TPHCM và cuộc hội ngộ của các bảo vật quốc gia

15:42 | 01/07/2025
Việc Bảo tàng Lịch sử TPHCM trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM (29/6) có thể xem là bước khởi đầu cho hành trình “đánh thức” di sản của thành phố. Khi TPHCM đã sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu biết cách, đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử.
Cuộc hội ngộ đầu tiên

Chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM được xem là cuộc trưng bày “nặng ký” tại TPHCM tính đến thời điểm hiện tại. Lần đầu tiên, 17 bảo vật quốc gia của thành phố được tập hợp để trưng bày trước công chúng. Chuyên đề cũng đánh dấu lần đầu tiên các bảo vật đến từ hệ thống bảo tàng công lập và tư nhân được tập hợp, trưng bày cùng nhau.

Không gian tại chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM – Ảnh: Thành Lâm

TPHCM hiện có 17 bảo vật quốc gia đang được quản lý rải rác ở các bảo tàng gồm Bảo tàng Lịch sử TPHCM (12 bảo vật), Bảo tàng TPHCM (2 bảo vật), Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (2 bảo vật) và nhà sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo (1 bảo vật). Trong số các bảo vật được trưng bày có: tượng nữ thần Devi, tượng phật Sa Đéc, tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn, tượng Avalokitesvara Đại Hữu, tượng Phật Lợi Mỹ, ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn, chõ gốm, khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng…

Tại không gian trưng bày, 2 bức sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc và Thanh niên Thành đồng không xuất hiện vì lý do điều kiện bảo quản không đảm bảo. Thay vào đó, có màn hình 3D để người xem tương tác trực tuyến. Các thao tác trên màn hình khá dễ để công chúng có thể thu, phóng cận cảnh tác phẩm cũng như hiểu thêm về cuộc đời của danh họa Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng.

Ở một số triển lãm trước đây, các bảo vật quốc gia nói trên từng được đưa ra trưng bày nhưng vì tổ chức đơn lẻ nên chưa thu hút công chúng, chưa phát huy tối đa hiệu quả trong công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị của bảo vật quốc gia. Chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM gần như mở lối cho hoạt động quảng bá di sản tại TPHCM.

Sự đa dạng về niên đại, chất liệu của 17 bảo vật được trưng bày gần nhau giúp tạo ra bức tranh tổng quan, khái quát một giai đoạn khá dài trong lịch sử đất nước. Ở đó, các bảo vật không chỉ phản ánh thẩm mỹ mà còn cho thấy đời sống tinh thần, vật chất nhiều mặt của người Việt.

Bảo vật được trưng bày tại triển lãm chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản Ảnh: Thành Lâm

Tính đến năm 2025, Việt Nam có 327 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. TPHCM chỉ sở hữu 17 bảo vật là khá ít. Dù không nhiều nhưng nếu biết cách tập hợp, khai thác, những bảo vật này cũng sẽ phát huy giá trị, góp phần vào bức tranh di sản chung của TPHCM.

Cơ hội từ siêu đô thị mới

Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM – cho hay, từ ngày 1/7, với sự sáp nhập của Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM mới sẽ có thêm 6 bảo vật quốc gia. Trong đó, 3 bảo vật của Bình Dương và 3 bảo vật của Bà Rịa – Vũng Tàu có niên đại từ 2.000-3.000 năm. Từ nghiên cứu tư liệu, ông Nguyễn Minh Nhựt thống kê TPHCM hiện có 200 di tích được xếp hạng; Bình Dương có 66 và Bà Rịa – Vũng Tàu có 48.

Ông cho biết con số chính xác sẽ được TPHCM mới công bố chính thức nhưng ông điểm lại để thấy khi 3 địa phương sáp nhập, hệ thống di sản của thành phố mới cực kỳ phong phú, đa dạng với 314 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 99 di tích quốc gia và 221 di tích cấp tỉnh. Cộng với số công trình đã được kiểm kê, chuẩn bị xếp hạng ở các địa phương trước khi sáp nhập, lượng di sản của TPHCM tăng lên đáng kể.

