500ha với dân số khoảng 1,8 triệu người.
Theo ông Lương Minh Phúc, nước thải được thu gom tại các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, sau đó theo hệ thống cống bao đưa về trạm bơm Đồng Diều ở quận 8.
Tại trạm này, nước thải loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống chuyển về khu vực bể lắng thu gom nước thải tại Nhà máy Bình Hưng để lọc sơ bộ rồi chuyển đến các bể xử lý khác; nhà máy không sử dụng hóa chất mà dùng vi sinh xử lý nước. Bằng phương pháp này, công trình sẽ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường cho lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Phúc, dự án có thể được xem là một minh chứng cho sự quan tâm và quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các Sở, ban ngành, quận, huyện trong công tác bảo vệ môi trường nước. Sau gần 20 năm triển khai giai đoạn 1 và 2, đến nay Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố đã biến một cù lao sình lầy, lau sậy trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, với công suất xử lý nước thải 469.000 m3/ngày đêm, lớn nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng còn được quy hoạch, xây dựng thành một “điểm đến Xanh” cho người dân thành phố với hàng chục ha cây xanh.
Ngoài ra, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng còn có hệ thống phòng thí nghiệm cùng hệ thống quan trắc cũng đã trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải của TP Hồ Chí Minh với đội ngũ kỹ sư, công nhân sẵn sàng cho nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống, công trình thu gom, xử lý nước thải của thành phố trong tương lai.
Nhà máy cũng sẽ trở thành một điểm học tập, tham quan và giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là những công dân trẻ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành công trình mở rộng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã biểu dương Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, Ban Giao thông…. thực hiện dự án Cải tạo Môi trường nước Thành phố giai đoạn 2; Đồng thời, cảm ơn đến các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng khi triển khai dự án, phải giải tỏa và di dời toàn bộ một phần hoặc toàn bộ nơi ở để có mặt bằng triển khai dự án.
“TP Hồ Chí Minh luôn xem việc bảo vệ môi trường, tăng cường màng xanh, xử lý rác thải, nước thải, cải tạo kênh rạch, cải thiện cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh, rạch là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Hai nhiệm vụ trọng tâm Thành phố phấn đấu, lãnh đạo triển khai thực hiện đến năm 2030, đó là công tác thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước của thành phố với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m3/ngày; thu gom xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế 100% khối lượng rác thải trên địa bàn thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết.
Được biết, ngoài Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, TP Hồ Chí Minh còn có hai nhà máy khác là Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày) và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hoà (công suất 30.000 m3/ngày).
Gia Huy