Không gian tại chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM. Ảnh: Thành Lâm

Sự “sáp nhập” về di sản này vừa là thách thức vừa tạo cơ hội cho công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của siêu đô thị mới. Nếu có những hoạt động trưng bày chuyên đề liên quan đến cổ vật, bảo vật quốc gia của TPHCM mới, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một cách khái quát và hệ thống những hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử rộng hơn về mặt địa lý so với trước.

Các hoạt động trưng bày như vậy không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa của các bảo vật mà còn góp phần quảng bá di sản quốc gia đến với công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là hoạt động giáo dục ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức bảo tồn di sản, khẳng định vai trò của TPHCM trong công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

Để có những cuộc trưng bày ấn tượng, theo ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM – sự kết hợp giữa bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân là “cái bắt tay” cần thiết. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện vấn đề xã hội hóa về mặt di sản văn hóa mà còn gợi mở để những cá nhân, đơn vị có năng lực trong công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản có thể tham gia.

“Sau chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM, những nhà sưu tập, bảo tàng tư nhân, bảo tàng công lập cũng sẽ đề xuất, tìm tòi và phát hiện thêm nhiều hiện vật xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia để công chúng được tiếp cận, trân trọng và yêu quý những hiện vật là một phần di sản văn hóa, lịch sử của TPHCM” – ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Văn hóa người thưởng lãm sẽ giúp bảo vệ di sản

Trả lời Báo Phụ nữ TPHCM về công tác bảo vệ an ninh cụ thể tại chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM – cho biết trong tình hình có bảo vật bị xâm hại xảy ra trong thời gian qua, việc tổ chức trưng bày hàng loạt bảo vật rất căng thẳng. Tình trạng xâm hại cổ vật, di tích không chỉ có tại Việt Nam mà còn xảy ra ở các quốc gia khác. Chúng ta không nên vì quá lo lắng mà cất giữ bảo vật trong tủ kính, cần tìm cách làm phù hợp để công chúng và du khách được chiêm ngưỡng.

Khi thực hiện chuyên đề trưng bày 17 bảo vật, phía Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã có công văn gửi các đơn vị liên quan để chung tay đảm bảo công tác an ninh cho sự kiện. Ngoài ra, tại địa điểm trưng bày thuộc Bảo tàng Lịch sử TPHCM có hệ thống camera, lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân sự… túc trực. Ông cho biết đã quán triệt tinh thần của lực lượng bảo vệ cổ vật là hòa nhã, lịch sự nhưng cũng phải cương quyết khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

“Khi trình cho cấp có thẩm quyền về hoạt động trưng bày, chúng tôi cũng đã trình phương án bảo vệ. Chúng tôi sẽ làm hết mức cho công tác an ninh nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng chính người dân thành phố sẽ chung tay cùng chính quyền bảo vệ các bảo vật, di sản văn hóa. Không có sự bảo vệ nào bằng công chúng thưởng lãm. Chính thái độ ứng xử văn hóa của người dân thành phố mới là hàng rào bảo vệ lớn nhất cho cuộc trưng bày bảo vật quốc gia lần này và những lần tiếp theo” – ông Nguyễn Minh Nhựt nói thêm.

Trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TPHCM diễn ra từ ngày 29/6/2025 đến hết ngày 10/8/2025 tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Lần tổ chức có quy mô lớn và sự chung tay từ cả bảo tàng công lập lẫn tư nhân tạo niềm tin rằng đây là bước khởi đầu cho những cách làm tương tự trong tương lai. Hoạt động càng ý nghĩa ở thời điểm TPHCM hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu thành siêu đô thị hiện đại nhưng cũng giàu trầm tích văn hóa, di sản.

Theo báo Phụ Nữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *